Vận tải

Xe hợp đồng trá hình hết “cửa” lộng hành

14/03/2016, 07:10

Cơ chế quản lý vận tải hiện lỏng lẻo nên xe khách bỏ bến, chạy dù dưới dạng xe hợp đồng còn phổ biến.

12
Một chiếc xe treo biển xe hợp đồng nhưng thực chất chạy cố định tuyến Hà Nội - Nam Định đang xếp hàng và chờ đón khách tại phố Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) - Ảnh: K.Linh

Cấm xe hợp đồng đón-trả khách tại chi nhánh

7 vấn đề được Tổng cục Đường bộ VN sửa đổi, bổ sung gồm: Đơn vị vận tải theo hợp đồng không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc tại một địa điểm ổn định; Không sử dụng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải khách du lịch hoặc cho đơn vị khác thuê xe để vận chuyển khách theo hợp đồng; Bổ sung quy định xe hợp đồng được phép sử dụng hợp đồng điện tử; Bổ sung quy định phạm vi hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng; Danh sách hành khách phải được in bằng máy tính, thông báo cho sở GTVT; Bổ sung quy định xe hợp đồng không niêm yết thông tin như tuyến cố định, không sử dụng xe giường nằm; Rút ngắn thời gian cấp phù hiệu cho xe hợp đồng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện, 7 vấn này được tổng hợp từ những ý kiến được đóng góp của các DN tại ba hội nghị đánh giá thực hiện Nghị định số 86 về điều kiện kinh doanh vận tải tổ chức tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam vừa qua. “Hầu hết ý kiến đều đánh giá quy định quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng hiện chưa chặt chẽ, chưa đề ra được các biện pháp hữu hiệu để có thể thật sự quản lý được hoạt động của loại hình này”, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN nói.

Quyết chặn DN hợp thức hóa xe hợp đồng chạy trá hình

Tại buổi đối thoại giữa Tổng cục Đường bộ VN với DN vận tải mới đây, ông Lê Viết Hoàng, Tổng giám đốc Bến xe Đà Nẵng thẳng thắn: “Cơ chế quản lý vận tải hiện còn lỏng lẻo nên xe khách bỏ bến, chạy dù dưới dạng xe hợp đồng còn phổ biến. Đơn cử tuyến Quảng Nam - TP HCM giờ không còn xe trong bến. Tuyến Huế - Hà Nội cũng thế. Đà Nẵng chưa nhiều nhưng tôi phải vào TP HCM nắm tình hình để đề phòng”.

Liên quan đến 7 vấn đề Tổng cục Đường bộ VN đưa ra, đại diện nhà xe Phương Trang bày tỏ: “Cần có chế tài ngăn chặn việc hợp thức hóa xe hợp đồng chạy trá hình tuyến cố định. Cần quy định rõ điểm đón đối với xe hợp đồng”.

"Hà Nội hiện đã có tới 3.500 xe hợp đồng do cá nhân quản lý, rất manh mún. Tới đây phải tái cơ cấu, gom các chủ xe cá nhân lại, khi đó cơ quan chức năng mới quản được”.

Ông Bùi Danh Liên
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Cùng đó, đại diện Phương Trang cũng đề nghị tăng nặng mức phạt đối với nhà xe vi phạm. Cụ thể, Sở GTVT cần dựa vào thiết bị giám sát hành trình để thấy lộ trình của xe khách nào đó cứ lặp đi lặp lại thì phải thành lập lực lượng liên ngành xử lý. Nếu DN vi phạm nhiều lần, cương quyết rút giấy phép.

Đại diện nhà xe Thành Bưởi (TP HCM) lại cho rằng, cần xây dựng phần mềm quản lý loại hình này. Khi đó, mỗi DN đăng ký kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng sẽ được gắn tương ứng với “mã sử dụng” của DN đó. Trước khi DN thực hiện một hợp đồng chở khách phải tự khai báo thông tin liên quan. Cơ quan quản lý chỉ cần căn cứ những thông tin mà DN khai, kết hợp với thiết bị giám sát hành trình để quản lý.

Trao đổi với Báo Giao thông, một số DN vận tải cũng cho rằng, cách đặt vấn đề của Tổng cục Đường bộ VN rất đúng với thực trạng hoạt động vận tải hiện nay. Tuy nhiên, các quy định khi điều chỉnh, bổ sung cũng cần được tiếp cận từ khía cạnh nhu cầu thực sự của người dân, hành khách đi xe, bởi hiện nay hành khách thường có tâm lý ngại vào bến xe mua vé. Nhiều nhà xe mong muốn nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, nhưng nhiều bến xe cơ sở vật chất không thể đáp ứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.