Quản lý

Xe hợp đồng trá hình "bóp chết" xe tuyến

12/08/2019, 06:32

Lách luật để kinh doanh, lực lượng chức năng khó xử lý khiến cho loại hình xe hợp đồng trá hình không ai quản lý và gây ra nhiều hệ lụy.

img
Xe Limousine của nhà xe Thái Long dừng đỗ, đón trả khách trên đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội (Chụp ngày 29/4/2019). Ảnh: Tạ Tôn

Từ đơn kêu cứu của gần 20 doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Quảng Ninh - Hà Nội, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo các bộ, ngành kiểm tra, xử lý tình trạng xe hợp đồng, xe Limousine chạy như tuyến cố định. Điều tra của nhóm phóng viên Báo Giao thông, tình trạng trên đang diễn ra ở khắp các tỉnh thành, xe khách tuyến cố định đang bị xe trá hình “bóp chết”...

Kỳ 1: Bến vắng khách, xe trá hình vô tư lộng hành

Do lách luật để kinh doanh cộng với việc lực lượng chức năng khó xử lý trên đường khiến cho loại hình xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe Limousine gần như không ai quản lý và gây ra rất nhiều hệ lụy.

Bến truyền thống đìu hiu, bến cóc nhộn nhịp

Sáng 29/7, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Bến xe Miền Đông (TP HCM), cả lượng xe và hành khách đều khá thưa thớt so với những năm trước đây. Tài xế Lê Văn Long, lái xe trên 40 chỗ cho nhà xe T.T chạy tuyến Sài Gòn - Phú Yên than: “Hôm nay là thứ bảy, sắp tới giờ lăn bánh rồi mà xe tôi mới chỉ hơn 15 hành khách. Những năm trước thời điểm này khách đi nghỉ mát hoặc về quê đông lắm nhưng bây giờ khách ngày càng vắng”.

Trong khi bến truyền thống đìu hiu, các bến cóc của nhà xe Hoa Mai, Toàn Thắng, Tâm Hạnh… ở quận 1 và những bến lậu ở quận 5, quận 10 lại nhộn nhịp thấy rõ. Ghi nhận của PV, vào những ngày cuối tuần, khách đến nườm nượp ở các tuyến đường như: Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Nhân Tôn, Trần Phú, Nguyễn Chí Thanh… Nhiều người gọi khu vực này là “thủ phủ” của xe trá hình, xe hợp đồng nhưng chạy tuyến cố định. Nhiều nhà xe còn chiếm luôn cả lòng đường làm nơi lên xuống như nhà xe Kim Hoàng ở đường Sư Vạn Hạnh - Hùng Vương và nhà xe Kim Mạnh Hùng ở các tuyến đường Trần Phú, Hùng Vương.

Thống kê của Bến xe Miền Đông, riêng các tuyến từ TP HCM đi các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên… mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt xe hoạt động bên ngoài bến dưới chiêu thức xe hợp đồng nhưng trá hình chở khách tuyến cố định. Các loại xe hợp đồng trá hình này hầu như không bán vé cho hành khách mà chỉ có phiếu ghi nhận thông tin, sau đó thu tiền mặt của hành khách.

Giải thích vì sao bến xe lại vắng trong mùa cao điểm, ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho rằng, hiện có tới 117 đơn vị vận tải tuyến cố định tại bến xe nhưng chạy sai hành trình đăng ký. Những xe này không vào bến và chạy thẳng vào trung tâm thành phố tổ chức đón, trả khách. Cụ thể như: Thành Bưởi, Hoa Mai, Toàn Thắng, Thành Công… Cũng theo ông Huy, trung bình một ngày có khoảng 1.540 chuyến xe đăng ký chạy tại bến nhưng trên thực tế chỉ khoảng trên 1.100 chuyến/ngày.

Theo ông Huy, các xe chạy tuyến cố định quy định rất cụ thể về điều kiện hoạt động trong khi xe chạy hợp đồng, du lịch rất ít điều kiện ràng buộc và có thể nói là không ràng buộc nên nhiều xe bỏ bến chạy ngoài. Ngoài ra, trong bến còn kiểm tra điều kiện hoạt động theo từng chuyến xe về người lái và phương tiện, trong khi xe hợp đồng không kiểm tra. Còn nhiều điều kiện khác mà xe cố định phải thực hiện theo quy định trong khi xe hợp đồng, du lịch thì không.

“Bến xe đã kiến nghị UBND TP HCM xử nghiêm những xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định để tạo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải. Sau đó, nhiều đoàn kiểm tra vào cuộc nhưng việc xử phạt xem ra không xuể”, ông Huy nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Khuyến, HTX Việt Thắng cũng cho biết, rất nhiều nhà xe trước đây hoạt động trong Bến xe Miền Tây (TP HCM) nhưng nay bỏ ra ngoài chạy. Họ đầu tư xe mới, đẹp để thu hút khách. Các xe này không vào bến nên không tốn các chi phí bến bãi, thuế nên họ cạnh tranh giá vé để giành khách. “Thậm chí, họ còn ngang nhiên bắt khách trước đầu của xe mình dọc đường. Mỗi lần xe tôi xuất bến phải nộp cho bến 150.000 đồng/tài mà nhiều hôm chúng tôi chạy từ Long An về Bến xe Miền Tây chỉ thu được 130.000 đồng tiền vé”, ông Khuyến nói.

Tình trạng “mất kiểm soát” trật tự vận tải cũng xuất hiện ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là các tỉnh thành phát triển mạnh về du lịch.

Trên tuyến Huế - Đà Nẵng, từ lâu thành “điểm nóng” của tình trạng xe trá hình, xe ké. Ông Bùi Thanh Thuận, Phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, các xe hoạt động vận tải trá hình chủ yếu là ô tô mang phù hiệu xe hợp đồng, xe du lịch đi vào nội thành, những phương tiện này thực hiện dịch vụ đưa khách đến tận nơi, đón tận nhà, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với xe hoạt động vận tải theo tuyến cố định.

Xe tuyến cố định trước nguy cơ “diệt vong”

img
Hai xe phù hiệu hợp đồng nhưng đang chở khách như tuyến cố định dừng đón khách trên đường Nguyễn Sinh Sắc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Sỹ Hòa

Là doanh nghiệp hiếm hoi ở miền Bắc chỉ đơn thuần kinh doanh xe tuyến cố định, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho rằng, không thể phủ nhận những lợi ích của xe Limousine. Tuy nhiên, cùng với việc các bến xe bị đẩy ra xa trung tâm thành phố càng tạo điều kiện cho loại xe này phát triển mạnh. Lượng khách tuyến cố định ngày càng giảm mạnh khiến xe chạy là lỗ vì phải chịu ràng buộc nhiều điều kiện kinh doanh và nộp các khoản như: Lệ phí ra - vào bến, lệ phí bán vé, phí đỗ qua đêm, các thủ tục liên quan đến phương tiện và người lái nên chi phí lớn hơn nhiều so với xe Limousine không phải vào bến. Đặc biệt, loại hình này lại được phép chạy nội đô, giờ chạy tùy ý.

Theo ông Hải, hiện nay doanh nghiệp đã cắt bớt 30% số chuyến. Trong mấy năm lại đây, doanh thu của công ty sụt giảm khoảng 40%. Không chỉ Công ty Đất Cảng mà điều này xảy ra đối với nhiều đơn vị khác. Một số bến như Giáp Bát, Nước Ngầm đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, doanh nghiệp đã bỏ tuyến cố định. Hay như tuyến Hà Nội - Quảng Ninh trước đây xe tuyến cố định hoạt động rất tốt nhưng nay gần như đã bị bỏ. Nhiều doanh nghiệp tuyến cố định đã chuyển sang chạy xe hợp đồng Limousine như Hà Lan (Thái Nguyên), Phúc Xuyên (Quảng Ninh), đến Hoàng Long là thương hiệu lớn cũng đã chuyển sang mô hình này.

Ông Hải cho biết, hiện nay thủ tục để một đơn vị vận tải tham gia vận tải hành khách theo hợp đồng rất đơn giản. Trong khi đó, đơn vị vận tải khai thác tuyến cố định phải chịu rất nhiều các điều kiện kinh doanh như: Phải thông qua quy hoạch, lựa chọn đơn vị khai thác tuyến cố định, xem xét biểu đồ chạy sao cho không trùng với giờ đơn vị vận tải hành khách khác… Do đó, nếu không sớm có giải pháp xử lý tình trạng trên sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, làm “méo mó” thị trường vận tải.

“Mỗi chuyến xe của công ty chỉ vài khách, dần dần tuyến này sẽ hết khách. Nếu còn loại hình xe Limousine chắc chắn xe tuyến cố định sẽ bị “diệt vong”. Không còn cách nào khác, để tồn tại, doanh nghiệp không thể ngồi yên để xe Limousine “cướp khách”, sẽ phải chuyển sang xe hợp đồng. Việc đầu tư xe Limousine không khó nhưng là doanh nghiệp có thương hiệu chúng tôi không muốn mang tiếng là có “xe dù, bến cóc”, ông Hải chia sẻ.

Để nắm rõ số lượng xe Limousine hiện nay, PV đã trao đổi với Tổng cục Đường bộ VN, đơn vị này cho biết chưa nắm được số lượng xe Limousine trong cả nước là bao nhiêu vì chưa yêu cầu các Sở GTVT báo cáo số lượng loại xe này.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Bus Hải Phòng, đơn vị đang sở hữu thương hiệu xe khách Hải Âu thở dài: “Đã kinh doanh vận tải nhiều năm, tôi chưa bao giờ thấy vận tải “bát nháo” như bây giờ. Tôi chán kinh doanh vận tải rồi, đang tìm hướng khác để kinh doanh”.

Ở góc độ hành khách, chị Nguyễn Thu Hà (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) - người thường xuyên di chuyển tuyến Hà Nội - SaPa chia sẻ, xe Limousine có những cải tiến về mặt nội thất, giúp người ngồi trong xe cảm nhận được đầy đủ sự tiện nghi và thoải mái với mức giá hợp lý. Số ghế được cắt giảm xuống tạo không gian thoáng đãng, xe được trang bị màn hình tivi, ổ cắm sạc điện thoại, wifi… và hàng loạt những tiện ích khác.

“Khách quan mà nói, so với cảnh chen chúc, chờ đợi tại các bến xe cùng những chuyến xe “bán khách” thường nhồi nhét khiến hành khách hãi hùng vào những dịp lễ, Tết trước đây thì hiện nay, với sự tham gia của loại hình xe hợp đồng, xe Limousine vào thị trường vận tải khách liên tỉnh “giúp” hành khách được trở về vị trí “thượng đế.” Chỉ cần gọi điện đặt giờ đi là có xe đến đón tận nơi, trả đúng địa điểm, xuất phát đúng giờ, chỗ ngồi thoải mái, giá cả phải chăng nên là lựa chọn của nhiều người”, chị Hà nói.

Lợi dụng kẽ hở để lách luật

Ngày 24/7, Tổ công tác Đội TTKSGT số 2 (Phòng CSGT Quảng Ninh) tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm xe khách dọc tuyến QL18. Tiến hành kiểm tra xe khách Chung Dũng BKS 17B-014.32 chạy tuyến Thái Bình - Cửa Ông (Cẩm Phả), tổ công tác phát hiện lệnh vận chuyển của xe không ghi ngày tháng và thông tin hành khách cũng như chính lái, phụ xe điều khiển phương tiện nhưng vẫn được cấp lệnh rời bến. Ngay lập tức, tổ công tác đã lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định.

Tại đây, tổ công tác cũng kiểm tra hàng loạt xe hợp đồng, nhất là loại xe trên 9 chỗ (Limousine). Tuy nhiên, tổ công tác gặp khó khăn trong công tác xử lý vì thực tế loại xe này hoạt động chở khách tuyến cố định nhưng trước khi khởi hành đã gửi hợp đồng, danh sách hành khách về Sở GTVT dưới hình thức là xe hợp đồng. Thiếu tá Nguyễn Quốc Trình, Đội phó Đội CSGT số 2 cho biết: “Loại xe Limousine đang bùng phát nhưng lại không được quy định hoạt động rõ ràng nên những doanh nghiệp này đang lợi dụng để lách luật, vận chuyển hành khách tuyến cố định”.

Thừa nhận, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh việc chấp hành quy định về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách còn nhiều bất cập, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh này cho biết, với xe taxi “dù” được chia thành nhiều loại như: “Dù” trong chính doanh nghiệp, tức là xin phù hiệu mà không có điều hành hoặc dùng phần mềm công nghệ (tải app chưa được cấp phép) để điều hành đón, trả khách hay phổ biến nhất là không có phù hiệu, tổ chức kinh doanh trái phép.

“Dạng xe Limousine có tính chất tinh vi hơn khi giả danh hợp đồng nhưng lại chạy theo tuyến cố định, chủ yếu là Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, hoạt động bát nháo, thách thức lực lượng chức năng. Chỉ cần khách gọi điện, các nhà xe sẽ chủ động xếp chỗ, sau đó hoàn thiện các thủ tục để hợp thức hóa hợp đồng. Tổ chức thu tiền ngay trên xe và theo từng hành khách, loại ghế”, ông Tùng chỉ rõ cách thức hoạt động.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia:
3 vấn đề lớn trong quản lý vận tải

img

Theo tôi, quản lý vận tải hiện nay nổi lên 3 vấn đề lớn. Thứ nhất là quản lý Uber, Grab với taxi truyền thống. Thứ hai là xe tuyến cố định và xe hợp đồng Limousine. Thứ ba là vận tải hàng hóa nổi lên là kiểm soát tải trọng, xe vận chuyển nội bộ và xe hết niên hạn. Đối với vấn đề thứ hai, hiện đang bất lực đối với quản lý hoạt động xe Limousine, do cạnh tranh không lành mạnh với xe tuyến cố định, nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyến rồi bỏ bến ra ngoài chạy dù. Các chi phí loại hình xe Limousine rẻ hơn so với tuyến cố định nên giá vé rẻ hơn nhưng trái pháp luật. Tuy trái pháp luật nhưng lại thuận tiện cho người dân, chất lượng dịch vụ tốt nên ngày càng phát triển khiến xe tuyến cố định đang ngày chết dần.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM:
Phải hiểu đúng bản chất xe hợp đồng

img

Theo tôi, phải hiểu đúng về xe hợp đồng mới quản lý được. Bản chất là nhà anh có mấy người muốn đi chơi Vũng Tàu, anh gọi điện đặt một xe 16 chỗ, ngày mai 8h đón tại nhà đi chơi một ngày xong rồi về, giá tiền bao nhiêu. Đó mới là xe hợp đồng, đâu cần hợp đồng, danh sách hành khách hay gì đâu. Thậm chí, khi ra Vũng Tàu, thấy vui quá muốn thuê xe đó chạy ra Mũi Né chơi thêm ngày nữa, vậy là đi thôi, đâu cần làm hợp đồng gì mới.

Còn cách quản lý xe hợp đồng hiện nay tôi thấy hơi khó khăn, trước khi đi phải làm hợp đồng gửi qua Sở GTVT, như vậy khi đến Vũng Tàu rồi muốn đi ra Mũi Né xe đó không chạy được, muốn đi tiếp phải chạy về TP HCM làm hợp đồng khác mới đi được. Hiện nay, tôi nói thật xe nào cũng có hợp đồng, cũng có danh sách người đi, có gửi qua Sở GTVT, có GPS… nhưng thực tế “xe dù, bến cóc” vẫn còn đầy đó thôi.

Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM:
Giảm bớt việc quản lý thủ công bằng công nghệ

img
Nhập mô tả ảnh tại đây

Đơn vị đã tăng cường phối hợp với CSGT kiểm tra, xử lý nghiêm nhưng tình trạng xe dù, bến cóc vẫn không giảm. Đơn cử năm 2018, TTGT TP HCM xử lý trên 1.800 trường hợp, với số tiền xử phạt gần 2,6 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 phát hiện hơn 800 vụ việc với số tiền xử phạt gần 1,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù có tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng các doanh nghiệp vẫn đối phó, lách luật bằng nhiều hình thức, trong khi việc xử lý qua thiết bị giám sát hành trình bộc lộ nhiều bất cập nên đến giờ TTGT vẫn chưa xử phạt nguội được. Chúng ta cần sớm thay đổi công tác quản lý thủ công bằng công nghệ thông tin, lắp nhiều camera để giảm bớt nhân sự ra đường, quản lý bằng công nghệ từ xa.

P.V (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.