Xã hội

Xe công vào sân bay đón người thân Bộ trưởng: Do sơ suất?

09/01/2019, 18:26

Theo Bộ Nội vụ, việc xe biển xanh vào sân bay đón người thân Bộ trưởng Công thương có thể là sơ suất.

bo-truong-cong-thuong-xon-loi

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã lên tiếng xin lỗi về việc xe biển xanh vào sân bay đón người thân

Chiều 9/1, Bộ Nội vụ tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.

Tại buổi họp báo, báo chí đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Nội vụ về vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm mấy ngày qua liên quan đến Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

“Trung ương vừa có quy định về nêu gương và Chính phủ vừa ban hành Đề án văn hóa công vụ, trong đó có quy định không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng. Từ sự việc của Bộ trưởng Công thương, Bộ Nội vụ có ý kiến gì về việc nêu gương của Bộ trưởng Công thương? Bộ có ý kiến gì về việc Văn phòng Bộ Công thương đưa xe biển xanh đón người thân, như vậy có phải là nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng?”.

Về việc này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Bộ trưởng Công thương có trả lời cụ thể. “Bộ Nội vụ thấy Bộ trưởng Bộ Công thương đã có trả lời và nhận trách nhiệm, có xin lỗi” – ông Thăng nói.

Trả lời cụ thể hơn, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nhấn mạnh, trước hết, cán bộ, công chức phải thực thi công vụ theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi hoạt động công vụ của mình.

Ông Minh dẫn chứng Luật Cán bộ, công chức quy định rất rõ những điều cấm cán bộ công chức không được làm, trong đó có nội dung, cán bộ công chức không được lợi dụng vị trí, ảnh hưởng của mình để mưu cầu các lợi ích riêng. Ông Minh cũng khẳng định, quyền lợi, chế độ của cán bộ công chức cũng đã được quy định trong luật.

Bên cạnh đó, là Đảng viên, là cán bộ lãnh đạo, quản lý còn phải thực hiện các quy định của Đảng. Trong đó mới đây nhất có quy định nêu gương đã được T.Ư ban hành.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ cũng thông tin, tại buổi triển khai nghị quyết T.Ư vừa qua, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính nhấn mạnh không phải chúng ta ra nghị quyết Trung ương 8 để phủ định hai nghị quyết trước đây mà vẫn tiếp tục thực hiện hai Nghị quyết đó. Đồng thời, qua đó để tiếp tục thực hiện nghị quyết T.Ư 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng, trong đó đề cao trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư khi đó cũng nói rõ 6 nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, trong đó có phương thức lãnh đạo bằng hình thức nêu gương: “Đảng viên đi trước làng nước đi sau”; “Cán bộ đảng viên phải gương mẫu thực hiện. Đặc biệt, người đứng đầu đơn vị càng phải có trách nhiệm gương mẫu hơn”.

“Các đồng chí vi phạm việc này là vi phạm các quy định của Đảng và các quy định của Luật cán bộ công chức viên chức. Chúng tôi nghĩ đây là một sơ suất, có thể do trách nhiệm của anh em tham mưu chưa thực sự suy nghĩ chín chắn thôi. Cũng chưa thể khẳng định là anh em có sự nịnh bợ lấy lòng cấp trên” – ông Minh nêu quan điểm.

Chia sẻ dưới góc độ là cán bộ văn phòng, ông Minh cho rằng: "Nhiều khi anh em cũng muốn Thủ trưởng mình đi công tác “đàng hoàng một tí". Nhưng anh em phải nắm được luật, nắm được các quy định của đảng và nhà nước, các chế độ mà người mình phục vụ được hưởng, xem có vượt quá quy định không? Cái gì vượt ngoài quy định thì chúng ta không nên vận dụng. Vừa vất vả cho mình mà có khi lại “kính chẳng bõ phiền”.

Đề cập đến thực tế tại Bộ Nội vụ, ông Minh nhận định Bộ trưởng Nội vụ là người rất gương mẫu trong việc thực hiện các quy định liên quan đến công tác của mình. Đi công tác, đi địa phương đều đúng quy định của nhà nước, không có gì vượt hơn. Và đặc biệt, rất gương mẫu, rất đơn giản trong sinh hoạt, thực hiện đúng tinh thần nêu gương.

Cũng theo ông Minh, Bộ trưởng Nội vụ rất quyết tâm, quyết liệt, đặc biệt rất chăm chỉ trong làm việc. “Bộ trưởng chúng tôi làm việc không bao giờ để đến ngày hôm sau. Tất cả các văn bản trình là ngay đêm đó giải quyết xong, sáng hôm sau trả hết, không để nợ bất cứ văn bản nào. Đó cũng là nêu gương”, ông Minh nói.

Ngày 8/1, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký văn bản gửi báo chí để xin lỗi vì Văn phòng Bộ này "dùng xe công vào đón người nhà Bộ trưởng".

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, thời điểm xảy ra sự việc trên, ông phải nằm điều trị tại Khoa tim mạch, bệnh viện Bạch Mai theo yêu cầu của Ban bảo vệ sức khoẻ Trung ương nên bốn ngày sau mới có thể phản hồi.

Với tư cách là người đứng đầu Bộ Công Thương, đồng thời người trong gia đình có liên quan, ông Trần Tuấn Anh xin nhận lỗi trước công luận vì đã để xảy ra sự việc.

Ông và gia đình cũng gửi lời xin lỗi tới toàn thể hành khách có mặt trên chuyến bay VN262 tối 4/1.

"Đặc biệt, tôi xin gửi lời xin lỗi đến nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành công thương. Tôi coi đây là một bài học sâu sắc cho cá nhân, gia đình và Bộ", Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng Công thương cho biết đã báo cáo sự việc với cấp trên, đồng thời sẽ rà soát, kiểm tra lại toàn bộ sự việc để đảm bảo không tái diễn trường hợp tương tự.

Sự việc diễn ra lúc 18h30 ngày 4/1, khi lực lượng kiểm soát an ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho ôtô biển kiểm soát của Bộ Công Thương vào đón khách tại sân đỗ máy bay.

Theo tìm hiểu, Văn phòng Bộ Công Thương ngày 3/1 có văn bản gửi đến Cảng vụ hàng không miền Bắc và các đơn vị liên quan về việc đón tiễn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Bộ này cho biết ông Trần Tuấn Anh đi công tác tại TP HCM và trở về Hà Nội lúc 17h ngày 4/1 trên chuyến bay VN262. Văn phòng Bộ đề nghị Cảng vụ hàng không miền Bắc tạo điều kiện đón Bộ trưởng tại sân đỗ máy bay và nhà ga VIP A.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh không có trên chuyến bay này. Nguồn tin cho biết, người được chiếc xe biển xanh của Bộ Công Thương đón là vợ ông Trần Tuấn Anh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.