Vận tải

Xe quá tải chỉ còn 10% nhưng xóa cực khó

23/03/2016, 14:30

Theo ông Huyện, với nhiều biện pháp quyết liệt, vi phạm xe quá tải đã giảm đến 90% nhưng 10% còn lại khó xoá.

Xe chở đá cao ngút thùng hàng chạy trên QL6 (qua H
Xe chở đá "có ngọn" chạy trên QL6 (qua Hòa Bình). Ảnh: Thiện Anh

Ngày 22/3, tại Hội nghị sơ kết công tác ATGT và kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) 25 tỉnh phía Bắc, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho rằng, công tác KSTTX vẫn còn rất nhiều cam go, phải làm quyết liệt hơn.

Phát sinh nhiều bất cập

Theo ông Huyện, với nhiều biện pháp quyết liệt, vi phạm xe quá tải đã giảm đến 90%. Số lượng xe quá tải chỉ còn trên dưới 10% nhưng số còn lại là các xe chạy nội tỉnh, mỏ đất đá, nhỏ lẻ, cố tình chạy quá tải. Có doanh nghiệp vài tháng trước chấp hành rất tốt nhưng thấy lực lượng chức năng chùng xuống liền hàn lại thùng để chạy quá tải. Vì thế, cuộc đấu tranh còn rất phức tạp, gay go. Trong năm 2016, phải quyết tâm hơn nữa, tiến tới phải xóa được “văn hóa quá tải”, ông Huyện yêu cầu.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân cấp thực hiện KSTTX giữa các lực lượng chức năng chưa rõ ràng. Phó Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc Đào Văn Minh cho biết: “Đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể ai chịu trách nhiệm kiểm soát trên tuyến nào. Xe quá tải trên những đường do Cục QLĐB quản lý thì ai xử lý? Tại sao địa phương lại phải chịu trách nhiệm?”.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên cũng cho biết, để xác định và xử lý được một xe quá tải không hề đơn giản. Vì vậy, đề nghị khi phát hiện được các trường hợp vi phạm, cần có sự phối hợp của nhiều lực lượng, kể cả công an huyện, tỉnh.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT Hải Phòng cho biết, do xử lý mạnh xe quá tải nên trong năm 2015, số lượng xe đầu kéo trên địa bàn tăng đến 4 lần. Vấn đề còn tồn tại là công tác phối hợp giữa các lực lượng TTGT và CSGT. Vì thế cần có sự phân cấp rõ ràng để không chồng chéo khi thực thi nhiệm vụ.

Ở một khía cạnh khác, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong công tác KSTTX đã yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết không chở hàng quá tải nhưng lại chưa thực hiện việc hậu kiểm. “Tôi có dự chương trình ký cam kết của các doanh nghiệp ở một số địa phương được tổ chức rất hoành tráng nhưng sau đó lại không có số liệu có bao nhiêu doanh nghiệp ký cam kết chấp hành không vi phạm?”.

Tập trung xử lý vi phạm tại nguồn hàng

Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, vẫn còn vướng mắc trong công tác KSTTX, nhất là những bất cập trong phân công, phân nhiệm giữa các cấp, ngành. Kể cả trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng có những vấn đề cần khắc phục. Việc đầu tư trang thiết bị, chế độ, chính sách đối với lực lượng TTGT khi làm nhiệm vụ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng, cần nâng cao công tác tham mưu, chỉ đạo. Các đơn vị trực tiếp phải chủ động, quyết liệt hơn nữa. Cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm kích thước thành thùng hàng. Trường hợp bị phát hiện lắp lại thành thùng thì phải lập biên bản, xử lý hành chính.

Theo ông Dũng, Bộ GTVT đã thống nhất giao toàn bộ trách nhiệm việc kiểm soát, dừng xe, lập biên bản tại trạm cân cho lực lượng CSGT. Nhưng quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm nên lực lượng CSGT phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hiệu quả công tác KSTTX trên tuyến. Đối với lực lượng TTGT chỉ khi thực sự cần thiết mới tham gia phát hiện, xử lý và tập trung tại các chân hàng, nguồn hàng.

Cần phải hậu kiểm việc doanh nghiệp ký cam kết không chở quá tải và thông báo cho địa phương biết. Nếu thấy địa phương nào không có chuyển biến, cần phải “hỏi thăm sức khỏe” đối với lực lượng tại địa phương đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.