Vận tải

Xe hợp đồng phớt lờ niêm yết thông tin, dán phù hiệu

16/06/2020, 06:07

Tình trạng ô tô dưới 9 chỗ vận tải khách theo hợp đồng không dán phù hiệu, không niêm yết thông tin theo quy định vẫn diễn ra tại Hà Nội...

img
Xe ô tô BKS 29A-961.55 dù hoạt động dịch vụ GrabCar nhưng chỉ dán duy nhất cụm từ “Xe hợp đồng” ở kính trước

Cố tình không niêm yết thông tin, vô tư đỗ dừng trái phép

Nghị định 10/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/4/2020 quy định rõ, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu “Xe hợp đồng” được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết (dán cố định) cụm từ “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và niêm yết một số thông tin khác trên xe.

Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên nhiều tuyến đường như: Nguyễn Trãi, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Vũ Trọng Phụng, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Chu Văn An, Nguyễn Chí Thanh… việc niêm yết này gần như bị phớt lờ.

PV có thể đếm được hàng chục xe BKS như: 30F-146.47, 30A-735.33, 30A-297.65, 30E-870.65, 30F-640.01, 30F-653.65, 29A-801.52, 30A-865.84, 30E-909.79… chỉ thực hiện niêm yết cụm từ “Xe hợp đồng” trên kính trước và kính sau mà không có thêm thông tin gì kèm theo. Một trường hợp khác, xe ô tô BKS 30A-058.94 chỉ có dòng chữ “Xe hợp đồng” kính trước, không gắn ở kính sau.

Sáng 8/6, trong vai khách hàng đặt chuyến đi từ đường Tân Triều (huyện Thanh Trì) đến đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) trên ứng dụng GrabCar, PV được một chiếc xe Kia Morning BKS 29A-961.55 do tài xế Nguyễn Viết Trung điều khiển đến đón.

Quan sát cho thấy, dù hoạt động dưới dạng “taxi công nghệ”, song thông tin niêm yết trên xe chỉ có cụm từ “Xe hợp đồng” dán giữa kính xe trước.

Tiết lộ với PV trong quá trình chờ đón khách tại khu vực tòa nhà Vincom Nguyễn Chí Thanh, lái xe GrabCar điều khiển xe BKS 30E-782.xx cho biết, hiện rất nhiều xe ô tô dưới 9 chỗ không niêm yết hoặc niêm yết thiếu thông tin vì trong số các xe chạy dịch vụ “taxi công nghệ” có nhiều xe gia đình, chỉ chạy bán thời gian nên có tâm lý ngại dán nhiều thông tin lên xe.

“Những người lấy GrabCar là nghề “kiếm ăn” chính thì gần như đã đáp ứng yêu cầu, kể cả những quy định sắp có hiệu lực”, người này nói.

Đáng nói, quá trình lưu thông trên đường, PV cũng chứng kiến nhan nhản hành vi vi phạm trật tự ATGT của xe taxi công nghệ. Trong đó, vi phạm nhiều nhất là tình trạng đón, trả khách sai quy định trên đường có biển báo cấm dừng, đỗ.

Tại thời điểm có mặt, PV ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm như: Xe BKS 30G-239.40 (trước số 21 Cát Linh), 30E-831.19 (trước số nhà 186 Hào Nam), 30E-543.21 (trước số nhà 167 Giảng Võ), 30A-731.92 (trước Tòa nhà Star City Lê Văn Lương)…

Trước đó, sáng 9/6, trong lúc di chuyển trên đường Láng Hạ (gần ngã tư La Thành), PV bắt gặp chiếc xe hợp đồng hiệu Hyundai i10 BKS 30E-921.78 mang biển số gần như bị bong tróc chữ số, mất nét, không đáp ứng quy chuẩn theo quy định.

Công khai danh sách xe hợp đồng để xử phạt

img
Chiếc xe taxi công nghệ không dán cụm từ “Xe hợp đồng” cả trước và sau ung dung dừng đón khách trên đường Giảng Võ

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Mạnh Hùng, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi Nghị định 10 có hiệu lực, các hãng xe công nghệ dù lựa chọn loại hình nào, cũng phải tuân thủ các quy định về gắn dòng chữ “Xe hợp đồng”, sau đó là phù hiệu...

Theo số liệu của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã xử phạt 614 trường hợp liên quan đến xe taxi, phạt tiền hơn 598 triệu đồng, tạm giữ 5 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 16 trường hợp.
Tuy nhiên, với xe hợp đồng dưới 9 chỗ, đơn vị này chỉ xử phạt 4 trường hợp, phạt tiền hơn 2 triệu đồng.


Theo ông Hùng, từ ngày 1/4, lực lượng Thanh tra Sở đã phối hợp với các lực lượng kiểm tra, xử lý đối với các tài xế vi phạm Nghị định 10.

“Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo chúng tôi phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe hợp đồng dưới 9 chỗ vi phạm. Do đó, các hãng phải chủ động hơn trong phổ biến nghị định mới cho đối tác của mình.

Còn tài xế, đơn vị xe công nghệ tìm hiểu kỹ, chọn lựa phương thức hoạt động phù hợp theo quy định, tránh các vi phạm không đáng có”, ông Hùng cho biết.

Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, theo phản ánh vẫn còn nhiều xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn cố tình vi phạm các quy định hiện hành.

Trong đó có việc phù hiệu “Xe hợp đồng” không được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; không thực hiện niêm yết các thông tin khác trên xe; Không niêm yết (dán cố định) cụm từ “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang (kích thước tối thiểu 6x20cm) trên kính phía trước và kính phía sau xe.

Ngoài ra, còn có trường hợp các phương tiện che hoặc gắn thêm làm thay đổi chữ, số của biển kiểm soát; dừng đỗ, đón trả khách sai quy định...

Ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay: “Hiện, Sở GTVT đã công bố công khai danh sách xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi đăng kí tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại website của Sở làm cơ sở cho các lực lượng chức năng tra cứu, xử lí vi phạm.

Đối với những phương tiện không tiếp tục tham gia kinh doanh vận tải (hoặc tạm thời ngừng khai thác), các đơn vị vận tải có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo và nộp lại phù hiệu “Xe hợp đồng” về Sở GTVT Hà Nội theo quy định”.

Cũng theo ông Vũ Hà, tới đây, Sở GTVT Hà Nội sẽ yêu cầu Thanh tra Sở chỉ đạo Đội Thanh tra GTVT các quận, huyện, thị xã và các lực lượng trực thuộc phối hợp với Phòng CSGT, CSTT, chính quyền địa phương chủ động tra cứu dữ liệu danh sách xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” do Sở GTVT Hà Nội cung cấp để thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.