Đường sắt

Xe lửa Gia Lâm nói gì khi Hà Nội quyết quy hoạch di dời nhà máy?

09/07/2022, 18:05

Công ty Xe lửa Gia Lâm muốn có chính sách, định hướng ổn định, lâu dài khi Hà Nội quy hoạch di dời nhà máy.

Hà Nội “chốt” di dời trong 5 năm tới

Tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP. Hà Nội diễn ra vào hôm qua (8/7), các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1).

Như vậy trong vòng 5 năm tới, có 9 cơ sở nhà đất phải di dời, trong đó có cơ sở nhà đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ diện tích hơn 20 ha, hiện là trụ sở Công ty CP Xe lửa Gia Lâm (tiền thân là Nhà máy xe lửa Gia Lâm).

img

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có hệ thống nhà xưởng đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu sửa chữa, lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe phục vụ hoạt động vận tải đường sắt

Trước chủ trương này của Hà Nội, ông Đỗ Trọng Lừng, Giám đốc Công ty CP Xe lửa Gia Lâm cho rằng, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp có ảnh hưởng tới yếu tố môi trường, cảnh quan đô thị chung của thành phố là quan điểm và chủ trương đúng đắn.

Trước chủ trương này của HĐND TP. Hà Nội, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đặng Sỹ Mạnh cho biết, tổng công ty sẽ tiếp tục báo cáo các cơ quan chức năng, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc giữ lại và phát triển Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là cơ sở công nghiệp chủ đạo của ngành đường sắt.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN cũng đã có kiến nghị UBND, HĐND TP. Hà Nội xem xét thấu đáo về tính pháp lý và thực tiễn quản lý, sử dụng đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ; Không thực hiện di dời để phù hợp với “Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên đối với một cơ sở công nghiệp đường sắt lớn như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cần cân nhắc kĩ vấn đề này vì không chỉ đáp ứng nhu cầu sửa chữa, chế tạo đầu máy, toa xe, các sản phẩm cơ khí phục vụ hoạt động vận tải đường sắt, hạ tầng đường sắt hiện có mà còn vì sự phát triển ngành đường sắt trong tương lai.

Ông Lừng cho biết, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được người Pháp xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1905. Năm 1954 hòa bình lập lại, nhà máy về tay chính quyền cách mạng. Năm 1970 được Chính phủ đầu tư xây dựng lại, kinh phí do chính phủ Ba Lan viện trợ. Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành một cơ sở công nghiệp cơ khí lớn không chỉ của ngành đường sắt mà là của ngành công nghiệp Việt Nam.

Thời kỳ đổi mới, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cùng với Nhà máy Xe lửa Dĩ An (Bình Dương) tiếp tục là hai đơn vị công nghiệp đường sắt lớn nhất, đáp ứng nhu cầu đóng mới, chế tạo, lắp ráp đầu máy, toa xe và nhiều sản phẩm cơ khí khác. Trong đó, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã chế tạo mới nhiều toa xe khách cao cấp và các toa xe hàng; Sửa chữa lớn và cải tạo nâng cấp nhiều toa xe khách, toa xe hàng. Đặc biệt đã chế tạo, lắp ráp 40 đầu máy D19E công suất lớn, hiện đang là sức kéo chủ lực cho vận tải đường sắt.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 2/2016, do Tổng công ty Đường sắt VN nắm giữ 77,37% vốn điều lệ đến nay. Do đó, công ty vẫn do Nhà nước giữ tỷ lệ vốn chi phối.

Cần sách lược cụ thể để ổn định, phát triển lâu dài

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Trọng Lừng cho biết, thời điểm hiện tại số lượng CBCNV công ty còn lại gần 200 CBCNV, công việc thực tế trong ngành ít, đặc biệt thời gian vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công suất sử dụng chiếm khoảng 10% so với công xuất hiện có.

img

Đóng mới toa xe tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Ban lãnh đạo công ty cũng đã nỗ lực tìm kiếm các công việc ngoài ngành, tuy nhiên để cạnh tranh được với bên ngoài thì việc đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại là hết sức cần thiết nhưng với tình hình tài chính hiện tại thì ngoài khả năng cho phép.

Trong khi đó, cơ cấu nhà xưởng, máy móc thiết bị thiết kế để chế tạo đầu máy, toa xe từ những thập kỷ 80 với kỳ vọng là đóng mới gần 1.200 toa xe, sửa chữa hơn 120 đầu máy và 600 toa xe/năm, nhưng hiện đã xuống cấp ngày càng nhanh do không được đầu tư tương xứng.

Để thực hiện các công trình đóng mới với những mác tàu hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, công ty đã phải liên kết với đơn vị bên ngoài, đáp ứng các yếu tố công nghệ chế tạo. Mục tiêu hướng tới trong tương lai gần là cơ sở phục vụ việc sửa chữa các cấp đoàn tàu nội đô đang vận hành hiện nay.

Mặt khác, lâu nay các thông tin di dời nhà máy và các chủ trương khác của UBND quận Long Biên, TP. Hà Nội đã phần nào gây hoang mang cho CBCNV-NLĐ công ty. Bên cạnh những khó khăn về công việc, thu nhập cộng với những thông tin không chính thống về việc ổn định lâu dài của nhà máy đã làm mất đi những người thợ tâm huyết. Việc đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất lâu dài cũng không còn nữa.

“Đối với chủ trương di dời lần này, Công ty CP Xe lửa Gia Lâm cho rằng, để xây dựng nên một nhà máy sản xuất công nghiệp hiện đại, có vị trí địa lý phù hợp là một bài toán tốn kém và lâu dài. Hơn nữa, phát triển công nghiệp đường sắt, nâng tầm hiện đại đối với hệ thống đường sắt quốc gia, bên cạnh yếu tố công nghệ, thì con người là yếu tố rất quan trọng.

Do đó, để ổn định sản xuất và không gây hoang mang cho người lao động, trường hợp di dời cần phải có một sách lược cụ thể hơn nữa về định hướng tương lai lâu dài cho Xe lửa Gia Lâm.

Trường hợp không di dời, Chính phủ và ngành cần có chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và định hướng sản phẩm cụ thể trong tương lai gần. Có chính sách hợp lý đối với việc khai thác tài nguyên đất và tài sản trên đất, tránh lãng phí, có thông tư hướng dẫn cụ thể để Luật Đường sắt năm 2017 đi vào thực tế.

Đồng thời có chính sách hợp lý trong đào tạo và quyền lợi để người lao động gắn bó với nghề, phục vụ chiến lược lâu dài của ngành.”, Giám đốc Đỗ Trọng Lừng nói.

“Đối với Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm sẽ nghiên cứu phương án kết nối phù hợp với đường sắt quốc gia.

Với ưu thế về cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang thiết bị và trình độ cán bộ, công nhân viên, Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm thực hiện đóng mới các loại toa xe khách, toa xe hàng, chế tạo các sản phẩm cấu kiện, lắp ráp các loại đầu máy diesel, tiến tới sẽ lắp ráp các loại đầu máy điện... với mục tiêu sản xuất phụ tùng thay thế với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 60% - 80%.

Về dài hạn sẽ phát triển thành một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lớn đường sắt.”, trích Định hướng phát triển các cơ sở công nghiệp đường sắt theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.