Vận tải

Xóa “bảo kê” xe khách Hà Nội - Hải Phòng trong 1 tháng

07/05/2015, 08:30

Một Trưởng phòng của Sở GTVT Hải Phòng đã bị một số đối tượng nhắn tin đe doạ.

123
Các xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng thường xuyên đón trả khách dọc đường Ảnh: Khánh Hà 

Khẳng định chỉ cần quyết tâm, hoàn toàn có thể xóa được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng này trong vòng một tháng.

Cán bộ Sở GTVT Hải Phòng bị nhắn tin đe dọa

Thông tin trên được Thượng tá Lê Hồng Thắng, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra hình sự CATP Hải Phòng tiết lộ tại buổi làm việc ngày 6/5, do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì về việc lập lại trật tự trên tuyến vận tải khách Hà Nội - Hải Phòng. Theo Thượng tá Thắng, một đồng chí trưởng phòng của Sở GTVT đã bị một số đối tượng nghi có liên quan đến hoạt động vận tải trên tuyến nhắn tin đe doạ.

Thượng tá Thắng còn cho biết, không chỉ trên tuyến QL5 mà tại QL10 đã xảy ra tình trạng đập phá, chém lái, phụ xe, ép vào quán mua đồ.

Mặc dù vậy, Thượng tá Thắng phủ nhận thông tin cho rằng có hoạt động của “xã hội đen” tham gia bảo kê trên tuyến. “Đúng là có một cá nhân có cổ phần trong các DN vận tải từng có tiền án, tiền sự nhưng đây không phải là “xã hội đen”. Tôi cho rằng đây chỉ là cạnh tranh kinh tế, có sự tham gia của đối tượng có tiền án”, Thượng tá Thắng nói.

Đồng quan điểm, đại diện Cục CSGT cho biết, tình trạng tranh giành khách thiếu lành mạnh, vi phạm dừng đỗ đón trả khách không chỉ ở QL5 mà nhiều tuyến quốc lộ khác trên toàn quốc. Riêng trên QL5 diễn ra từ nhiều năm nay.

Trước đó, báo cáo thực trạng hoạt động vận tải khách trên tuyến QL5, PGĐ Sở GTVT Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ khẳng định, hoạt động giao thông trên tuyến QL5 diễn biến phức tạp, xuất hiện tình trạng một số đơn vị vận tải dùng cò mồi để chèo kéo khách, gọi điện đe dọa, bắt chặn, dừng xe, khống chế lái xe, phương tiện của các hãng vận tải khác có phương tiện hoạt động trên tuyến QL5 đi qua các tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng…

Ông Thọ cũng khẳng định, một số lái xe đã bị đánh gây thương tích, tuy nhiên không trực tiếp ngay khi đang lái xe trên tuyến mà khi đang trên đường về nhà.

Trách nhiệm trước hết là về quản lý nhà nước

Khẳng định để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường dẫn ví dụ về việc không bố trí điểm đón trả khách suốt tuyến đường. “Cả hơn hai chục cây số tuyến Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua Hải Phòng mà không bố trí điểm đón trả khách. Chẳng có người dân nào lại quay vòng vài chục cây để đến bến xe được, phải đứng dọc đường bắt xe là chuyện khó tránh”, Thứ trưởng nói và cho biết, trách nhiệm của hai Sở GTVT rất lớn, đặc biệt là Sở GTVT Hải Phòng. Vì chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các sở nên mới để nảy sinh hiện tượng này”, Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Trường, thời gian tới quan trọng là phải tổ chức tuyên truyền để các DN khai thác tuyến cố định này thấy được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo trật tự an ninh. DN nào để lái xe vi phạm thì phải chấm dứt hợp đồng với lái xe. Cần tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động của DN thông qua thiết bị GSHT, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm trong khai thác, xử lý thông tin trích xuất từ thiết bị này.

Về phía lực lượng chức năng Hải Phòng, Thứ trưởng Trường đề nghị cần kiên quyết xử lý tình trạng đe doạ, tấn công lái, phụ xe, cần thiết thì xử lý hình sự. “Cảnh sát hình sự không khó truy ra chủ thuê bao điện thoại, các đối tượng đe dọa, tấn công lái xe để có giải pháp xử lý. Không thể nói là không tìm được. Quan trọng là mình có quyết tâm xử lý hay không. Nếu quyết tâm, tôi tin rằng sẽ làm dứt điểm trong thời gian ngắn”, Thứ trưởng Trường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.