Vận tải

Xe hợp đồng trá hình Hà Nội - Thanh Hoá: Đã bị xử phạt vẫn tái phạm

27/04/2023, 11:33

Tổ liên ngành lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hoá từng kiểm tra, xử phạt 2 nhà xe limousine Ba Sáu và Đại Nam.

Bị phạt nhưng vẫn tái diễn vi phạm

Liên quan đến hoạt động của những chiếc xe limousine của hai nhà xe Ba Sáu và Đại Nam sử dụng phù hiệu xe hợp đồng nhưng trá hình chở khách tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hoá, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hai nhà xe này đã từng bị tổ liên ngành lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hoá kiểm tra, xử lý.

img

Những chiếc limousine của nhà xe Ba Sáu đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường trước văn phòng đại diện ở TP Thanh Hoá để gom xếp khách lên xe hoặc giao trả khách cho các tài xế xe trung chuyển đưa về nhà

Cụ thể, tổ kiểm tra liên ngành do Sở GTVT Thanh Hoá chủ trì từ ngày 8/1 - 9/2/2023 đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Đại Nam (nhà xe Đại Nam) 7 triệu đồng với lỗi không có nơi đỗ xe theo quy định (nơi đỗ xe không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ).

Công ty cổ phần Du lịch và dịch vụ quốc tế Hạ Long (Limousine Ba Sáu) vi phạm lỗi: Xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe theo hợp đồng và lái xe vi phạm: Điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng thực hiện việc xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, tổng mức phạt 8,5 triệu đồng.

Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra, nhà xe Limousine Ba Sáu là đơn vị được Sở GTVT Hà Nội cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (loại hình xe hợp đồng) nhưng vẫn chưa được Sở Kế hoạch đầu tư Thanh Hoá cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, địa điểm kinh doanh.

Đáng nói, sau khi bị kiểm tra, xử phạt, những nhà xe này vẫn tái diễn vi phạm, xác nhận đặt chỗ và thu vé cho từng hành khách, sử dụng văn phòng đại diện ở cả Hà Nội và Thanh Hoá làm “bến cóc” gom đón/trả khách và giao nhận hàng hoá.

Phía trước các văn phòng này, ngay phía trên vỉa hè và lòng đường, PV Báo Giao thông ghi nhận thường xuyên có 2 - 3 chiếc xe limousine đỗ chờ đón/trả khách. Cùng đó là loạt xe 7 chỗ để trung chuyển khách từ văn phòng về nhà và ngược lại.

img

Những chiếc limousine của nhà xe Đại Nam đỗ ngay trên vỉa hè phía trước cửa văn phòng đại diện ở TP Thanh Hoá khiến nhiều người dân xung quanh bức xúc

Thậm chí, trên trang web của nhà xe Ba Sáu còn ngang nhiên quảng cáo lịch xe chạy hàng ngày tuyến Thanh Hoá - Hà Nội và ngược lại, công khai bảng giá ghế lẻ cho từng vị trí ghế ngồi. Trang facebook Đại Nam Limousine của nhà xe Đại Nam cũng quảng cáo rầm rộ xe vận chuyển khách nhanh Hà Nội -Thanh Hoá - Sầm Sơn và ngược lại.

Không chỉ vi phạm quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, vi phạm quy định đỗ xe, lấn chiếm vỉa hè trong thời gian dài, tài xế xe Limousine Ba Sáu trong quá trình đón khách về văn phòng ở Hà Nội còn vô tư đi vào làn khẩn cấp trên đường VĐ3, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Ngoài ra, cả 2 tài xế xe trung chuyển của Limousine Ba Sáu và Đại Nam cũng thường xuyên sử dụng điện thoại trong quá trình lái xe khiến nhiều hành khách lo lắng, bất an.

img

Bản hợp đồng "khống" ghi rõ danh sách khách hàng và giá vé lẻ từng người nhưng lực lượng chức năng vẫn kêu khó xử lý (?!)

“Lách” luật, cạnh tranh không lành mạnh

Ông Vương Quốc Quân, Chánh thanh tra Sở GTVT Thanh Hoá cho biết, việc những nhà xe limousine trên địa bàn đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng nhưng thực chất trá hình chở khách tuyến cố định như xe Limousine Ba Sáu và Limousine Đại Nam đã hình thành nên “xe dù, bến cóc”.

Những nhà xe này lách luật bằng cách sử dụng số điện thoại cá nhân, số điện thoại cố định làm số tổng đài, ứng dụng trên app điện tử, trang điện tử, mạng xã hội để quảng cáo, bán vé, xác nhận đặt chỗ, đón trả khách theo yêu cầu, đón trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, ấn định hành trình, lịch trình cố định tuyến Thanh Hoá - Hà Nội để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.

Một số doanh nghiệp như Limousine Ba Sáu còn được Sở GTVT địa phương khác cấp Giấy phép kinh doanh vận tải nhưng thường xuyên hoạt động vận tải khách trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện trên địa bàn nhưng chưa được Sở GTVT Thanh Hoá cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, tổ chức đưa đón vận chuyển khách theo hình thức “xe trá hình tuyến cố định”.

“Các hoạt động vận tải khách trên tiềm ẩn nguy cơ mất TTATGT, cạnh tranh không lành mạnh giữa loại hình vận tải hợp đồng, du lịch với xe tuyến cố định, gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước”, ông Quân nhấn mạnh và cho biết: Việc kiểm tra, xử lý những xe này từ phía lực lượng Thanh tra Sở GTVT gặp nhiều khó khăn khi không được dừng phương tiện vận tải hành khách đang lưu thông trên đường để kiểm tra, xử lý; không có chức năng điều tra để ghi âm cuộc gọi điện qua tổng đài, đặt chỗ trên ứng dụng điện tử,…để làm cơ sở đấu tranh, xử lý vi phạm của các đơn vị này.

img

Tài xế xe trung chuyển trái phép của nhà xe Ba Sáu ngang nhiên đi vào làn khẩn cấp trên đường Vành đai 3

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định rõ cấm xe hợp đồng bán vé lẻ cho khách đi xe, thay vào đó phải có hợp đồng nguyên chuyến với một cá nhân hoặc tổ chức nào đó.

Do đó, với hợp đồng “khống” đi kèm danh sách hành khách, ghi giá vé lẻ từng hành khách, thậm chí năm sinh của khách còn khai “khống” cùng “sinh năm 1900” như nhà xe Limousine Ba Sáu thì khi kiểm tra, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể xử phạt.

“Không thể vì kêu khó mà buông lỏng quản lý hay không rốt ráo trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Quyền nói và cho biết: Lãnh đạo phường/xã, công an địa phương cũng cần có trách nhiệm trong việc để các “bến cóc” là văn phòng đại diện của các nhà xe tồn tại ngang nhiên, thậm chí lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Tổ liên ngành lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hoá cũng nhìn nhận: Việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép tại TP Thanh Hoá nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung chưa được chính quyền địa phương, công an các huyện thị xã, thành phố, các ngành quan tâm, chỉ đạo kiểm tra, xử lý quyết liệt, đồng bộ là những tồn tại, khó khăn trong xử lý vi phạm của những xe hợp đồng trá hình.

“Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải gom khách, bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách; ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải sử dụng xe trung chuyển chở hành khách không đúng quy định.

Chế tài xử phạt đã có, thẩm quyền xử lý thuộc về lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông. Tuy nhiên, các vi phạm của nhiều nhà xe vẫn tái diễn. Có thể do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nhưng cũng có thể do tình trạng buông lỏng quản lý, xử phạt chưa nghiêm từ phía các lực lượng chức năng dẫn đến một số đơn vị vận tải hành khách “nhờn luật”, liên tục tái diễn hành vi vi phạm” - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VP Luật sư Kết nối.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.