Chuyện dọc đường

Xe dù, bến cóc lộng hành, ai chịu trách nhiệm?

06/12/2022, 06:15

Tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tồn tại dai dẳng và ngày càng công khai dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc xử lý.

Khi một hiện tượng vi phạm quy định trở thành “chuyện thường ngày”, dư luận không khỏi hoài nghi về việc xử lý xe dù, bến cóc phải chăng có bất cập, hoặc các biện pháp xử lý hiện nay chưa đủ sức răn đe?

Luật GTĐB đã quy định rõ, vấn đề tổ chức giao thông và đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, huyện, xã, gắn với đó là trách nhiệm của lực lượng chức năng địa phương. Rõ ràng, với thực trạng xe dù, bến cóc lộng hành thời gian qua, trách nhiệm này đã chưa được làm tròn.

img

Xe khách Tuấn Anh 68 tuyến Thanh Sơn - Mỹ Đình dừng xe đón khách sai quy định

Để dẹp “loạn” xe dù, bến cóc, chính quyền địa phương phải làm tốt trách nhiệm về quy hoạch, xử lý, quản lý vận tải được giao. Trong đó, cần ban hành quy chế phối hợp rõ ràng giữa lực lượng, phân tách chức năng, nhiệm vụ tránh việc đùn đẩy trách nhiệm.

Cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, vẫn cần thêm một “liều thuốc” đủ mạnh, quy trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng đối với người đứng đầu đơn vị chức năng, chính quyền địa phương nếu không kiểm soát được tình hình hoặc việc xử lý chỉ như “bắt cóc, bỏ đĩa”.

Đối với doanh nghiệp, cần bổ sung các quy định xử lý theo hướng tăng nặng đối với các doanh nghiệp liên tục vi phạm như tạm đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải. Làm được như vậy, nếu có tiêu cực sẽ bị đẩy lùi, còn vấn nạn xe dù, bến cóc sẽ không còn đất sống.

Bên cạnh các biện pháp hành chính, rất cần triển khai hiệu quả giải pháp công nghệ. Chúng ta đang có một công cụ rất hữu hiệu là thiết bị GSHT. Dữ liệu từ thiết bị GSHT mang lại hiệu quả lớn trong quản lý kinh doanh vận tải và đảm bảo ATGT, song chưa phát huy hiệu quả và đang bị lãng phí.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về quản lý dữ liệu từ thiết bị GSHT và phát triển hệ thống đủ sức để quản lý đã được quy định trong Luật.

Hệ thống giám sát hành trình của Cục Đường bộ VN thời gian qua đã không đáp ứng được yêu cầu này. Nguyên nhân phần lớn là do không có tiền để duy trì và phát triển hệ thống. Phần nữa là việc quản lý vận tải cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Các doanh nghiệp vận tải đã phải bỏ khoản kinh phí lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, duy trì thay thế thiết bị, đường truyền. Nếu không khai thác hết các tính năng, áp dụng hiệu quả thực tiễn quản lý vận tải sẽ gây ra lãng phí.

Công cụ đã sẵn sàng, quy định pháp luật đã có, doanh nghiệp đã đồng lòng. Vấn đề còn lại nằm ở sự quan tâm vào cuộc của cơ quan quản lý để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống. Còn nếu vẫn như hiện nay, vận tải sẽ khó đi vào nền nếp.

Tại cuộc họp giao ban của Bộ GTVT vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã khẳng định vai trò quan trọng của thiết bị GSHT trong quản lý vận tải, đảm bảo ATGT. Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ VN, các sở GTVT xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện mạnh mẽ hơn, triển khai bài bản để sử dụng hiệu quả từ thiết bị GSHT trong quản lý hoạt động vận tải, góp phần giảm sâu TNGT.

Trần Duy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.