Chuyện dọc đường

Xe dù kiểu mới

28/12/2016, 13:08
image

Thực trạng xe dù, bến cóc là vấn nạn đặc biệt nhức nhối, trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực...

2

Xe Limousine Phúc Xuyên đón trả khách trước cửa khách sạn Mường Thanh (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh)

Thực trạng xe dù, bến cóc là vấn nạn đặc biệt nhức nhối, trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực lập lại trật tự trên các tuyến vận tải khách cố định nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, gần đây tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy như tuyến cố định lại trở thành một bài toán nan giải mới. 

Kinh doanh vận tải là ngành nghề có điều kiện nhằm bảo đảm trật tự ATGT và tính mạng của hành khách. Đây là điều không phải bàn cãi vì mỗi chuyến xe khi chạy trên đường là đang chở tính mạng của hàng chục hành khách lẫn người tham gia giao thông. Tuy nhiên, những quy định đó dường như đang bị một số đơn vị vận tải tìm mọi cách “lách luật” để thoát khỏi sự ràng buộc, quản lý của cơ quan chức năng.

Khác với xe khách tuyến cố định phải đăng ký tuyến, phải trả chi phí vào bến đón trả khách và nộp thuế qua việc phát hành vé, xe hợp đồng trá hình chở khách tuyến cố định trốn luôn tất cả các nghĩa vụ đó. Tài xế và phụ xe thu tiền vé trực tiếp từ hành khách trên xe hoặc hành khách được phát vé hay xác nhận đặt chỗ khi mua vé tại văn phòng. Khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra, họ xuất trình hợp đồng, danh sách hành khách để che dấu hành vi vi phạm…

Xem thêm video:

Về bản chất, loại hình vận tải này là một hình thức chạy dù kiểu mới. Do lợi nhuận bất hợp pháp thu được quá cao, đồng thời chưa bị các cơ quan chức năng xử lý triệt để nên ngày càng bùng phát nghiêm trọng. ​Những hành vi vi phạm của các hãng xe nêu trên không chỉ tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, gây bức xúc trong xã hội, mất ATGT, mà còn gây thất thoát phí và thuế cho ngân sách Nhà nước. Tính toán chưa đầy đủ, mỗi chuyến xe dù doanh nghiệp sẽ trốn được ít nhất 10% VAT từ tiền vé, phí bến bãi, thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền đó lên đến cả triệu đồng/chuyến, tương đương hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý, địa phương có nhiều giải pháp nhằm phân định rõ các loại hình vận tải thông qua việc sử dụng các hàng rào kỹ thuật hay xử phạt nặng các hành vi vi phạm đối với xe hợp đồng trá hình. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cho thấy hiệu quả. Hệ lụy là các loại xe hoạt động theo hình thức trên ngày càng có chiều hướng bùng phát, nở rộ. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có các giải pháp dứt khoát và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan quản lý cũng như lực lượng chức năng địa phương mới mong ngăn chặn được loại xe dù kiểu mới này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.