Vài ngày qua, báo chí và mạng xã hội tràn ngập những phát ngôn của một số đại biểu Quốc hội khi thảo luận Luật phòng chống bạo lực gia đình. Trong đó, đa phần là chế giễu, đàm tiếu.
Lâu nay, chúng ta thường nghĩ việc đọc email, tin nhắn của vợ (chồng) là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, việc đó diễn ra thường xuyên là một dạng bạo lực tinh thần hay được gọi là hành vi kiểm soát.
Ngoài ra, việc đề cao người khác, có lời lẽ xúc phạm, miệt thị chồng hoặc vợ của mình như “anh chẳng bằng một nửa ông đó”, “cô chỉ xách dép cho người ta”... Nhiều khi, một cái bạt tai cũng không khó chịu bằng chuyện suốt ngày bị so sánh với người này, người kia. Nếu cứ lặp đi lặp lại trong một thời gian dài cũng là bạo lực gia đình.
TS Khuất Thu Hồng
Theo tôi, nếu luật pháp càng liệt kê chi tiết, rõ ràng những hành vi đó sẽ giúp người dân nhận biết được thế nào là bạo lực gia đình và cần điều chỉnh hành vi của mình.
Mặc dù vậy, liệt kê bao nhiêu chăng nữa cũng không thể đầy đủ được hết bởi thực tế đa dạng, phong phú hơn rất nhiều.
Việc đại biểu Quốc hội thảo luận một cách cụ thể về những hình thức bạo lực gia đình là đang giúp và bảo vệ tất cả chúng ta. Thảo luận là để tập hợp những ý kiến tốt nhất, cùng nhau đưa ra những quyết định phù hợp nhất.
Do đó, dư luận cũng cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, không nên đàm tiếu, chế giễu.
Nhiều người sẽ nghĩ bao nhiêu vấn đề quốc tế, kinh tế, dân sinh nóng hổi không bàn lại bàn về chuyện này? Tuy nhiên, đây là những vấn đề thiết thực nhất trong cuộc sống.
Bởi trong gia đình nào cũng có thể gặp những chuyện như vậy. Bây giờ có cơm ăn, áo mặc rồi phải lo đến đời sống tinh thần của mình, lo cho gia đình của mình làm sao được yên ấm. Gia đình có yên ấm mới lo làm ăn, phát triển kinh tế được.
Bản thân chúng ta là những người làm ra kinh tế lại không được chăm sóc thì lấy đâu sức khỏe, tinh thần để sản xuất?
Cơ quan thực thi pháp luật qua đó cũng sẽ có cơ sở xử lý những hành vi bạo lực gia đình. Ví dụ những câu chuyện bạo lực, quấy rối trước đây, chúng ta thiếu những quy định cụ thể nên khi xử lý bị lúng túng như vụ xử phạt 200.000 đồng “yêu râu xanh” sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chung cư hồi tháng 3/2019.
Bên cạnh việc đưa ra những giải pháp, chế tài để ngăn chặn bạo lực cũng cần có giải pháp để hỗ trợ cho nạn nhân sau khi bị bạo lực.
Bạo lực về mặt tinh thần, tâm lý cũng để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy, cần phải có những dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.
Luật quy định cũng có nghĩa cung cấp cơ sở hành lang pháp lý để chúng ta có thể xây dựng, cung cấp những dịch vụ cần thiết này.
Khi một người bị bạo lực tinh thần có thể tìm đến dịch vụ tư vấn, hỗ trợ. Những dịch vụ đó sẽ giúp họ có thể vượt qua những cú sốc để trở lại cuộc sống bình thường.
TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội- ISDS)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận