Showbiz

Xoá sổ video "bẩn" trên mạng xã hội: Cần lắm bàn tay của cơ quan quản lý

08/10/2020, 06:05

TS. Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, vai trò của cơ quan quản lý đối với nội dung trên mạng xã hội là vô cùng quan trọng.

img
Hình ảnh chụp từ video gây tranh cãi "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi" của Hưng Vlog

Xử phạt YouTube đâu chỉ riêng Việt Nam

Án phạt 7,5 triệu đồng - vì hành vi đăng clip nấu cháo gà nguyên lông chưa "nguội", chiều 7/10, Nguyễn Văn Hưng - chủ tài khoản YouTube Hưng Vlog tiếp tục bị phạt hành chính 10 triệu đồng do thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Các hành vi này quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Cụ thể, tại buổi làm việc, chủ tài khoản Hưng Vlog thừa nhận hành vi của mình là do thiếu hiểu biết, chỉ nghĩ đơn giản việc đăng tải video này với mục đích trêu đùa em trai, em gái trong gia đình.

Cùng thời gian, Thanh tra Sở TT-TT Bắc Giang cũng triệu tập Nguyễn Văn H. (sinh năm 1994, em trai của chủ tài khoản Hưng Vlog) nhắc nhở hành vi của anh này khi đăng tải video có tên “Trộm gà nhà em hàng xóm nướng siêu cay mời em hàng xóm mời team Vlog” vào tháng 8/2020. Hiện, video đã được gỡ bỏ trên tài khoản.

Thực tế, không riêng chủ tài khoản Hưng Vlog, trên thế giới, nhiều trường hợp YouTuber cũng bị cơ quan quản lý tuýt còi vì bất chấp câu view bằng cách đăng tải hình ảnh phản cảm, hay thực hiện thử thách nguy hiểm, ngớ ngẩn...

img
YouTuber Kanghua Ren đưa cho một người đàn ông vô gia cư gói bánh quy Oreo có nhân là kem đánh răng

Còn nhớ, tháng 6/2019, YouTuber Kanghua Ren, 20 tuổi, bị Tòa án Barcelona (Tây Ban Nha) tuyên án 15 tháng tù và nộp phạt 20.000 euro (22.300 USD) vì đăng tải một video phản cảm vào tháng 1/2017. Đoạn phim ghi cảnh Ren đưa cho một người đàn ông vô gia cư ở Barcelona gói bánh quy Oreo có nhân kem đánh răng. Nạn nhân bị nôn sau khi ăn bánh.

Theo Newsweek, dù gây tranh cãi nhưng đoạn video này đã giúp Kanghua kiếm được 2.475 USD nhờ các quảng cáo chèn trong video. Ren sau đó bị kết tội xúc phạm danh dự của người đàn ông vô gia cư. Ngoài án phạt trên, kênh YouTube với hơn 1,2 triệu người đăng ký của anh, trong đó video cuối cùng được đăng tải ngày 21/5, không chỉ bị xóa bỏ, mà theo phán quyết của tòa, anh này còn không được phép tạo tài khoản YouTube mới trong vòng 5 năm tiếp theo.

Một trường hợp khác là Ferdian Paleka - một YouTuber đến từ Bandung (Indonesia) khiến cộng đồng mạng nước này tức giận khi có hành vi xúc phạm, lừa gạt người chuyển giới. Cụ thể, trong đoạn video đăng tải trên kênh cá nhân vào ngày 2/5/2020, Paleka và hai người bạn khác quay lại cảnh đi phân phát thức ăn từ thiện cho 4 người phụ nữ chuyển giới. Song, bên trong các hộp thức ăn đó thực chất chỉ là rác và gạch.

Ngay lập tức, đoạn video của Paleka bị dư luận chỉ trích dữ dội. Sau 15 tiếng đăng tải, video của Paleka nhận hơn 27.000 lượt dislike (không thích) và bị YouTube gỡ xuống vào ngày 4/5, lý do là vi phạm các nguyên tắc về bắt nạt và xúc phạm người khác.

img
img
YouTuber Ferdian Paleka gây phẫn nộ khi đi phát đồ ăn cho phụ nữ chuyển giới trên phố nhưng bên trong chỉ là rác

Sau khi nhận được báo cáo về sự việc, Cảnh sát thành phố Bangdung tuyên bố sẽ xử lý nghiêm trường hợp này. Người đứng đầu Cục Điều tra Hình sự cho biết Ferdian Paleka có thể bị buộc tội vi phạm Điều 45 của Luật Giao dịch và Thông tin Điện tử (ITE) về tội phỉ báng, với hình phạt tối đa là 12 năm tù giam và phạt tiền 12 tỷ Rupiah (1,14 triệu đôla Singapore).

Tuy nhiên, tờ Coconuts cho hay, Paleka cuối cùng lại tránh được án phạt vì phía Cảnh sát thông báo cho Paleka và hai người bạn của anh tại ngoại. Nguyên nhân vì các nạn nhân đột ngột rút đơn khiếu nại. Song, Paleka vẫn có thể bị cảnh sát thẩm vấn bất cứ khi nào có vấn đề liên quan.

Mức phạt đã đủ nặng tay?

Ở góc độ một phụ huynh, chị Đỗ Kim Thoa (Vạn Bảo, Ba Đình) cho biết, hiện nay những video có nội dung bạo lực hay video có nội dung lệch lạc, nhảm nhí xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Đây cũng là vấn đề khiến phụ huynh "đau đầu" mỗi khi cho con trẻ sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là YouTube.

"Với các video mang tính bạo lực được cắt ghép, lồng tiếng với nhiều mục đích khác nhau dễ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Trẻ có thể không kiềm chế được cảm xúc, dễ xảy ra xung đột và giải quyết mâu thuẫn bằng tay chân. Với những video có nội dung lệch lạc dễ khiến con hiểu sai về văn hoá của đất nước mình, trở nên ích kỷ, vô cảm", chị Kim Thoa nói.

Trước hậu quả nghiêm trọng của các nội dung YouTube sai lệch, xấu xí, chị Kim Thoa cho rằng, cách tốt nhất là việc kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng, thậm chí thẳng tay loại bỏ những tài khoản vi phạm. Ngoài ra, phụ huynh rất cần chia sẻ với con như một người bạn, từ đó hướng dẫn con cách chọn lọc nội dung tốt.

Tuy nhiên, việc áp dụng kiểm duyệt hay xử phạt đối với các chủ kênh YouTube vẫn là điều khiến phụ huynh, giới chuyên gia các nước trên thế giới trăn trở.

img
TS. Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, việc "dọn sạch" nội dung trên YouTube là điều cần thiết, cấp bách hiện nay đối với các cơ quan quản lý

TS. Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng, kiêm Trưởng khoa Luật - Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, việc xử phạt hành chính như trường hợp của Hưng Vlog là hoàn toàn hợp lý. Bởi, việc áp dụng Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử đối với kênh Hưng Vlog đã ở mức cao nhất.

"Tuy nhiên, hình phạt đó chẳng đáng là bao so với số tiền bạc tỷ mà anh ta đã kiếm được trong thời gian qua. Vì vậy, việc chủ tài khoản này tiếp tục thực hiện những video có nội dung tương tự hoàn toàn là điều dễ hiểu. Thậm chí, hình phạt xoá bỏ kênh YouTube này cũng là điều hoàn toàn xứng đáng", TS. Nguyễn Ngọc Sơn nói thêm.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Anh Dũng (đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng hình phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe trong việc kiểm soát, loại bỏ nội dung "bẩn" trên mạng xã hội nói chung và YouTube nói riêng.

Chuyên gia Marketing Chang Trần cho biết, theo các điều khoản được YouTube công khai, nền tảng này chỉ quy định cấm các nội dung liên quan bạo lực, súng đạn, phân biệt chủng tộc, ấu dâm, kích dục. Những nội dung bị xem là “trái thuần phong mỹ tục” vẫn chưa được YouTube đưa vào quy định kiểm soát. Hơn nữa, các quy định về cộng đồng của YouTube mang tính toàn cầu, chắc chắn vẫn có sự chênh lệch nhất định đối với quy định, văn hoá của mỗi quốc gia.

Phải chăng, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xã hội như YouTube, Facebook để từ đó điều chỉnh pháp luật và chính sách về nội dung đăng tải. Có như vậy, các clip nhảm nhí có nội dung độc hại mới không còn chốn lộng hành.

Tại phiên chất vấn ngày 8/11/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2018, doanh thu từ quảng cáo trên Facebook ở Việt Nam khoảng 1 tỷ USD, nhưng chưa đóng thuế. Nếu truy thu thì số thuế thu được có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết Chính phủ đã có động thái để kiểm soát dòng tiền phục vụ quảng cáo tin giả, xin xấu độc chảy về Facebook, Google. Thủ tướng đã có chỉ đạo về việc sử dụng biện pháp kinh tế để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo sai sự thật. Bộ TT&TT đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để có phương án kiểm soát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.

Ngoài ra Bộ TT&TT đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Nội dung của nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, đặc biệt là với các hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới.

Theo đề xuất của đơn vị soạn thảo nghị định mới, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng có phát sinh doanh thu hoặc có người sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có luật về quảng cáo, quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải nộp thuế theo quy định pháp luật. Các đơn vị này có nghĩa vụ phải kiểm tra, rà soát sản phẩm quảng cáo để đảm bảo quy định tại Điều 8, Luật Quảng cáo.

Nghị định cũng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải có giải pháp bảo đảm người phát hành quảng cáo ở Việt Nam có khả năng kiểm soát, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.

Tháng 7/2020 Indonesia chính thức bổ sung một số doanh nghiệp vào danh sách phải đóng 10% thuế VAT. Đó là Facebook, TikTok, Apple, Walt Disney (Đông Nam Á) và các công ty con của Amazon. Facebook cho biết, họ sẽ tuân thủ quy định mới của Indonesia và bắt đầu nộp thuế VAT từ ngày 1/9/2020.

Trong khi đó, theo Financial Times, Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị đưa các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook và Apple vào chịu “thuế kỹ thuật số” tính trên doanh thu của họ. Khoản thuế này sẽ giúp EU thu về khoảng 5 tỷ EUR mỗi năm. Khoản tiền này dự kiến ở mức 3% - 5% doanh thu so với doanh thu quảng cáo do các công ty này điều hành. Ngoài ra, EU cũng sẽ thu thuế bán dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba. Theo bản dự thảo, mức thuế trên áp dụng với các công ty có doanh thu toàn cầu hàng năm hơn 750 triệu EUR và tổng doanh thu chịu thuế là 50 triệu EUR được tạo ra ở EU.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.