Lối sống

Xe ngựa, ngựa đua Sài Gòn xưa

02/02/2017, 18:14

Sài Gòn có đường Mã Lộ - nghĩa là đường ngựa. Đường nằm ở quận 1, đường không dài chỉ hơn 100m...

64

Xe ngựa trên đường phố Sài Gòn xưa

Sài Gòn có đường Mã Lộ - nghĩa là đường ngựa. Đường nằm ở quận 1, đường không dài chỉ hơn 100m - bên hông chợ Tân Định, thuộc phường Tân Định từ đường Nguyễn Hữu Cầu đến Lê Chân - đường này xưa kia xe ngựa hay đậu để đón khách. Xưa Sài Gòn có nhiều cơ sở nuôi ngựa, quy mô hơn cả là nông trại Ô Ma nằm ở đường Nguyễn Trãi gặp đường Cống Quỳnh bây giờ. Nơi đây thường nuôi ngựa giống cung cấp cho lục tỉnh, vì ngựa này là ngựa Ả Rập và ngựa Philippines quen khí hậu Sài Gòn. Nó được thành lập từ năm 1864, cách đây 150 năm. Trước thế kỷ XX, nơi đây dân quen gọi là Sở nuôi ngựa (Tư liệu của Hoàng Nghĩa).

Vào đầu thế kỷ XIX, Sài Gòn có xe ngựa mới gọi là xe “kiếng”, vì cửa bằng kính để che mưa gió. Loại này nhập từ Malaysia, do người Mã Lai cầm cương nên người Pháp gọi là “voiture malabare”. Sau xe “kiếng” là xe thổ mộ - vì nó có mui tròn giống một ngôi mộ bằng đất. Người có tiền đi xe “kiếng”, quý tộc nhà giàu đi xe mây một ngựa kéo hoặc xe hai ngựa kéo kiểu từ Pháp nhập vào. Người Mã Lai sang ta rất sớm điều khiển xe ngựa gọi là “xà ích” (tiếng Mã Lai) sống quanh quẩn khu vực chợ Bến Thành.

Xe hai bánh và bốn bánh ngựa kéo là thứ xe sang trọng được sử dụng bấy giờ trước khi có ô tô. Hàng ngày, xuất phát từ Nguyễn Trãi có đến 700 đến 1.000 chuyến (tài liệu trong hồ sơ 1879). Sau Cách mạng tháng Tám, số lượng xe ngựa vẫn hàng nghìn chiếc.

Nói đến ngựa, xe ngựa phải nói đến chuyện đua. Vào những năm 1893 - 1898 khi miền lục tỉnh chưa ổn định, quân Pháp chưa chiếm hết 3 tỉnh miền Tây Nam bộ, một nhóm người Pháp lập hội đua ngựa và một trường đua thô sơ gần đường Lê Văn Duyệt sau này là Cách mạng tháng Tám. Cuộc đua thường có các quan tây, ta tham dự. Quan tây cưỡi ngựa, quan ta khiêng võng hoặc kiệu đến dự, có cả đua ngựa nhà binh với chiến mã vóc dáng to hơn.

Trò đua ngựa dân Sài thành rất say mê, có thú đỏ đen. Mỗi năm đến hàng trăm cuộc đua, nhiều gia đình tán gia bại sản. Trường đua ngựa nổi tiếng là 18 thôn vườn trầu - Hóc Môn.

Mùa xuân 1932, một người Pháp mua một khu đất ở Phú Thọ (quận 11 bây giờ) rộng 35ha xây dựng trường đua mới, khánh thành năm 1936. Từ đó, cuộc đua chính quy (theo luật đua ngựa từ Pháp) các ngày lễ, ngày chủ nhật các cuộc đua được tổ chức theo điều lệ châu Âu. Từ đó, môn đua ngựa phát triển mạnh, không ít người thời đó “bị ngựa đá” do thua “cá cược” dính vòng lao lý. Sau năm 1954, trường đua được ông Bùi Duy Tiên - người Việt mua lại. Đầu năm 1975, ta cho ngưng và 1989 mở cửa lại với tên mới “Câu lạc bộ đua ngựa Phú Thọ”. Đến nay, trường đua Phú Thọ là trường đua ngựa duy nhất còn hoạt động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.