Làm báo cùng Giao thông

Xét xử lưu động giống đấu tố?

02/02/2018, 08:25

Bài viết "Kiến nghị dừng các phiên tòa xét xử lưu động” nhận được nhiều bình luận từ bạn đọc...

xet-xu-luu-dong

Một phiên xét xử lưu động tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Dân trí

Bạn đọc Lý Khánh Minh (Hải Dương) viết: “Tôi thấy tâm phục ý kiến của Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Ông nói các phiên xét xử lưu động lâu nay có tác dụng giáo dục pháp luật cho nhân dân và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay, công nghệ thông tin và báo chí đã rất phát triển. Khi tòa án tối cao công khai bản án trên mạng, người dân có thể dễ dàng tiếp cận vụ án và có tác dụng tuyên truyền”. Việc Tòa án nhân dân tối cao đã báo cáo Thường vụ Quốc hội tổng kết lại hoạt động này và đề xuất tiến tới không tổ chức phiên tòa lưu động là hợp lý, văn minh, bạn Minh nhấn mạnh.

Bạn đọc Hòa An (Cà Mau) lại phản bác: “Có những vụ án rất cần có đông người chứng kiến theo dõi để qua đó tăng hiệu quả răn đe. Những vụ ném đá vào tàu, xe đang chạy gây hậu quả nghiêm trọng nếu được xử ngay tại địa phương sẽ khiến nhiều gia đình, thanh thiếu niên tỉnh ngộ ra và sẽ không còn tái diễn các vụ việc tương tự”.

Tuy nhiên, ý kiến này lập tức nhận được nhiều bình luận phản ứng mạnh mẽ. Bạn đọc Minh Anh (Hà Nội) phân tích: “Xét xử lưu động rất khó đảm bảo trật tự trị an ở địa phương. Nếu là tội ác dã man có thể gây kích động. Nếu bị can đang bị xét xử tội giết người, ai biết được những người có thân nhân bị mất sẽ không phản ứng thái quá. Kinh phí để đảm bảo những điều này không xảy ra là rất lớn và không cần thiết”.

Bạn đọc Huỳnh Mỹ Nhơn (TP.HCM) cho rằng: “Xét xử lưu động không khác gì đấu tố. Nếu tòa sơ thẩm xử sai tuyên có tội, đến tòa phúc thẩm tuyên vô tội thì những gì bị can phải chịu khi xét xử công khai không có cách gì bù đắp được. Giữa một biển người, họ đã hứng chịu đủ lời miệt thị, ném đá, chửi bới, gia đình họ đã mất hết danh dự”.

“Nói cần xử trước đông đảo nhân dân để tăng sức răn đe là quan điểm hết sức lạc hậu. Không thể mang tòa án với đầy đủ chánh án, thẩm phán, công tố viên, luật sư đi khắp các tỉnh, thành xử án để người dân hiểu luật. Nếu cần răn đe, chỉ cần xử thật công minh, ghi hình và truyền thông thật tốt. Vấn đề ở đây là ngành Tư pháp cũng cần thay đổi cách truyền thông. Hãy cung cấp thông tin đến người dân toàn diện nhất, nhanh nhất, sâu sắc và ấn tượng, hãy mở rộng cánh cửa đón báo chí vào tường thuật, giám sát và đưa tin quá trình xét xử. Điều đó mới mang lại hiệu quả lâu dài”, bạn Quốc An (Đà Nẵng) viết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.