Pháp đình

Xét xử vụ xe Innova đi lùi trên cao tốc: Cả 2 tài xế đều có lỗi?

05/06/2020, 08:36

​​​​​​​Đại diện VKS khẳng định trong vụ án xe container đâm Innova đi lùi trên cao tốc, cả 2 tài xế cùng có lỗi nhưng mức độ lỗi là khác nhau.

img
​Hai bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh NT.​

Tài xế container đề nghị làm rõ nhiều căn cứ buộc tội

Chiều qua (4/6), tại phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với Lê Ngọc Hoàng (tên gọi khác là Vũ Văn Hoàng, SN 1985, trú tại Thái Bình, tài xế container) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” tiếp tục phần tranh luận.

Theo cáo buộc bản án sơ thẩm, Hoàng đã không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối thiểu khi phát hiện xe Innova do bị cáo Ngô Văn Sơn (SN 1978, ở Bắc Ninh) điều khiển, đang bật đèn cảnh báo nguy hiểm.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Hoàng đề nghị đại diện VKS nêu ra căn cứ chứng minh xe Innova ở cùng làn trên cao tốc với xe container do mình điều khiển.

“Xe Innova không cùng làn. Khi bị cáo phát hiện thấy chiếc xe này thì nó đang ở sát làn tôn bên đường. Nếu xe Innova chỉ lùi ở làn đường dừng đỗ và xe của bị cáo vẫn tiếp tục đi thẳng thì 2 bên vẫn cách nhau khoảng 70 phân, không thể xảy ra va chạm”, bị cáo Hoàng lập luận.

Theo tài xế này, hiện trường vụ tai nạn cho thấy vết phanh của xe container nằm song song với vạch sơn kẻ đường, vạch tôn sóng.

Trước thời điểm vụ tai nạn xảy ra, không có bằng chứng nào chứng minh bị cáo Sơn đang bật đèn xe ô tô cảnh báo màu vàng.

“Trong khi đó, để cảnh báo nguy hiểm, ngoài việc tài xế phải bật đèn cảnh báo thì phải đặt thêm biển báo ở cùng làn đường, cách 100 m. Thậm chí còn phải có thêm người đứng báo hiệu để các tài xế khác biết” - tài xế Hoàng nói.

Về cáo buộc khi phát hiện cùng làn đường có xe Innova ở khoảng cách 70m nhưng không phanh xe giảm tốc độ, bị cáo Hoàng đề nghị đại diện VKS đưa ra căn cứ để kết luận.

“Thiết bị giám sát hành trình bị mất tín hiệu trong khoảng thời gian 53 giây. Vụ tai nạn xảy ra chưa đầy 10 giây. Vậy các cơ quan tố tụng căn cứ vào đâu để kết luận bị cáo không giảm phanh xe trước khi xảy ra va chạm”, bị cáo Hoàng cho hay.

Cả 2 bị cáo đều có lỗi nhưng tài xế container “lỗi ít hơn”

Nêu quan điểm bào chữa cho tài xế container, luật sư Nguyễn Thiện Hiệp cho rằng, để làm rõ vụ án, các cơ quan tố tụng cần chứng minh, làm rõ bị cáo Sơn đã đi lùi với vận tốc bao nhiêu km/h; đã lùi được khoảng cách bao nhiêu mét thì xảy ra va chạm; lùi chếch theo hướng như thế nào…?

Còn luật sư Giang Hồng Thanh, đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội quy định tốc độ tối đa 100 km/h, tối thiểu 60 km/h. Trước khi xảy ra va chạm, bị cáo Hoàng di chuyển ở tốc độ 62 km/h là đúng quy định.

“Việc đại diện VKS cáo buộc Hoàng gặp biển báo "đi chậm" phải giảm tốc độ xuống 60 km/h là không đúng. Biển báo "đi chậm" chỉ có hiệu lực với phương tiện rời khỏi cao tốc để rẽ vào nút giao” - luật sư Thanh nói và nêu quan điểm biển báo này không có hiệu lực vì Hoàng đang đi thẳng.

Cuối phần bào chữa, luật sư Thanh đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hoàng không phạm tội và huỷ bản án sơ thẩm.

Đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư cũng như bị cáo Hoàng, đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, trong vụ án này lỗi chính thuộc về bị cáo Sơn, còn bị cáo Hoàng “lỗi ít hơn".

Việc kết tội tài xế Hoàng trong vụ án không phải là tiền lệ xấu như quan điểm của các luật sư mà đó là "lời cảnh tỉnh với tất cả lái xe tham gia giao thông trên cao tốc".

Dù đường cao tốc cho phép chạy trong khoảng 60-100 km/h nhưng đó là vận tốc trong trường hợp bình thường. Ở trường hợp “không bình thường” như gặp xe Innova đi lùi và nháy đèn, Hoàng phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối thiểu cho phép.

Vì vậy, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm buộc tội của bản án sơ thẩm và khẳng định bị cáo Hoàng có lỗi vì đã “không giảm tốc độ dẫn đến xảy ra va chạm với xe Innova đi lùi".

Sáng nay (5/6), HĐXX tiếp tục phần tranh luận để làm rõ vụ án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.