Xã hội

Xin hoãn thi hành Bộ luật hình sự: Sai sót đến từ đâu?

29/06/2016, 07:57

Nếu đa số ĐBQH đồng ý hoãn thi hành, Quốc hội khóa XIV sửa đổi, bổ sung 90 nội dung phát hiện sai sót.

Cac DB

Các ĐBQH khóa XIII bấm nút thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi vào tháng 11/2015

Việc biểu quyết hoãn thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 là một sự cố hy hữu, chưa từng có trong lịch sử lập pháp, đồng thời đã bộc lộ rất rõ hạn chế về tính chuyên nghiệp chưa cao trong công tác làm luật của Quốc hội.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, sáng 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập cuộc họp với Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành khóa XIII để trưng cầu biểu quyết về việc hoãn thi hành BLHS 2015 (Quốc hội khóa XIII thông qua tháng 11/2015, có hiệu lực từ 1/7 tới). Nếu đa số ĐBQH đồng ý hoãn thi hành, Quốc hội khóa XIV sẽ sửa đổi, bổ sung 90 nội dung phát hiện sai sót.

Sự cố hy hữu trong lịch sử lập pháp

Đón nhận thông tin trên, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã phải thốt lên: “Tôi rất buồn vì với một bộ luật quan trọng như BLHS, đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng và hơn 80% ĐB bấm nút thông qua, vậy mà khi chỉ còn vài ngày nữa có hiệu lực, Bộ luật này lại được phát hiện nhiều sai sót, trong đó có nhiều sai sót chết người, nếu thi hành sẽ gây xáo trộn xã hội và gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Cuông cho biết, trước đó, cũng tại khóa XIII, một trường hợp tương tự đã xảy ra với Điều 60 Luật BHXH nhưng phạm vi ảnh hưởng không lớn như BLHS, và Điều 60 ngay sau đó cũng đã được điều chỉnh. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố buộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tổ chức xin ý kiến vào thời điểm giao thời giữa hai khóa Quốc hội như vậy. Với một sự cố nghiêm trọng như thế, nếu không kịp thời sửa thì rất nguy hiểm. Qua đây có thể nhận thấy, cách làm việc của Quốc hội còn mang tính thủ công, tình thế, cho thấy sự thiếu thận trọng trong quyết định. Đây cũng là bài học cho Quốc hội khóa XIV và các khóa tiếp theo.

“Tôi được biết một sai sót khá nghiêm trọng trong BLHS 2015 liên quan đến nội dung quy định về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều 292. Nếu quy định như vậy thì sẽ rất nguy hiểm cho DN và chỉ làm lợi cho DN nước ngoài”, ông Cuông dẫn chứng và cho rằng các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII cũng như cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra luật đều phải chịu trách nhiệm và xin lỗi trước dân. Bởi đó là hậu quả của việc làm tắc trách, thể hiện quy trình xây dựng luật chạy theo thành tích.

ĐB Lê Nam, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa khóa XIII, cũng thẳng thắn: “Nói thật là tôi rất buồn vì bản thân các ngành tham gia tố tụng cũng không đóng góp gì được nhiều. Cho đến Đoàn luật sư là nơi tôi kỳ vọng có những đóng góp sắc sảo cũng không có kết quả gì đáng kể...

Là luật chuyên ngành, rất khó để tin số đông ĐB hiểu hết thế nào là cấu thành tội phạm, truy tố, hồi tố... Do vậy, chất lượng của luật tốt hay không phụ thuộc vào cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Trong điều kiện chất lượng ĐB và quy trình làm luật hiện nay, khó mà tránh khỏi những sai sót kiểu này và rồi “sợi dây kinh nghiệm” sẽ vẫn dài vô tận...”.

Khó tránh sai sót nếu không thay đổi cách làm

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), người đã tham gia bấm nút thông qua BLHS 2015 cho biết, việc để xảy ra quá nhiều sai sót có trách nhiệm từ nhiều phía, từ cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cho đến bản thân mỗi ĐBQH bấm nút thông qua Bộ luật này. “Bản thân tôi với tư cách là ĐBQH cũng nhận sai sót khi bấm nút thông qua, để giờ đây phát hiện nhiều sơ suất khiến luật không thể thực thi. Còn việc Quốc hội có nên xin lỗi dân về việc này hay không, có lẽ phải chờ quyết định từ phía Quốc hội”, bà An cho hay.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), người vừa tái cử ĐBQH khóa XIV, nhận định, sự cố hy hữu vừa nêu đã bộc lộ rất rõ hạn chế trong công tác làm luật của Quốc hội, đó là tính chuyên nghiệp chưa cao - điều đã được nhắc đến rất nhiều lần.

“Thành phần Quốc hội có đến 2/3 ĐB không chuyên trách, kiến thức về pháp luật còn rất hạn chế, trong khi những ĐB được đào tạo đầy đủ về pháp lý, về kinh nghiệm và luật pháp quốc tế lại rất ít. Nhiều ĐB nói sai sót trong Bộ luật này do thời gian chuẩn bị và thông qua gấp, nhưng tôi cho rằng nếu có thời gian dài hơn nữa mà chúng ta vẫn làm với cách làm này thì cũng vẫn thế mà thôi, bởi quy trình xây dựng luật vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Vẫn là những ĐB như thế, trình độ hiểu biết luật chỉ có như thế thì làm sao thay đổi được?”, ông Quốc đặt vấn đề và cho rằng, điều quan trọng là quá trình soạn thảo phải được đầu tư nhiều hơn nữa về nguồn lực và nhất là phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ những người làm luật chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần có phản biện độc lập từ chuyên gia trong nước và quốc tế, từ các hội nghề nghiệp.

Trao đổi với Báo Giao thông, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, khi còn là Bộ trưởng, sau khi nhận được phản ứng từ dư luận về một số nội dung trong luật, ông đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích một số nội dung, cho đến khi Quốc hội khóa XIV sửa sai. “Với một bộ luật lớn như vậy thì không thể làm vội vàng, cá nhân tôi cũng từng đề nghị phải có thêm thời gian nhưng không được chấp nhận.

Còn việc quy trách nhiệm chắc chắn là không tránh khỏi. Chúng tôi là những người trình dự án luật, sau đó Ủy ban Tư pháp thẩm tra. Nhiều nội dung có quan điểm khác nhau trong quá trình soạn thảo, nhưng cuối cùng việc thông qua luật lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, ông Cường thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.