Chuyện dọc đường

“Xe mù” và nhức nhối những phận người

16/03/2021, 07:29

Xử lý, trừng phạt, chế tài không khó. Khó nhất là hỗ trợ người yếm thế có một cuộc sống tử tế, đàng hoàng, lương thiện.

img

CSGT TP.HCM thu giữ một chiếc xe cũ nát ngày 15/3

TP.HCM và một số địa phương đang ra quân xử lý “xe mù”, xe cà tàng, xe rách nát… Việc này là đúng. Nhưng nhìn cảnh những người chở hàng thuê mếu máo khi bị bắt giữ không khỏi chạnh lòng.

Ai là những người mưu sinh trên chiếc xe rách nát, kém an toàn giao thông ấy? Đều là những người rất nghèo, chạy ăn từng bữa. Người thì nuôi cha mẹ già. Người thì nuôi vợ con, chồng con bệnh tật.

Tiền học phí, viện phí, tiền chạy chợ… lúc nào cũng đuổi sát sau lưng. Nhiều người trong số họ, ngưng một bữa làm là đói một bữa ăn cho cả nhà.

Chia sẻ, cảm thông nhưng không có nghĩa là du di để những người khốn khổ ấy được tiếp tục mưu sinh trên những chiếc xe hiểm hoạ.

Tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hơn ai hết - chính những người lái xe ấy, lại trở thành nạn nhân, lại trở thành gánh nặng cho chính gia đình họ, cho xã hội bất cứ lúc nào.

Xử phạt, ngăn chặn “xe mù”, xe rách nát chính là phòng ngừa, ngăn chặn hậu hoạ có thể xảy ra với chính những người nghèo đang điều khiển xe.

Những cán bộ, chiến sĩ CSGT được giao nhiệm vụ xử phạt cũng chia sẻ với hoàn cảnh của người nghèo nhưng vì nhiệm vụ, vì sự an toàn của người dân và xã hội, họ vẫn nghiêm túc thực thi trách nhiệm. Không còn cách nào khác.

Làm sao để loại trừ vấn nạn người nghèo mưu sinh trên những chiếc xe “tử thần” mà vẫn bảo đảm cho họ có công ăn việc làm, được quyền mưu sinh, được quyền có việc làm nuôi sống bản thân và gia đình là một vấn đề xã hội lớn. Bởi đa số họ nghèo, ít học, không có nghề nghiệp.

Nhà nước từng có nhiều chương trình đào tạo nghề, cho vay tạo việc làm cho người dân - nhất là dân nghèo.

Những chương trình đó thể hiện tính ưu việt của nhà nước do dân, vì dân. Tuy không phải chương trình nào cũng thành công nhưng ít nhiều đã giải quyết được những phương trình của bài toán lớn, khó và lâu dài.

Trợ vốn, tạo việc làm cho người nghèo trên diện rộng có thể là bài toán khó. Nhưng nếu tập trung vào từng đối tượng, hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề theo cách “cuốn chiếu”.

Ví dụ, có thể trợ vốn hoặc cho mua xe gắn máy mới trả góp mức ưu đãi với người chạy “xe mù”, xe rách nát.

Nhà nước với vai trò “bà đỡ”, nếu chưa đủ lực thì có thể vận động các tổ chức xã hội, mạnh thường quân cùng hỗ trợ cho người hành nghề chạy xe chở hàng được mua xe trả góp, mua xe mới giá rẻ.

Mỗi chiếc xe máy đủ điều kiện lưu hành hiện nay giá trên dưới 10 triệu đồng. Làm chưa rộng khắp toàn thành phố, toàn tỉnh thì có thể làm thí điểm ở từng phường, từng quận rồi dần dà nhân rộng ra.

Bớt một chiếc “xe mù”, thêm một chiếc xe mới là thêm một gia đình an toàn, có cơm ăn áo mặc.

Người nghèo là vấn đề xã hội lớn. Vấn đề xã hội lớn đôi khi được giải quyết bằng những việc rất nhỏ, ví như hỗ trợ chiếc xe máy 10 triệu đồng cho một người.

Xử lý, trừng phạt, chế tài không khó. Khó nhất là hỗ trợ người yếm thế có một cuộc sống tử tế, đàng hoàng, lương thiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.