Giao thông

Xe khách trá hình không còn đất sống

03/12/2014, 09:56

Tọa đàm trực tuyến giải đáp các câu hỏi bao giờ hết vấn nạn xe khách trá hình, làm gì để bảo vệ quyền lợi của hành khách, các quy định mới trong Nghị định 86 về siết chặt quản lý vận tải...

Quảng cảnh buổi tọa đàm
Hành khách vẫn còn chịu nhiều bức xúc về chất lượng xe khách

Xe hợp đồng không được bán vé, taxi phải xuất hoá đơn

Nghị định 86 được chờ đợi sẽ tạo chuyển biến lớn trong lĩnh vực vận tải khách, xin bà cho biết, những điểm mới đáng lưu ý trong Nghị định này?

Bà Phan Thu Hiền- Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT
Bà Phan Thu Hiền- Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT

Bà Phan Thu Hiền - Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT: Thay mặt lãnh đạo Vụ Vận tải, xin trân trọng cảm ơn Báo Giao thông đã có nhiều  cơ hội trao đổi, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, người dân về những quy định mới trong lĩnh vực vận tải. 

Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai mạnh mẽ những nội dung theo NĐ 86 về kinh doanh và đăng ký kinh doanh vận tải ô tô. Bộ đã tổ chức nhiều chương trình họp báo, tập huấn về những nội dung mới của Nghị định tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Nghị định 86 có những quy định mới rất quan trọng như:

Thứ nhất, Nghị định mở rộng đối tượng  quản lý, bao gồm cả các đối tượng là DN vận tải hàng hóa, hoặc  đảm nhận dịch vụ vận chuyển cho hoạt động kinh doanh của mình.

Thứ hai, quy định các xe ô tô phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. 

Thứ ba, là quy định quy mô DN đối với từng loại hình và lộ trình cho DN sắp xếp thời gian thực hiện. DN là  HTX cũng cần có quy mô tùy theo yêu cầu của từng vùng miền để đáp ứng điều kiện.

Thứ tư, Nghị định còn quy định DN đến bến xe  cũng như các hình thức kinh doanh phải thực hiện đảm bảo ATGT. Trong Thông tư 63 mới ban hành ngày 7/11/2014 cũng có quy định khá rõ.

Thứ năm, nội dung nữa là bổ sung quy định khám chữa bệnh định kỳ và tập huấn định kỳ cho lái xe đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý mạnh đối với  xe du lịch.

Thứ sáu, Nghị định yêu cầu taxi phải có thiết bị ghi hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền lái xe phải in hóa đơn và trả cho khách.

Đặc biệt, xe chở khách du lịch hoặc xe hợp đồng không được bán vé, chỉ sử dụng một hợp đồng cho một chuyến đi, phải thông báo lịch trình trước khi khởi hành tới Sở GTVT sở tại.

Xe khách phải đảm bảo thuận tiện cho người khuyết tật 

Điều 13-NĐ 86 quy định từ 1/1/2016 và 1/7/2017, xe kinh doanh vận tải lần đầu và xe đang khai thác phải có chỗ ngồi ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai. Việc thay đổi thiết kế rất phức tạp, doanh nghiệp lo ngại tốn kém, mất thời gian. Cục Đăng kiểm có giải pháp gì để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có xe cần cải tạo thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN
Ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN

Ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN: Bộ GTVT đã ban hành quy chuẩn số 82/2014/ BGTVT quy định đối với xe khách thành phố cho người khuyết tật tiếp cận.

Theo đó, xe phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, chỗ ngồi cho xe lăn, tay vịn, chỗ ngồi có điểm tựa ưu tiên cho người khuyết tật.

Nhiều xe không phải thay đổi kết cấu mà chỉ bổ sung người hỗ trợ hay có vị trí cho xe lăn, đường lên cho xe lăn, ưu tiên ghế cho người khuyết tật.

Riêng xe khách kinh doanh vận tải hiện chưa có quy chuẩn về vấn đề này. Cục Đăng kiểm sẽ trình để Bộ GTVT sớm ban hành trong quý 1/2015.

Để có thể phục vụ người khuyết tật, các doanh nghiệp cần triển khai những công việc gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN:

Cầu thang lên xuống cho người khuyết tật cần có sàn nối giữa hè đường và xe cùng sự hỗ trợ của các nhà xe.

Ngoài ra, cũng có thể dùng các thiết bị nâng, hạ xuống cho người khuyết tật mà không thay đổi kết cấu của xe.

Việc thay đổi thiết kế như ông nói là không đáng kể tuy nhiên khi muốn lắp thêm thiết bị doanh nghiệp phải tuân thủ theo những quy định nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN: Hiện nay các quy định chính thức chưa có. Tuy nhiên, tất cả những thay đổi thiết kế của phương tiện sẽ được cơ quan chuyên môn kiểm tra để đảm bảo an toàn cho hành khách lên xuống.

Hiện nay, đã có một số phương tiện cải tạo phục vụ người khuyết tật, nhìn chung công tác này khá tốt. 

Để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí thì có thể áp dụng phương pháp kiểm tra, nghiệm thu theo mẫu, các trường hợp khác thì căn cứ mẫu đó để thiết kế, thi công. Có thể dùng phương án thiết bị hỗ trợ của nhà xe với những ghế bố trí ở vị trí dễ đi lại. Nếu người khuyết tật ngồi trên ghế thì chỉ cần cải tạo chỗ để xe lăn hoặc các thiết bị chằng buộc chứ trên thực tế không có gì phải cải tạo nhiều.

Các xe không tuân thủ quy định về điều kiện kỹ thuật của xe đáp ứng cho người khuyết tật thì bị giám sát thế nào, kiểm tra thế nào?

Ông Huỳnh Kim Sang, Chuyên viên Phòng quản lý vận tải Đường bộ, Sở GTVT TPHCM
Ông Huỳnh Kim Sang, Chuyên viên Phòng quản lý vận tải Đường bộ, Sở GTVT TPHCM

Ông Huỳnh Kim Sang - Đại diện Sở GTVT TP. HCM: Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai Nghị định 86/CP đến các doanh nghiệp vận tải để thực hiện các quy định mới, Sở sẽ chỉ đạo TTGT thanh kiểm tra trên đường, về các doanh nghiệp, phương tiện vi phạm các quy định của Nghị định.

Xin hỏi Công ty Phương Trang, với tư cách là doanh nghiệp vận tải, ông thấy quy định về việc hoán cải, cải tạo phương tiện để phù hợp với người khuyết tật là có cần thiết không?

Ông Đặng Trọng Hiền - Giám đốc chất lượng Công ty CP DL&VT Phương Trang: Bấy lâu nay Phương Trang đã thực hiện việc tổ chức đưa đón khách ở hai đầu bến. Nhân viên luôn hỗ trợ hành khách khi lên xuống xe, đặc biệt là người khuyết tật tại các đầu bến, trạm dừng chân. Khách hàng cũng đã có ghi nhận và gần như quen với việc này, họ cảm thấy hài lòng.

Theo tôi nghĩ việc hỗ trợ cho người khuyết tật thì tốt, nhưng không nhất thiết phải có quy định cứng nhắc. Các doanh nghiệp vận tải phải xem việc hỗ trợ người khuyết tật là trách nhiệm để nâng cao chất lượng dịch vụ, lúc đó mới thu hút được hành khách ngày càng nhiều hơn.

Để đáp ứng quy định ưu tiên người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai... có cần thiết phải cải tạo thiết kế xe hay không?

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN: Hiện nay theo định hướng quy chuẩn có  tính đến vấn đề đại diện Phương Trang nêu, nếu doanh nghiệp có bố trí người hỗ trợ người khuyết tật lên xuống thì không nhất thiết có cầu nâng. Trong lòng xe, nếu đảm bảo có chỗ cho người khuyết tật ngồi hay người xe lăn bám vịn thì nếu người khuyết tật ngồi ghế thì có phương án chằng buộc xe lăn thì không nhất thiết thay đổi nhưng nếu như xe nào chưa đảm bảo thì phải thay đổi thiết kế xe.

Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ Phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT):  Thực hiện Luật Người Khuyết tật, phương tiện giao thông công cộng phải ưu tiên và có hỗ trợ cho người khuyết tật.

Bên cạnh đó, người khuyết tật được quyền đáp ứng tiếp cận phương tiện giao thông công cộng.

Vì vậy, Bộ GTVT xây dựng quy chuẩn phù hợp, để làm sao nếu trên xe không có sự trrợ giúp từ người nhà xe và hành khách khác  thì người  khuyết tật vẫn có thể tham gia vận tải bình thường.

Các lỗi dừng đỗ, bắt khách dọc đường được thiết bị GSHT ghi lại sẽ bị xử phạt.Ảnh Xuân Đoàn
Các lỗi dừng đỗ, bắt khách dọc đường được thiết bị GSHT ghi lại sẽ bị xử phạt. Ảnh Xuân Đoàn

Người điều hành vận tải không được cùng lúc làm cho nhiều doanh nghiệp 

Nhiều doanh nghiệp băn khoăn, quy định người điều hành vận tải không được đồng thời làm việc tại cơ quan khác đang gây lãng phí cho chủ doanh nghiệp và khó khăn cho người làm công?

Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ Phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT):  Xin cảm ơn độc giả đã đưa ra câu hỏi.

Việc quy định điều kiện người điều hành được thực hiện từ NĐ 91/2009 quy định trình độ kinh nghiệm người điều hành vận tải như có trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên, kinh nghiệm làm việc từ 3 năm trở nên… Nhưng thực tế, đến năm 2013, trước tình trạng nhiều vụ mất ATGT xảy ra và công tác triển khai điều kinh doanh, Bộ GTVT thực hiện kiểm tra đồng loạt các tỉnh, thành phố, do 7 Thứ trưởng thực hiện. Kết quả cho thấy,  tỷ lệ DN có người điều hành nhưng thực tế không sử dụng khá nhiều. Hồ sơ bên thanh tra cho thấy, nhiều DN sử dụng cùng một người điều hành. Trong khi đó, người điều hiều hành vận tải  không đứng ra trực tiếp xử lý dẫn tới nhiều DN buông lỏng quản lý ,chất lượng dịch vụ giảm sút nên Bộ GTVT xin ý kiến DN, HTX vận tải,... đồng thuận quy định người điều hành GTVT không đồng thời làm việc tạo DN khác tạo điều kiện cho DN  có người chuyên trách điều hành khoa học nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ngoài ra, còn yêu cầu người điều hành có bằng cấp từ trung cấp trở lên. Điều này hết sức cần thiết  vì hiện yêu cầu ứng dụng CNTT, xử lý tình huống đột xuất, tai nạn nghiêm trọng là rất bức thiết, hoạt động điều hành phải thường xuyên liên tục, người điều hành phải có trình độ. 

Ngoài ra, với ứng dụng CNTT mạnh mẽ như hiện nay, trong điều hành vận tải các phương tiện đều phải lắp đặt  thiết bị giám sát hành trình cần chấn chỉnh  hoạt động vận tải của mình nên người quản lý phải trực tiếp quản lý tại DN là cần thiết.

Người điều hành "đóng thế"

Đây là một câu hỏi rất hay, tôi (ông Trịnh Viết Lộc - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT) cũng xin tham gia trả lời.

Qua kiểm tra tại 63 tỉnh thành cho thấy, số người điều hành vận tải không đủ điều kiện cũng không nhiều, chỉ chiếm 7-8%. Quy định của pháp luật rất mở, trung cấp vận tải chuyên ngành hoặc từ cao đẳng công tác 3 năm trở lên trong ngành là đủ điều kiện.

Trên thực tế, nhân lực cho ngành này không hiếm nhưng ký hợp đồng với những người này là rất khó vì lương thấp, chỉ từ 1-1,5 triệu đồng/tháng. Nhân chuyện đó, tôi cũng kể nói một câu chuyện khi kiểm tra 1 doanh nghiệp HTX vận tải ở Núi Thành, Quảng Nam.

Doanh nghiệp đã đưa người "đóng thế" có đủ điều kiện để thay thế người có tên trong hồ sơ, khi kiểm tra, gọi tên thì người này không có phản ứng. Hỏi ra mới biết đó là người "đóng thế". Chúng tôi đã lập tức đình chỉ hoạt động của HTX này vì không đủ điều kiện hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp than khó tìm được người điều hành đủ bằng cấp, đào tạo khó khăn, xin bà cho biết để đạo tạo cán bộ điều hành đủ trình độ mất bao nhiêu năm? Chương trình đào tạo có thực sự hữu ích, ứng dụng tốt trong trực té?

Bà Lê Thu Sao - Phó trưởng khoa Kinh tế Vận tải - Trường ĐH Công nghệ GTVT
Bà Lê Thu Sao - Phó trưởng khoa Kinh tế Vận tải - Trường ĐH Công nghệ GTVT

Bà Lê Thu Sao - Phó trưởng khoa Kinh tế Vận tải - Trường ĐH Công nghệ GTVT:

Để đạo tạo cán bộ mới mất bao nhiêu năm? Các DN cử cán bộ đi có tiếp thu được kiến thức để đáp ứng công việc không?

ĐH Công nghệ GTVT là cơ sở đào tạo đa ngành, đa hệ của Bộ GTVT. Mục tiêu đào tạo của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu xã hội. 

Chương trình đào tạo của các chuyên ngành đào tạo nói chung và chuyên ngành vận tải nói riêng được kết cấu theo hướng rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, tăng cường kỹ năng mềm cho người học.

Các chương trình đào tạo được biên soạn trên cơ sở khảo sát yêu cầu của các doanh nghiệp vận tải đối với từng vị trí công việc, ý kiến của các chuyên gia về vận tải và đào tạo, kết quả điều tra khảo sát về mức độ đáp ứng của sinh viên tốt nghiệp trước yêu cầu công tác của doanh nghiệp.

Hiện tại, Đại học Công nghệ GTVT có các hệ đào tạo Đại học, Cao đẳng chính quy, vừa làm vừa học và  các khóa đào tạo ngắn hạn. Thời gian đào tạo hệ ĐH là 4 năm, CĐ 3 năm, trường hợp vừa học vừa làm tăng thêm 0,5 năm. Hệ Trung cấp có thời gian đào tạo là 2 năm tuy nhiên, với chức năng của một trường Đại học tương lai sẽ không còn đào tạo hệ này nữa.

Với người đang làm việc trong doanh nghiệp vận tải đã có bằng CĐ, ĐH nhưng không phù hợp với quy định của NĐ 86/2014, có thể đăng ký học văn bằng hai. Với nền kiến thức đã có sẵn thì thời gian đào tạo của đối với văn bằng này chỉ còn khoảng 60% so với hệ đào tạo tương ứng.

70 nghìn phương tiện bị xử lý qua thiết bị giám sát hành trình 

Sau khi đưa vào sử dụng TBGSHT, đến nay đã có bao nhiêu phương tiện, lái xe bị xử lý, chấn chỉnh?

Ông Trần Quang Bình - Vụ trưởng Vụ vận tải Tổng cục đường bộ
Ông Trần Quang Bình - Vụ trưởng Vụ vận tải Tổng cục đường bộ

Ông Trần Quang Bình - Vụ trưởng Vụ vận tải Tổng cục Đường bộ: Cần phải xác định, việc sử dụng TBGSHT trước tiên là để phục vụ cho chính mục đích quản lý doanh nghiêp. Trên cơ sở đôn đốc và sử dụng TBGSHT, đã có 70 nghìn phương tiện bị thu hồi, đình chỉ, hàng nghìn lái xe bị Sở GTVT chấn chỉnh, xử lý. Những số liệu này có tổng hợp tại Tổng cục Đường bộ VN. Điều này có tác động rất lớn đến ý thức tham gia giao thông của lái xe, nhất là về tốc độ.

Trong năm 2015, Tổng Cục Đường bộ VN sẽ đề nghị Bộ GTVT cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu về đường bộ, toàn bộ hệ thống kết nối của bến xe, phương tiện để có thể theo dõi được mọi hoạt động vận tải. Tuy nhiên, hiện nay đang có khó khăn về vốn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng đề nghị đểthực hiện.

Thưa ông, tất cả các xe tuyến cố định giờ đã được lắp đặt hết thiết bị GSHT?

Ông Trần Quang Bình: Theo Nghị định 91, các loại xe hợp đồng tuyến cố định, du lịch và container đã lắp đặt thiết bị GSHT. Tuy nhiên, hiện còn một số ít phương tiện nhỏ lẻ không kết nối được về trung tâm dữ liệu do việc lắp thiết bị không đạt chuẩn. Chúng tôi đã yêu cầu số ít này thay thế, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu. Nay có đến hơn 95% đã lắp đặt.

Sắp tới, Nghị định 86 đã quy định, tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải sẽ phải lắp đặt thiết bị GSHT.

Với nhiều giải pháp mạnh đã và đang triển khai, liệu trong dịp Tết năm nay, xe dù, bến cóc có còn “đất” để hoạt động, thưa ông?

Ông Trần Quang Bình: Chúng ta chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường nên còn một số bất cập trong quản lý. Thời gian gần đây mới được siết lại và đang có những chuyển biến ban đầu. Hoạt động vận tải là lĩnh vực quản lý rất phức tạp, lưu động và hàng trăm nghìn đầu mối. Để quản lý tốt hơn, chưa thể ngay lập tức, nhưng tôi nghĩ sẽ ngày càng tốt hơn. Chẳng hạn như bằng các công cụ quản lý vận tải mới, công nghệ mới như TBGSHT… tôi nghĩ dịp Tết năm nay sẽ tốt hơn dịp Tết năm trước. Tuy nhiên để được như mong muốn, chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa.

Chúng ta đã nghe một loạt các giải pháp kỳ vọng sẽ làm thay đổi tích cực thị trường vận tải, chấn chỉnh xe dù, bến cóc, giảm TNGT. Cá nhân ông có tin tưởng tới đây sẽ xử lý được rốt ráo các vấn đề này? Theo ông giải pháp nào sẽ tạo ra đột phá trong năm nay?

Ông Trịnh Viết Lộc - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT
Ông Trịnh Viết Lộc - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT

Ông Trịnh Viết Lộc - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT: Tôi đã làm công tác vận tải 30 năm nay ở Bộ GTVT. Thời kỳ bao cấp quản lý tương đối chặt chẽ nhưng từ khi đổi mới 1986, đặc biệt là từ năm 1988 cùng với sự phát triển kinh tế, công tác quản lý vận tải bị buông lỏng. Đến gần đây chúng ta mới siết lại và Nghị định 91-93 ra đời là minh chứng rõ nét.

Có một thời gian dài TNGT và trật tự vận tải lộn xộn. Vài ba năm gần đây vận tải đang được siết lại và đang có nhiều chuyển biến. Đặc biệt từ năm 2013-2014 khi Bộ phối hợp với 63 tỉnh, thành chấn chỉnh hoạt động vận tải thì hiệu quả tăng lên rõ rệt. TNGT giảm dưới 9  nghìn người chết mỗi năm (trước đây là 12 000 -13000). Đây là thắng lợi lớn trong siết chặt quản lý  vận tải. Việc phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GTVT và các địa phương đã đem lại hiệu quả rất thuyết phục.

Với những quy định mới, tôi tin rằng hoạt động vận tải sẽ được nâng lên một tầm mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Xin ông trả lời cụ thể giải pháp nào trong hàng loạt các giải pháp chúng ta vừa nêu có thể để nâng cao hiệu quả  quản lý vận tải dịp Tết năm nay? 

Ông Trịnh Viết Lộc - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT: Vận tải khách Tết năm nay nằm trong tình hình chung vì chúng ta đi sâu quản lý an toàn và tổ chức lập lại trật tự vận tải. Việc thực hiện thiết bị giám sát hành trình từ năm 2008 quy định và triển khai được 1-2 năm gần đây đem lại hiệu quả cao. Chính sách phải siết dần, chặt dần chứ yêu cầu ngay lập tức đạt được như mong muốn thì rất khó. Chúng tôi đã kiểm tra các bộ phận an toàn của các đơn vị kinh doanh và chấn chỉnh công tác quản lý vấn đề này. Doanh nghiệp Phương Trang hôm nay có mặt tại toạ đàm cũng có xe chạy quá tốc độ. Một số đơn vị khác chạy tuyến QL1 Quảng Trị hay QL51 Bà Rịa-Vũng Tàu  thường xuyên vượt tốc độ rất lớn. Mặc dù đây là vi phạm của lái xe nhưng chúng tôi vẫn xử lý các DN một cách nghiêm khắc để từ đó DN xử lý lái xe.

Khách lên xe bị trấn lột, thu tiền quá giá, kêu ai?

Về vấn nạn xe dù, xe hợp đồng trá hình xe khách, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Là một doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính ông nhìn nhận thế nào về tình trạng này?

Ông Nguyễn Vũ Linh - Phó TGĐ Công ty TNHH MTV DL-KS -VT Vũ Linh
Ông Nguyễn Vũ Linh - Phó TGĐ Công ty TNHH MTV DL-KS -VT Vũ Linh

Ông Nguyễn Vũ Linh - Phó TGĐ Công ty TNHH MTV DL-KS -VT Vũ Linh:  Hiện DN chúng tôi rất khó khăn vì xe trá hình rất nhiều. Hành khách không có nhiều thông tin lựa chọn xe nào tốt. Nhiều xe hợp đồng cũng vận chuyển khách đường dài cố định. Hành khách đôi khi lên xe chất lượng rất thấp, thậm chí có thể bị trấn lột... mà không biết phản ánh hay đòi bồi thường thế nào? 

Trách nhiệm quản lý xe khách trá hình như thế nào? ngay như tuyến đường xe chúng tôi kinh doanh Cần Thơ - Cà Mau xe dù chạy nhanh nhản, xin hỏi cơ quan nào xử lý những xe này?

Trong Nghị định 86 có quy định nào xử lý xe khách trá hình không, thưa bà? 

Bà Phan Thị Thu Hiền: Vụ phó Vụ vận tải - Bộ GTVT: Đây là bài toán mà cơ quan quản lý nhà nước lâu này cũng đặt ra. Xe khách trá hình phá vỡ mục tiêu quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Vì vậy trong Nghị định 86 đã quy định xe khách phải lắp đặt GPS. Tổng cục đường bộ cũng thành lập các Trung tâm quản lý, Sở GTVT các tỉnh cũng giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này. Việc trá hình chạy hợp đồng, du lịch khá nhiều.

Các giải pháp xử lý tại điều 7 của Nghị định 86. Xe trước khi chạy du lịch thì phải thông báo các hành trình, số lượng khách, các điểm đón trả khách... ghi trên hợp đồng. Từ giám sát hành trình GPS thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát hoạt động của xe du lịch này. Nghị định này có hiệu lực từ 1/12/2014. Riêng với xe hợp đồng thì quy định quản lý từ 1/7/2015.

Thông tư 63/BGTVT năm 2014 vừa rồi cũng quy định xe hợp đồng chỉ được ký một hợp đồng. (hiện nay các DN sử dụng bán vé lẻ hoặc hợp đồng với từng hành khách).

Các quy định thì đã có rồi. Chúng tôi cũng bổ sung các chế tài trong Thông tư sắp tới thay thế Thông tư 55 để tăng mức phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ công an và địa phương để xử lý.

Cơ quan truyền thông cũng cần tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng những xe có thương hiệu, không sử dụng những xe trá hình để từng bước loại bỏ loại hình xe khách trá hình này. 

Nhất thiết phải có đường dây nóng

Ông Nguyễn Vũ Linh - Phó TGĐ Công ty TNHH MTV DL-KS -VT Vũ Linh có ý kiến thêm về kiến nghị giải pháp xe hợp đồng, xe trá hình: Để khắc phục tình trạng xe du lịch, hợp đồng trá hình thì cần: trên xe có đường dây nóng, xe phải quy định bến đi; bến đến; tuyên truyền hành kháchphải tỉnh táo không nên tiếp tay cho xe này.

Ông Nguyễn Hữu Luân - Thành viên HĐQT Công ty CP DL&VT Phương Trang: Để chống xe trá hình thì cần phải quyết tâm, chẳng hạn không cho đặt vé, không cho thu tiền trên xe. Cho Thanh tra mặc thường phục đi kiểm tra việc đặt vé, lên xe vi hành bắt vài lần. Không phải chúng ta không có quy định mà chúng ta chưa kiên quyết. Xe vào bến ngoài việc nộp phí bễn bãi,

Nên đặt dẹp xe trá hình này thành trọng tâm để ra tay thực hiện quyết liệt. Và quyết liệt thì sẽ dẹp được.

Ông Trần Minh Tạo - Phó giám đốc kinh doanh Cty TNHH MTV DL-KS Vũ Linh
Ông Trần Minh Tạo - Phó giám đốc kinh doanh Cty TNHH MTV DL-KS Vũ Linh

Ông Trần Minh Tạo - Phó giám đốc kinh doanh Cty TNHH MTV DL-KS Vũ Linh: Để dẹp xe trá hình thì Nghị định 86/CP đã quy định sát sao. Có hiện tượng nhiều DN chạy tuyến cố định như TPHCM - Cần Thơ, thì bắt khách đi Cà Mau rồi sang khách. Vì vậy trên xe phải có đường dây nóng của Bộ GTVT để hành khách phản ánh. 

Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ Phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT): Trong Thông tư 63 có quy định tất cả các lái xe phải niêm yết số đường dây nóng của Sở GTVT. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến độc giả tăng cường kiểm tra, giám sát việc niêm yết số đường dây nóng này.

Sắp tới là thời điểm Tết và cũng là mùa lễ hội, chúng tôi cũng chuẩn bị nội dung để báo cáo lãnh đạo Bộ. Ngoài việc niêm yết số đường dây nóng của Sở GTVT, chúng tôi còn bổ sung đường dây nóng của cơ quan kiểm tra, kiểm soát trên đường để người tiếp cận. Việc niêm yết cũng không chỉ thực hiện trên các phương tiện mà còn được dán trên các trạm xe bus, điểm dừng đỗ xe để người dân phản ánh kịp thời thông tin. 

Có qui định nào bắt buộc phải công khai số điện thoại đường dây nóng trên xe khách. Thực tế các cơ quan chức năng đã xử phạt trường hợp nào chưa thực hiện, thưa ông?

Ông Trần Quang Bình - Vụ trưởng Vụ vận tải Tổng cục Đường bộ: Trước đây tại Thông tư 18 đã có qui định chi tiết về việc này. Nay tại Thông tư 63 cũng qui định các đơn vị vận tải phải niêm yết đường dây nóng của doanh nghiệp vận tải. Nếu khách thấy có vấn đề, có thể gọi về DN yêu cầu giải quyết. Nếu không được, có thể gọi đến cơ quan quản lý để yêu cầu giải quyết.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm không niêm yết này. Tại bến xe, các bến được phép kiểm tra xe về nội dung này ngay tại bến. Để thực hiện nghiêm, đóng góp cho việc nâng cao chất lượng vận tải, các nhà xe phải tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm các qui định về niêm yết. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, đoàn thanh tra, kiểm tra của cả Tổng cục Đường bộ VN và các Sở GTVT cần tăng cường để kiểm tra, xử lý. Hy vọng trong thời gian tới việc này sẽ được triển khai tốt hơn.

Có ý kiến cho rằng, các xe tuyến cố định mới phải niêm yết, trong khi xe hợp đồng trá hình không thuộc loại này. Có cần yêu cầu họ niêm yết?

Ông Trần Quang Bình - Vụ trưởng Vụ vận tải Tổng cục Đường bộ: Việc niêm yết là yêu cầu chung với xe vận tải hành khách chứ không trừ loại nào. Đã là xe trá hình, họ thường che dấu và tìm cách luồn lách. Vì thế đề nghị hành khách có ý thức vào bến mua vé đi xe để tránh bị mất tiền oan.

Nếu có vấn đề gì, hành khách có thể gọi điện về đường dây nóng của Sở GTVT hoặc của Tổng cục Đường bộ VN để xử lý.

Với Nghị định 86, không còn kẽ hở cho xe hợp đồng lách luật thành xe khách trá hình

Việc Luật không có nhiều chế tài về xử lý xe dù, xe khách hợp đồng khiến doanh nghiệp vận tải  làm ăn chân chính bị thiệt thòi khi vào bến. Giải pháp cho vấn đề này hiện nay ra sao, thưa ông?

Ông Trịnh Viết Lộc - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT: Đây là một thực tế đã phát triển lâu nhưng mới rộ lên thời gian gần đây. Tuyến cố định được quản lý rất chặt, vì thế doanh nghiệp lách luật chuyển sang xe hợp đồng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Việc quản lý vấn đề này hiện rất cấp bách. Thực ra đã có quy định về vấn đề này nhưng chưa chặt chẽ, chưa bao quát hết được việc xe hợp đồng lấy khách của tuyến cố định. NĐ 86 đã khắc phục được vấn đề này khi yêu cầu xe chạy hợp đồng phải báo trước cho Sở GTVT sở tại.

Vụ Vận tải cũng đã xác định được những kẽ hở. Nhưng làm sao quản lý được nó khi có rất nhiều hợp đồng khống đã có sẵn, khi hành khách lên họ điền vào hợp đồng có giá trị, không bắt bẻ được. Quy định xe hợp đồng phải có hợp đồng để đối phó, khi hành khách lên xe là điền bất kỳ vì chưa có quy định cụ thể hợp đồng phải thế nào? NĐ 86 quy định hợp đồng chỉ được ký 1 lần đã triệt tiêu được lỗ hổng này. Đây là phương án quản lý hữu hiệu nhất.

Với những vi phạm cụ thể thì xử phạt thế nào?

Ông Trịnh Viết Lộc: Vi phạm thì đã có chế tài xử lý ở NĐ171 vì chạy không đúng loại hình phạt từ 3-5 triệu, và thu hồi giấy phép nhưng làm sao phát hiện vi phạm, bắt và chứng minh vi phạm là rất khó. TTGT đã làm, xử lý được nhiều nhưng làm sao kết hợp giữa TTGT và Công an để xử lý mới đạt được hiệu quả, xử được tận gốc.

Ai sẽ là người kiểm tra phát hiện vi phạm đối với trường hợp xe du lịch và xe hợp đồng bán vé và xác nhận đặt chỗ cho khách?

Ông Trịnh Viết Lộc: Các lực lượng như TTGT địa phương, CSGT, các lực lượng thực thi công vụ sẽ làm việc này. DN ở TP. HCM cứ 30 phút lại có người đặt chỗ, đây là hình thức tranh giành khách. Với QĐ 86 chúng ta có 1 liều thuốc tương đối hữu hiệu để giảm các xe hợp đồng. Với quy định này khi được thực hiện kiểm tra gắt gao thì sẽ trị được căn bệnh này. Vấn đề là tư vấn “thuốc” thế nào, liều lượng ra sao?

img

Xe trá hình, xe dù làm cơ quan quản lý đau đầu, họ kinh doanh vận tải theo hợp đồng  nhưng PV của chúng tôi phát hiện được là nhiều trường hợp họ đã chuẩn bị sẵn hợp đồng khống, có hồ sơ sẵn, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì họ trình ra nên khó xử phạt. NĐ 86 có thay đổi được điều này không?

Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ Phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT):  Theo quy định mới, với mỗi chuyến đi, DN phải thông báo về chuyến đi đó với Sở GTVT. Như vậy, với hỗ trợ tăng cường KHCN chúng ta sẽ so sánh thông tin đó với thôngg tin theo dõi từ thiết bị GSHT để có xử lý thì chắc chắn sẽ có hiệu quả. Tôi cho rằng đây là giải pháp mạnh.

Như vậy, trước mỗi chuyến đi, DN kinh doanh vận tải khách du lịch và hợp đồng phải báo trước với Sở GTVT bao lâu?

Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ Phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT): Để tạo chủ động cho các DN, trong Thông tư của Bộ GTVT không quy định thời gian phải báo trước là bao lâu mà DN có thể báo ngay trước chuyến đi. Hình thức thông báo cũng thuận tiện là bằng văn bản,email phặc bằng phần mền trực tuyến.

Quang cảnh buổi tọa đàm đầu cầu TP.HCM
Quang cảnh buổi tọa đàm đầu cầu TP.HCM

Khách vào bến hoặc bắt xe tại điểm dừng đỗ, yêu cầu nhà xe xuất vé mới được bảo vệ quyền lợi

Một hành khách bắt xe ngang đường và bị thu tiền quá giá, thậm chí thu tiền nhiều lần, khi không chịu nộp thêm thì bị nhà xe đuổi xuống giữa đường. Hành khách này đã gọi điện đường dây nóng, nhưng khi CSGT dừng xe thì không có bằng chứng, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trần Quang Bình - Vụ trưởng Vụ vận tải Tổng cục Đường bộ: Cơ quan quản lý sẽ cố gắng từng bước loại bỏ các hình thức kinh doanh không lành mạnh, nhưng nhà nước cũng rất cần sự đồng thuận, hỗ trợ của chính người sử dụng dịch vụ là hành khách. Vì thế chúng tôi muốn hành khách hãy vào bến để mua vé để khi có sự cố, được phản ánh thì có thể quản lý và xử lý được. Nếu hành khách lên xe giữa đường, tại các điểm dừng đỗ được quy định thì khi trả tiền cần yêu cầu xuất vé. Đó là căn cứ để cơ quan chức năng xử lý.

Trong trường hợp bị như vậy, hành khách không chỉ báo cho lực lượng kiểm soát trên đường mà có thể báo về cơ quan quản lý phương tiện đó tại địa phương để có biện pháp xử lý.

Vận tải có tính xã hội rất cao nên không loại trừ những vấn đề tiêu cực từ an ninh trật tự trên đường nên rất cần sự phản ánh kịp thời của hành khách và thông tin, chứng cớ vi phạm của nhà xe (bản ghi âm trao đổi giữa khách và nhà xe, vé xe...) để chúng tôi có căn cứ xử lý.

 Luật sư Lê Thành Việt - Đoàn Luật sư TP. HCM
Luật sư Nguyễn Thanh Việt - Đoàn Luật sư TP. HCM

Liên quan đến một số quy định trong Nghị định 86/CP và TT63/BGVT về xe hợp đồng, theo Luật sư Nguyễn Thanh Việt - Đoàn Luật sư TPHCM thì đó là luồng gió mới vào lĩnh vực kinh doanh vận tải, tuy nhiên về xe hợp đồng theo quy định mới có thể triệt tiêu xe hợp đồng trá hình, nhưng dùng điện thoại liên lạc đặt vé vô tình đã vi phạm, như xe Vũ Linh, Phương Trang đã nói doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt thòi lớn.

Nghị định 86/CP và TT63/BGTV đủ để triệt tiêu xe dù nhưng có kiên quyết làm mạnh hay không thôi.

Về vấn đề luật sư Việt nêu, cơ quan quản lý có thông điệp gì gửi tới các DN không, thưa bà?

Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ Phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT): Cảm ơn Luật sư đã thấu hiểu những khó khăn của cơ quan quản lý Nhà nước. Thực chất, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật luôn theo diễn biến đời sống. Từ đời sống xây dựng luật và cuộc sống diễn ra theo đúng các quy phạm pháp luật ấy.

Qua quá trình thực hiện các quy định pháp luật như NĐ 91, NĐ 93 và NĐ 93 sửa đổi chưa đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả đối với xe khách trá hình. Lần này, trong NĐ 86, chúng tôi đã đưa ra giải pháp mạnh như yêu cầu thông tin trước mỗi chuyến đi đối với xe hợp đồng và xe du lịch và tăng cường quản lý so sánh giữa thông tin khai báo và thông tin trên thiết bị GSHT để xử lý mạnh mẽ.

Tiếp theo là cơ quan triển khai triểm soát, thanh tra. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và sẽ đề xuất ngay trong chiến dịch vận tải Tết tới đây, Bộ GTVT chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc công bố đường dây nóng trên các xe khách, hiệu quả xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng. Rất mong người dân đồng lòng để cơ quan Nhà nước hoàn thành mục tiêu. Nếu còn bất cập đề nghị các DN sớm phản ánh, Bộ GTVT sẽ kiên quyết thực hiện tốt nhất các quy định mới nhằm chấn chỉnh thị trường vận tải. 

Về quy trình đảm bảo ATGT, điều DN lo lắng hiện này là lộ trình này có kịp để chuyển đổi theo đúng yêu cầu hay không?

Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ Phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT): Việc triển khai quy định đảm bảo ATGT, trong Thông tư 63 Khoản 5 Điều 5 có quy định, quy trình gồm có những bước như thế nào, trong phụ lục có sẵn nội dung. Các DN chỉ cần đọc kỹ nội dung và thực hiện thì sẽ hoàn thành. Đề nghị các DN nghiên cứu Thông tư 63 để xây dựng quy trình đảm bảo ATGT hướng dẫn lái xe và nhân viên phục vụ thực hiện theo quy trình này.

Quy trình bảo đảm ATGT đối với các xe khách tuyến cố định sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2015 có gây khó cho doanh nghiệp?

Ông Hoàng Thế Tùng - Vụ Phó Vụ ATGT
Ông Hoàng Thế Tùng - Vụ Phó Vụ ATGT

Ông Hoàng Thế Tùng - Vụ phó Vụ ATGT: Vấn đề xây dựng qui trình bảo đảm ATGT, trong các Nghị định đã có qui định là rất cần thiết. Các qui trình này không mới, nhưng cần chấp hành nghiêm để tạo sự thống nhất. Thực ra đó là các bước, công việc phải làm nhưng được qui định bắt buộc để làm bằng chứng phục vụ cho công tác thanh tra, hậu kiểm và thực hiện thống nhất.

Việc thực hiện các công việc này rất đồng đều, các doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm.

Chẳng hạn như qui trình về kiểm tra, bảo dưỡng như thế nào, đã là một công việc thường xuyên nhưng nay có qui định và chế tài để nâng cao tinh thần trách nhiệm của DN và cả lực lượng thực thi công vụ. 

Vì thế lộ trình này không hề gây khó gì cho DN. Và mốc 1/7/2015 là không gấp gáp. Tôi được biết, hiện Tổng cục Đường bộ VN đã có tập huấn về qui trình này để đẩm bảo lộ trình thực hiện.

Không được dùng xe trung chuyển trên 16 chỗ

Ông Nguyễn Hữu Luân - Thành viên HĐQT Cty CP DL&VT Phương Trang: Về việc xe trung chuyển, chúng tôi có ý kiến là hiện có xe 29 chỗ, vì vậy nếu dùng xe nhỏ 16 chỗ thì rất tốn kém cho doanh nghiệp. Những ngày cao điểm khách đi lại cao hơn bình thường. Tại các thành phố lớn mà xe trung chuyển chạy nhiều thậm chí còn gây ùn tắc. Chúng tôi cũng đã góp ý khi Bộ GTVT lấy ý kiến doanh nghiệp về Thông tư 63/BGTVT nhưng không được ghi nhận.

Chúng tôi kiến nghị là nên để cho doanh nghiệp chủ động chọn loại xe trung chuyển, tối đa là 29 chỗ để giải tỏa khách nhanh chóng, không nhất thiết là 16 chỗ, vì doanh nghiệp còn có xe nhỏ 7 chỗ trung chuyển.

Về xử phạt giám sát hành trình: Cần đưa ra chế tài xử phạt cụ thể hơn. Chẳng hạn vượt bao nhiêu km thì bị xử phạt để doanh nghiệp theo dõi. Chẳng hạn với Phương Trang, chúng tôi đặt vấn đề kiểm soát tốc độ lên hàng đầu để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng khi tài xế vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, những lần sau có thể cho thôi việc. 

Ông Trần Quang Bình - Vụ trưởng Vụ vận tải Tổng cục Đường bộ: Xe trung chuyển không phải giờ mới có mà thời gian qua, nhiều đơn vị để thu hút hành khách đã tổ chức loại hình này. Từ thực tế đó, các cơ quan chức năng cần có quy định để quản lý, tránh để các xe này phát triển theo chiều hướng tiêu cực, nằm ngoài kiểm soát.

Xe trung chuyển không phải là loại hình kinh doanh vận tải mà chỉ là nối tiếp giữa các loại hình kinh doanh vận tải với nhau. Cũng có nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp vận tải cho rằng, loại hình này có thể biến tướng thành xe dù đi gom khách tại các điểm khác, vào bến. Vì thế, cơ quan quản lý Nhà nước không muốn gây khó cho DN mà muốn quản lý để nó hoạt động một cách lành mạnh.

Bên cạnh đó, việc quản lý còn nhằm giảm ùn tắc, TNGT. Chẳng hạn, không thể cho xe ca lớn vào các thành phố lớn, hành trình xe đi trong thành phố rất lâu để trả khách. Vì thế không nên cấp phép cho xe quá lớn mà chỉ xe nhỏ để vào thành phố để từ nhà ra bến xe từ bến xe về nhà. Đấy là căn cứ để chúng tôi qui định loại xe này chỉ được sử dụng xe 16 chỗ.

Về vấn đề xử phạt qua thiết bị GSHT bằng tiền hành vi vi phạm này hay không, hiện còn phụ thuộc vào nhiều yếu  tố như: thiết bị phải bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn, có độ chính xác cao trong khi những yêu cầu này chúng ta chưa đáp ứng được. Đến nay, thiết bị này cũng chưa được kiểm định định kỳ về độ chính xác mà chỉ kiểm tra xem có hoạt động hay không. Bên cạnh đó, nó cũng không được hoạt động trong một môi trường bảo đảm, bị xóc, rung liên tục…. Vì thế để có thể sử dụng để xử phạt, phải đáp ứng thêm nhiều yếu tố nữa.

Hiện cơ quan Nhà nước xác định lỗi của doanh nghiệp dựa trên căn cứ từ rất nhiều dữ liệu tập hợp được. Tiến tới, chúng tôi sẽ tiến hành qui đổi tất cả các lỗi trên đầu phương tiện để có thể có sự công bằng, minh bạch để từ đó sẽ xử phạt.

Về chế tài xử phạt  Vụ Vận tải có thêm ý kiến gì nữa không?

Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT): Trước tiên, xin cảm ơn anh Luân đã đưa ra nhiều nội dung gợi ý cho cơ quan quản lý Nhà nước. Xin thông tin là những nội dung này Bộ đã đặt ra và trong chương trình xử  phạt, thu hồi phù hiệu... thì tất cả các vấn đề này, chúng tôi đã tổng hợp, khi xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 55, chúng tôi sẽ tăng cường biện pháp, chế tài mạnh để xử lý nghiêm và mang tính răn đe để DN không tái phạm. Các quy định thì có rồi nhưng phải đảm bảo chế tài đủ mạnh, thanh tra nghiêm minh và thực hiện đồng loạt với các đối tượng để đảm bảo ATGT. Cảm ơn Công ty Phương Trang đã có nhiều đóng góp, trong đó có ý kiến đóng góp trong lĩnh vực quản lý đường bộ, chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp thu để đưa vào các văn bản sắp tới.

Báo Giao thông

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.