Vận tải

Xe "hợp đồng trá hình" dùng phù hiệu hết hiệu lực, đối phó CSGT

17/08/2022, 12:45

Xe khách Tiến Oanh chạy "hợp đồng trá hình”, dùng phù hiệu hết hiệu lực, hợp đồng "khống" đối phó với lực lượng chức năng.

Theo ghi nhận, nhà xe Tiến Oanh hiện có gần 20 chiếc xe khách (loại xe limousine 32 phòng và 22 phòng), thuộc hai đơn vị là Hợp tác xã (HTX) Vận tải Cơ giới 10/3 (trụ sở TP Buôn Ma Thuột) và Công ty TNHH Du lịch Vận tải Tiến Oanh (trụ sở tại TP.HCM). Nhà xe được Sở GTVT Đắk Lắk và TP.HCM cấp phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” và “xe hợp đồng”.

Thời gian qua, xe khách Tiến Oanh ngoài vi phạm "chạy dù", dùng con dấu giả tự đóng lệnh xuất bến còn ngang nhiên lập “bến cóc”, hoạt động xe "hợp đồng trá hình” gây mất trật tự vận tải, mất trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

img

Xe khách Tiến Oanh sử dụng phù hiệu "xe hợp đồng" hết hiệu lực để hoạt động, tập kết khách lẻ và tự ghi lệnh vận chuyển để chở khách tuyến Đắk Lắk đi TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Yến

Xe hợp đồng bán vé, gom khách lẻ

Một ngày trung tuần tháng 8, trong vai hành khách PV gọi điện thoại vào số tổng đài của nhà xe Tiến Oanh, đặt vé từ TP.HCM đi TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Từ đầu dây bên kia, nữ nhân viên nghe điện thoại nhận khách và hẹn khi đón tài xế sẽ gọi trước.

Khoảng 21h28, tài xế gọi điện yêu cầu PV ra điểm đón tại khu vực Cầu Vượt Ngã Tư Bình Phước (quận Thủ Đức) để đón xe Tiến Oanh BKS: 47B-024.34. Hơn 10 phút sau, chiếc xe chạy đến, tấp vào bên đường đón PV lên xe. Lúc này, trên xe các giường đã kín khách, PV được đẩy ra chiếc giường ở phía cuối xe. Xe chạy được một lúc, một nam nhân viên cầm theo một cuốn sổ đi thu tiền, hỏi tên và địa chỉ xuống xe của từng khách ghi vào sổ.

“Anh ơi! Cho em thu tiền, 450 nghìn đồng. Anh tên gì?. Anh xuống đâu?”, nam nhân viên vừa thu tiền vừa hỏi PV.

Trên suốt hành trình hơn 350km, đến rạng sáng ngày hôm sau, chiếc xe về đến đầu TP Buôn Ma Thuột, tài xế dừng xe bên đường, cầm theo một cuốn sổ để xác nhận địa điểm trả khách.

img

Xe khách Tiến Oanh hoạt động "trá hình", xe hợp đồng nhưng gom khách lẻ, thu tiền trực tiếp mỗi khách 450.000 đồng trên chuyến xe từ TP.HCM về TP Buôn Ma Thuột. (Ảnh cắt từ clip)

Nhìn địa điểm trả khách, nam tài xế phàn nàn: “Trả hết khách về nhà xe phải hơn 6 giờ. Đi trả lần quần trong phố phải mất hơn môt tiếng đồng hồ. Đâu phải trả trong phố đâu, còn ở Đạt Lý, Kim Châu, Trung Hòa,…”.

Tiếp đó, trên một hành trình thực tế khác, PV gọi điện vào số tổng đài của nhà xe Tiến Oanh để đặt vé từ Đắk Lắk - TP.HCM. Nhân viên yêu cầu PV ra phòng vé Tiến Oanh tại số 134 Hai Bà Trưng (TP Buôn Ma Thuột) lấy vé trước với giá 450.000 đồng và hẹn tối xe đón tại khu vực đường tránh Tây Buôn Ma Thuột.

Ngoài ra, trên hành trình từ TP.HCM ngược về TP Buôn Ma Thuột, PV đặt vé và được chiếc xe Tiến Oanh BKS: 51B-288.35 phía trước kính dán dòng chữ “xe hợp đồng” đón và hoạt động theo quy trình tương tự.

Sử dụng phù hiệu hết hiệu lực, lệnh “khống”

Sau nhiều ngày thực tế trên những chiếc xe khách Tiến Oanh chuyên hoạt động trá hình trên tuyến Đắk Lắk - TP.HCM, PV gửi thông tin đến lực lượng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp xử lý. Tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, chiếc BKS: 51B-288.35 được một tổ TTKS giao thông, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông dừng kiểm tra.

img

Xe BKS: 51B-288.35 được Sở GTVT TP.HCM cấp phù hiệu "xe hợp đồng" nhưng hoạt động trá hình đưa, đón khách tuyến cố định bị lực lượng CSGT phát hiện, lập biên bản với lỗi "không có lệnh vận chuyển". Ảnh: Hoàng Yến

Qua kiểm tra, chiếc xe được Sở GTVT TP.HCM cấp phù hiệu “xe hợp đồng”, có thời hạn đến tháng 7/2029. Đơn vị kinh doanh vận tải là Công ty TNHH Du lịch Vận tải Tiến Oanh.

Tuy nhiên, qua kiểm tra tài xế không xuất trình được hợp đồng vận chuyển, không có danh sách hành khách. Sau đó, tổ công táclập biên bản và tạm giữ Giấy phép lái xe theo quy định.

Tiếp đó, chiếc xe BKS: 47B-024.34 được một tổ TTKS giao thông khác dừng kiểm tra. Tại đây, chiếc xe có phù hiệu “xe hợp đồng” do Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cấp cho HTX 10-3.

Qua kiểm tra, tài xế xuất trình hợp đồng vận chuyển “đối phó” với 12 điểm trả khách và lệnh vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng có ghi tên, năm sinh hành khách đi xe do ông Võ Trường Huy, Giám đốc HTX Cơ giới 10/3 kí, đóng dấu. Trước các giấy tờ “đối phó” trên, chiếc xe được tiếp tục hành trình.

Tuy nhiên, theo Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, chiếc xe 47B-024.34 sử dụng phù hiệu đã hết hiệu lực, phù hiệu trên không còn giá trị. HTX 10-3 cấp hợp đồng vận chuyển, lệnh vận chuyển hợp đồng cho xe 47B-024.34 là sai quy định.

img

Ông Võ Trường Huy, Giám đốc HTX Cơ giới 10/3 khẳng định không kí "lệnh vận chuyển khách hợp đồng" nhưng nhà xe vẫn có để đối phó với cơ quan chức năng. Ảnh: Hoàng Yến

Ông Từ Xuân Hòa, Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trước đây, xe 47B-024.34 được cấp phù hiệu “xe hợp đồng”, tuy nhiên từ ngày 1/6/2022 chiếc xe 47B-024.34 được cấp phù hiệu xe tuyến cố định và phù hiệu xe hợp đồng đã được thu lại. Trên hồ sơ tại Sở, phù hiệu hợp đồng của xe này đã hết hiệu lực.

“Hiện tại phù hiệu “xe tuyến cố định” của chiếc xe 47B-024.34 đang bị thu hồi ở Sở. Sở đã có quyết định phù hiệu hợp đồng hết hiệu lực nhưng HTX 10/3 không nộp về Sở. Nhà xe sử dụng phù hiệu trên không có giá trị. Trên đường xe này vẫn sử dụng phù hiệu hợp đồng, vẫn có lệnh vận chuyển hợp đồng là hoàn toàn không có giá trị. Trách nhiệm này thuộc về HTX 10/3”, ông Hòa khẳng định.

img

Xe BKS: 47B-024.34 thường xuyên hoạt động gom khách lẻ vận chuyển tuyến cố định Đắk Lắk - TP.HCM và ngược lại. Ảnh: Hoàng Yến

Cũng theo ông Hòa, sau khi có phản ánh, Sở sẽ rà soát lại những xe nào chạy hợp đồng bằng xe khách. Sau khi kiểm tra lại nếu đúng xe hợp đồng du lịch thì được cấp phép, còn xe xin phù hiệu hợp đồng để chạy trá hình thì không cấp nữa. Sở yêu cầu các đơn phải nộp hết phù hiệu về cho Sở, những đơn vị nào không nộp, sẽ ngừng cấp cho cả doanh nghiệp.

Ông Võ Trường Huy, Giám đốc HTX Cơ giới 10/3 khẳng định: “Trước đây, xe 47B-024.34 là xe hợp đồng nhưng phù hiệu đã thu hồi, trả về cho Sở để chuyển qua tuyến cố định, nhưng chưa được cấp phù hiệu.

Phù hiệu thu hồi rồi, nhưng xe vẫn chạy thì đơn vị không biết được. Đơn vị cũng không kí bất kì lệnh nào cho xe này đi hợp đồng cả. Nếu lệnh, hợp đồng vận chuyển có dấu của đơn vị là do nhà xe tự ghi. Còn vấn đề vì sao có phù hiệu thì đơn vị chịu thua”.

Để làm rõ thêm thông tin liên quan đến nhà xe Tiến Oanh, PV đã liên hệ qua điện thoại với bà Lê Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vận tải Tiến Oanh nhưng không nhận được phản hồi.

Sở GTVT Đắk Lắk sẽ "siết" xe hợp đồng trá hình

Theo ông Lê Đình Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, để tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải và xử lý triệt để hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng nhưng chạy như tuyến cố định, góp phần giữ nguyên kỷ cương trong lĩnh vực vận tải, lập lại trật tự giao thông và tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, kinh doanh bình đẳng trước pháp luật.

img

Nhà xe Tiến Oanh thường xuyên lập "bến cóc" tại phòng vé số 266 Đồng Đen, quận Tân Bình, TP.HCM để bốc hàng, xếp khách. Ảnh: Hoàng Yến

Sở GTVT Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị Sở GTVT các tỉnh như: TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đắk Nông, Bình Dương và TP Đà Nẵng quan tâm, phối hợp tăng cường quản lý hoạt động vận tải, tổ chức kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh vận tải hành khách đối với các phương tiện được cấp phù hiệu xe hợp đồng.

Ngoài ra, để chấn chỉnh hoạt động “vận tải hành khách trá hình”, đồng thời tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải và xử lý hiện tượng vận tải hành khách trá hình, góp phần lập lại trật tự ATGT và tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, kinh doanh bình đẳng trước pháp luật.

Sở đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, các đơn vị quản lý bến xe trên địa bàn cung cấp thông tin chính xác các phương tiện thường xuyên hoạt động vận tải hành khách trá hình gửi về Sở để phối hợp kiểm tra, xử lý.

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe). Không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách dưới mọi hình thức.


Không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau; Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.