Xã hội

Xin ấn đền Trần, tránh ngộ nhận cầu quan, tiến chức

21/02/2016, 06:04

Lễ khai ấn đền Trần có ý nghĩa nhân văn là cầu cho quốc thái dân an, giáo dục truyền thống yêu nước...

3
Đền Trần đã sẵn sàng cho giờ phút khai ấn

Lễ khai ấn đền Trần có ý nghĩa nhân văn là cầu cho quốc thái dân an, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Thế nhưng, nhiều năm gần đây, ngày khai ấn lại trở nên xô bồ, lộn xộn. Nguyên nhân chính là do lá ấn Đền Trần cố tình bị hiểu sai giá trị.

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về, tại Đền Trần (Nam Định) lại tổ chức Lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng Âm lịch. Đây là tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn là cầu mong cho quốc thái, dân an; thiên hạ thái bình, thịnh trị; động viên mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt. Thế nhưng, nhiều năm gần đây, rất nhiều người dân đến với lễ khai ấn đền Trần chỉ với tâm niệm là mong muốn được... thăng quan tiến chức (?!).

Đi tìm nguồn gốc

Để tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ khai ấn đền Trần, chúng tôi đến đền Trần một ngày đầu xuân Bính Thân. Mặc dù mới bắt đầu ngày làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng du khách thập phương đã tấp nập về đây cầu tài lộc. Trong khói hương uy nghiêm tại các gian thờ, du khách thập phương kính cẩn lễ bái cầu xin những điều tốt đẹp cho gia đình trong năm mới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, Lễ khai ấn Đền Trần là một tập tục có từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 thì được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.

Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”. Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông.

Trong gian nhà khách của Ban quản lý di tích, cụ Trần Huy Chiến, Trưởng từ đền Trần cho biết, Lễ khai ấn đền Trần là một tập tục có từ thế kỷ XIII, của triều đại nhà Trần - triều đại phong kiến kéo dài và hùng mạnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với chiến công hiển hách ba lần đánh tan quân Nguyên Mông - đạo quân xâm lược được mệnh danh là “bách chiến bách thắng”.

Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường (nơi phát tích của nhà Trần), vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, Tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.

Sau này trên nền phủ Thiên Trường, nhân dân đã xây dựng khu di tích đền Trần để thờ 14 vị vua Trần, Trần Hưng Đạo cùng các quan văn, võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc. “Nghi lễ khai ấn với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần “Tích phúc vô cương”; cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khoẻ, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt. Trải qua nhiều năm, lễ khai ấn vẫn được người dân duy trì và phát triển và trở thành một trong những tập tục đẹp, một nét văn hóa đẹp trong những ngày đầu năm mới của người Việt được gìn giữ lâu đời”, cụ Chiến cho biết.

Cụ Chiến còn cho biết thêm, trước khi lễ khai ấn được tổ chức, vào ngày mùng 2 tháng Giêng, Ban quản lý Khu di tích đền Trần thực hiện nghi lễ xin mở ấn để in các lá ấn phục vụ lễ khai ấn. Nội dung lá ấn bao gồm các chữ: “Trần miếu tự điển tích phúc vô cương” (có nghĩa là “đền Trần ban phúc lộc đầu năm”). Đến 22h ngày 14 tháng Giêng, lễ khai ấn được bắt đầu với nghi thức rước hòm ấn từ nội cung đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Sau khi lễ khai ấn được thực hiện bởi 14 cụ cao niên thôn Tức Mặc (phường Lộc Vượng) kết thúc, khách thập phương vào đền Thiên Trường để tế lễ, xin lá ấn với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài.

4
 

Xin ấn phải hiểu ý nghĩa

Theo cụ Chiến, hàng trăm năm nay, phong tục khai ấn và phát ấn của địa phương vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Trải qua thời gian, đất nước ngày càng phát triển, mỗi năm lượng người về đền Trần xin ấn ngày một đông hơn nên quy mô tổ chức ngày một lớn nhưng về lễ nghi khai ấn vẫn được giữ gìn nguyên bản như xưa.

Tuy nhiên, không phải ai về xin ấn đền Trần cũng hiểu được hết ý nghĩa của nghi lễ này. Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là Nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dầy thì được hưởng lộc càng bền vững. Đấy là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn. “Ý nghĩa của ấn chỉ đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu mà vẫn còn một số lầm tưởng rằng, xin ấn để cầu “thăng quan, tiến chức”. Vì vậy, những ai cầm ấn trong tay mà không hiểu bản chất ý nghĩa sâu sắc đó thì ấn cũng chẳng có giá trị gì”, cụ Chiến chia sẻ.

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Dũng, cán bộ phòng quản lý di tích, Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT&DL cho biết, việc đóng ấn đền Trần vốn chỉ là một truyền thống địa phương, nay đã được “phóng đại” về quy mô, ý nghĩa đến mức gây hệ lụy về tâm linh. Chắc chắn đấy không phải là ấn tín của triều đình, của các vua Trần. Đây chỉ là chiếc ấn của nhà đền để thực hiện nghi lễ của mình. Nó cũng giống ấn đóng bùa treo khắp nhà cần trấn yểm sự cố hoặc các bùa cầu may mang theo người.

Ông Dũng nhấn mạnh rằng, ban đầu ấn đền Trần chỉ là một biểu tượng cầu an cho cộng đồng địa phương, cho các gia đình trong khu vực. Sau này, người ta đã tuyên truyền “nâng cấp” ý nghĩa của ấn và việc khai ấn lên thành việc của triều đình nhà Trần, của lãnh đạo Nhà nước đương đại. Do đó, một thông điệp ngầm về việc ấn đó mang lại quyền lực, sự may mắn về chức quyền cho người có được ấn trở thành điều hiển nhiên. Điều đó lại phù hợp với tâm lý xã hội chạy đua lên các thang bậc khác nhau của chức quyền vốn gắn với bổng lộc.

“Ngày xưa, việc khai ấn chỉ gói gọn trong địa phương có đền Trần, nó không lan rộng ra toàn quốc như những năm gần đây. Ấn đền Trần không phải là ấn công vụ của triều đình nhà Trần mà chỉ là ấn nằm trong tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, các nơi thờ Đức Thánh Trần đều có những ấn tương tự”, ông Dũng chia sẻ.

Hơn 2000 công an bảo vệ lễ khai ấn đền Trần 2016

Trao đổi với Báo Giao thông, Trung tá Nguyễn Ngọc Anh,Trưởng Công an phường Lộc Vượng (Thành Phố Nam Định) cho hay: Công an tỉnh Nam Định đã tổ chức duyệt phương án đảm bảo ANTT Lễ khai ấn đền Trần xuân Bính Thân 2016.

Cụ thể, Công an tỉnh Nam Định sẽ huy động hơn 2.000 CBCS gồm lực lượng công an chính quy và công an cơ sở. Hơn 2.000 cán bộ, chiến sỹ này sẽ tạo thành 5 vòng bảo vệ với 23 chốt, nhiều tổ đảm bảo an ninh và tuần tra giải quyết giao thông, trật tự.

“Nhằm xây dựng một lễ hội đẹp trong lòng nhân dân và du khách thập phương, UBND tỉnh Nam Định cũng đã niêm yết, thông báo công khai các địa chỉ ăn, nghỉ uy tín trên địa bàn TP Nam Định, đồng thời sẽ bố trí lực lượng để xử lý ngay nếu du khách phản ánh việc bị chặt chém, ép giá. Đặc biệt, năm nay, Công an TP Nam Định sẽ thành lập một tổ công tác đặc biệt bao gồm 15 người mặc thường phục để kiểm soát các hành vi trộm cắp, bán ấn giả, cửa hàng dịch vụ, trông xe có hành vi chặt chém du khách…”, Trung tá Ngọc cho biết.

Bảo Yến

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.