Vận tải

Xe trá hình lại lộng hành vượt chốt y tế, chở khách Đà Nẵng ra Huế

Mặc Huế quy định kiểm soát người từ Đà Nẵng ra, hàng loạt xe trá hình vẫn lộng hành, vô tư chở khách không khai báo y tế ra Huế.

img
Lực lượng chức năng kiểm tra chiếc "xe hợp đồng - xe du lịch" BKS 43B - 042.23

Vô tư chở khách trá hình, vượt chốt khai báo y tế

Nhiều ngày làm khách trên chuyến xe trá hình tuyến Đà Nẵng - Huế, PV ghi nhận hoạt động loại xe này đang nở rộ ngay trong cao điểm kiểm soát dịch Covid-19. Mặc Huế ra quy định siết người từ Đà Nẵng về, xe trá hình ngang nhiên rao thông tin nhận khách trên mạng xã hội Facebook, bày cách qua chốt kiểm soát y tế để ra vào Huế dễ dàng...

Trưa 14/9, từ số điện thoại đăng tải trên mạng, PV điện thoại và được phía đầu dây hướng dẫn chờ đón xe BKS 43B-042.23. Hơn 12h cùng ngày (14/9), tài xế xe 43B-042.23 đón khách trung tâm Đà Nẵng rồi trực chỉ chạy thẳng về phía hầm Hải Vân. Lúc này trên xe 10 chỗ đã đầy ghế ngồi. Chiếc xe cứ thế vô tư qua hầm Hải Vân, gặp chốt khai bao y tế tại khu vực Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), anh tài xế dặn hành khách an tâm, rồi mở cửa chạy lại chốt khai báo. Chừng 2-3 phút mọi việc đã hoàn thành. Quan sát của PV, không hề có bất kỳ nhân viên y tế hay cơ quan chức năng nào lên kiểm đếm người trên xe, hay đối chiếu danh sách, lấy lời khai y tế.

Thấy bất thường, chúng tôi điện báo Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT, Công an Thừa Thiên-Huế) để tổ chức Tổ TTKS đón lõng, xử lý phương tiện. Khoảng 13h ngày 14/9, Đại úy Trần Hải Dương, Trạm trưởng trạm CSGT Phú Lộc chỉ đạo tổ TTKS, đón lõng xe 43B-042.23 khi vừa lưu thông đến Km 882+700 QL1, thuộc địa phận xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc).

Kết quả kiểm tra cho thấy, xe Limousine BKS 43B - 042.23 phù hiệu hợp đồng du lịch nhưng tài xế Trần Xuân Phúc (SN 1990, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) gom khách lẻ, chở hành khách không có tên trong hợp đồng...

img
Xe trá hình vô tư rao đón khách, hàng từ Huế - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Huế trên mạng xã hội facebook, bất chấp quy định kiểm soát y tế của Huế.

"Xe hợp đồng nhưng lại thiếu thông tin về hành khách, vi phạm quy định điều kiện xe hợp đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 của Huế, những xe này không hiểu sao vẫn qua các chốt khai báo y tế khi cần có thông tin, lịch trình của khách. Đơn vị báo cáo vụ việc lên ngành chức năng, y tế để tiếp tục các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm", lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc nói.

Tỉnh quy định chặt, “xe hợp đồng” vẫn ung dung… lách chốt

Tương tự, nhiều ngày qua, PV đi trên xe hợp đồng 7 chỗ BKS 75 (Thừa Thiên- Huế), 43 (Đà Nẵng)... vô tư nhận khách chở từ Đà Nẵng ra Huế. Nhiều nhà xe hướng dẫn hành khách trên xe phải qua xe trung chuyển nếu chốt kiểm soát y tế làm gắt, hoặc bày cách xuống dọc đường để không bị cách ly khi đến TP.Huế.

Vấn nạn xe trá hình không chỉ làm mất trật tự vận tải, bất bình đẳng kinh doanh vận tải hành khách mà còn tiềm ẩn nhiều mối họa phòng chống dịch Covid-19 trong cộng động. Ngay đầu mùa dịch bùng phát lần này, dù bị cấm hoạt động nhưng nhiều vụ xe trá hình vô tư chở khách từ Đà Nẵng ra Huế. Đến ngày 7/9 vừa qua, khi Bộ GTVT khôi phục hoạt động vận tải đi/đến Đà Nẵng, xe trá hình tiếp tục hoạt động rầm rộ, chở khách qua chốt kiểm soát y tế, không tuân thủ quy định xét nghiệm, cách ly tập trung của Huế...

img
Hành lý hành khách phía sau xe

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc chở khách từ Đà Nẵng ra Huế không khai báo y tế, cách ly tập trung là sai quy định. Với quy định hiện hành của Thừa Thiên - Huế, khi công dân từ Đà Nẵng ra Huế phải đăng ký khai báo y tế qua mạng. Nếu được phê duyệt, các công dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi đến các chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thời gian lưu trú tại Thừa Thiên - Huế tối đa là đến thời điểm hết hạn 72 giờ tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Trường hợp nếu công dân có nhu cầu cấp thiết muốn tiếp tục ở lại tỉnh Thừa Thiên - Huế thì phải tiếp tục lấy lại mẫu để xét nghiệm chậm nhất 12 giờ trước khi kết thúc thời hạn 72 giờ của lần xét nghiệm PCR trước đó; kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm công dân chịu trách nhiệm chi trả; đồng thời công dân phải đăng ký lại tại địa chỉ trên.

img
Lực lượng chức năng làm việc với tài xế, nhà xe 43B - 042.23

Quy định chặt chẽ là vậy, tuy nhiên, không ít trường hợp xe trá hình vẫn vô tư chở khách từ Đà Nẵng ra Huế không đảm bảo quy định khai báo y tế, ngang nhiên vượt chốt trạm y tế để trốn cách ly tập trung.

Đại diện Đội xe buýt Huế cho hay, thực hiện quy định của địa phương, xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại phải tiếp tục ngưng hoạt động, nhưng các xe hợp đồng, taxi vẫn được chạy... Điều này khiến vấn nạn xe trá hình trên tuyến càng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan Covid-19 trong cộng đồng, do các xe trá hình không tuân thủ quy định về danh sách hành khách, lịch trình, khai báo y tế...

Khi nào Thừa Thiên - Huế dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Đà Nẵng?

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 14/9, tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả trong thời gian qua, sẽ dỡ bỏ giãn cách đối với những địa phương qua 28 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, người từ Đà Nẵng dự kiến sau ngày 24/9 và người từ Hải Dương sau 30/9 nếu các địa phương này không phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 mới. Các chốt kiểm soát y tế, kiểm tra liên ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác chốt chặn cho đến khi có thông báo mới.

Quy định là vậy, nhưng thực tế các chốt kiểm soát y tế của Huế còn lỏng lẻo, để lọt hàng loạt xe trá hình vô tư chở khách từ Đà Nẵng ra Huế, không cần đăng ký khai báo y tế, cách ly tập trung...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.