Xã hội

Xe ôm công nghệ không phải là đối tác vì phải theo “luật chơi” của hãng xe

16/04/2021, 20:33

Theo chuyên gia, giao kết hợp đồng giữa xe ôm công nghệ với các ứng dụng gọi xe bản chất là quan hệ lao động chứ không phải "đối tác"!

img

Các chuyên gia lập pháp cho rằng, xe ôm công nghệ đã bị bỏ sót tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử

Tại hội thảo về mô hình kinh tế chia sẻ, mộ số vấn đề pháp lý đặt ra, ngày 16/4, bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, cho biết:

“Mới đây, khi được mời tham vấn cho Dự thảo sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, của Bộ Công Thương, tôi rất ngạc nhiên khi đối tượng xe ôm công nghệ đã bị bỏ sót. Khi được hỏi lại thì thành viên trong ban soạn thảo cho biết chưa tính đến”.

Theo bà Hoa, thực tế tài xế xe ôm công nghệ đang hoạt động theo các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam lên tới hàng triệu người.

“Xe ôm trước đây là loại hình kinh doanh tự phát, nhưng giờ đây khi loại hình vận tải công nghệ đã được công nhận, phải có đăng ký kinh doanh…rõ ràng đã hoạt động theo mô hình công ty. Thế nhưng tới nay, xe ôm công nghệ lại bị bỏ lửng, không ai quản lý và cũng không ai chịu trách nhiệm”, bà Hoa đặt vấn đề.

Nói về quyền lợi của người lao động, ông Phạm Huy Tú, Viện Khoa học Lao động và Xã hôi, thừa nhận tài xế xe ôm đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

“Hàng trăm nghìn tài xế chạy Grab hầu như không ai được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong khi đây là nghề nguy hiểm, thường xuyên đối diện rủi ro trên đường. Ngoài ra, nhiều tài xế thừa nhận họ thường xuyên phải làm việc quá sức để chạy theo các “cuốc” xe, bởi nếu hủy một vài lần sẽ bị hãng khóa tài khoản, không rút được tiền. Chính điều này gây ảnh hưởng tới sức khỏe tài xế cũng như rủi ro cho khách hàng”, ông Tú dẫn giải.

Phản hồi lại quan điểm Grab và các ứng dụng xe công nghệ khác luôn coi quan hệ với tài xế là “đối tác”, không phải quan hệ lao động tại doanh nghiệp, ông Tú phân tích: “Thực tế, một bên có quyền đưa ra mức chiết khấu, kiểm soát gần như toàn bộ mọi thứ trong giao dịch từ khách hàng đến tuyến đường; nắm quyền thưởng, phạt đối với “đối tác” của mình. Còn bên kia chỉ có quyền phải chấp nhận hoặc nếu không thì “rời cuộc chơi”. Như vậy mối quan hệ giữa 2 bên là không bình đẳng không phải là mối quan hệ đối tác”.

Theo ông Tú, một điểm mới nổi bật của Bộ Luật Lao động 2019 là các bên giao kết hợp đồng với tên gọi khác nhưng nội dung thể hiện bản chất của hợp đồng lao động thì vẫn được xem là hợp đồng lao động và chịu sự điều chỉnh của Luật.

"Quy định này nhằm mục đích đưa những quan hệ giả cách khác mang bản chất của quan hệ lao động trở về với pháp luật vốn lẽ phải được áp dụng điều chỉnh.

Tuy nhiên Luật Lao động cũng có tiêu chí xác định quan hệ lao động qua việc trả lương trực tiếp, song thu nhập thực tế của tài xế xe ôm công nghệ lại được trả vào ví điện tử.

Do đó cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần ban hành hướng dẫn cụ thể mới riêng biệt cho những người lao động làm việc trên nền tảng công nghệ cao, để giải quyết tình trạng mập mờ, không hẳn là hợp đồng hợp tác kinh doanh và cũng chưa phải hợp đồng lao động như câu chuyện giữa Grab và tài xế hiện nay", ông Tú chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.