Xã hội

Xét nghiệm Covid-19: Nên quy định theo tỷ lệ tiêm chủng

Những ngày gần đây, nhiều tỉnh vẫn yêu cầu có xét nghiệm Covid-19 âm tính mới được “mở cửa” đón người tỉnh ngoài, trái hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việc này được dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều bạn đọc gửi tin nhắn, bình luận, email về đường dây nóng của Báo Giao thông chia sẻ bức xúc cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ.

img

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM

Bạn đọc Huy Quang (Thái Bình) viết: “Địa phương được quyền công bố cấp độ dịch nhưng lại không bị áp ngày phải công bố. Tỉnh công bố trước, tỉnh công bố sau. Tỉnh chưa công bố cấp độ thì cơ bản vẫn “đóng cửa”. Có trường hợp, sáng xe chở khách vào tỉnh vùng xanh nhưng trưa lại thấy cập nhật đó là tỉnh vùng vàng nên khi quay về bị cách ly. Rất rối. Đề nghị Chính phủ yêu cầu các tỉnh, huyện, xã phải đồng loạt công bố cấp độ dịch, có như vậy giao thông mới “thông” được”.

Bạn đọc Hà Quốc Thắng (Hải Phòng) chia sẻ: “Nhiều người phản ứng Hải Phòng, Lào Cai… chậm mở cửa, chỉ cho người có xét nghiệm âm tính vào tỉnh. Nhưng tôi lại ủng hộ tỉnh mình làm chặt, khi tiêm chủng chưa hết mũi 1 đã bỏ kiểm soát nguồn khách bên ngoài vào thì thành quả dễ “trôi sông, trôi biển” lắm. Đề nghị Bộ Y tế bổ sung thêm quy định với các tỉnh chưa tiêm phủ hết mũi 1 thì vẫn xét nghiệm Covid-19 khi đi lại”.

Bạn đọc Minh Tuyên (Thanh Hóa) đồng tình: “Thanh Hóa mới có khoảng 40% số người trong độ tuổi được tiêm mũi 1. Giờ cũng mở toang như Hà Nội, TP.HCM đã tiêm hơn 30% mũi 2 thì nguy cơ rất cao. Ai cũng muốn một cuộc sống “bình thường mới” nhưng mở cửa phải căn cứ thực lực từng địa phương. Chỉ khi có căn cứ, số liệu thực tế, các tỉnh mới yên tâm nới lỏng biện pháp giãn cách”.

Bạn đọc Minh Duyên (Nam Định) viết: Theo thông tin công bố trên Cổng Thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia, đến ngày 21/10, còn nhiều tỉnh có tỷ lệ tiêm rất thấp. Đắc Lắk (28,5%), Gia Lai (36%), Nam Định (33,41%) Thái Bình (41%)… Nếu các tỉnh này cùng thực hiện một điều kiện xét nghiệm như các tỉnh đã tiêm đủ 100% mũi 1 thì sẽ chịu rủi ro lây lan dịch bệnh cao hơn.

Bạn đọc Hữu Sơn (Hà Nội) bày tỏ: “Ngay cả việc cho trẻ em đi học lại, cũng cần căn cứ khoa học, ví dụ, nếu tỷ lệ trẻ em bị lây nhiễm lên tới 30-50% thậm chí cao hơn thì số giường bệnh có đủ không? Ở Thủ đô tỷ lệ tiêm phủ mũi 2 rất cao thì hệ thống y tế đáp ứng được nhưng các tỉnh thấp hơn thì thế nào? Tất cả đều phải được tính toán phương án dựa trên con số thực tế mới tránh được các quyết định sai lầm khi chống dịch”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.