Bạn cần biết

Xóm chạy thận đã “thay da đổi thịt”

26/12/2016, 13:23
image

Xóm chạy thận” là tên chỉ khu nhà lưu trú cho những bệnh nhân chạy thận cạnh nhà tang lễ BVĐK Bình Định.

ảnh 1 (3)

Khuôn viên nhà lưu trú sạch sẽ, khang trang.

“Xóm chạy thận” là tên chỉ khu nhà lưu trú cho những bệnh nhân chạy thận cạnh nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Gần 10 năm nay, xóm nhỏ này là chốn đi về của hàng chục bệnh nhân bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối.

Một thời sống chung với... chuột

Xóm nằm khuất sâu trong khuôn viên bệnh viện đa khoa tỉnh, cạnh nhà tang lễ. Thay cho những căn nhà tạm bợ, lều bạt trước đây, những tháng qua, xóm chạy thận đã “thay da đổi thịt”. Từ tháng 8/2016, dãy nhà lưu trú mới được khánh thành đưa vào sử dụng góp phần vơi bớt cơ cực cho bệnh nhân. Phía ngoài dãy hành lang được bày biện bếp núc sạch sẽ, bàn ghế gọn gàng. Vừa tất bật nấu cơm, bà Thái Thị Diệu (61 tuổi, trú xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) tranh thủ dìu chồng là ông Phan Thọ (66 tuổi, một bệnh nhân chạy thận) đi tới đi lui. Sau gần 6 năm với mỗi tuần ba lần chạy thận, người ông Thọ gầy rộc, hai cánh tay gân guốc, chi chít những vết kim tiêm. Vợ chồng sống bằng nghề nông, cách đây 6 năm, ông Thọ bất ngờ bị sưng chân, không đi lại được, chạy chữa mãi không khỏi nên quyết định khăn gói vào TP HCM khám bệnh. Tại đây, bác sĩ kết luận ông Thọ bị suy thận mãn tính, phải chạy thận mới sống được.

Sau nửa tháng cầm cự ở TP HCM, vợ chồng bà Diệu về Bệnh viện Đa khoa Bình Định chạy thận. Bà Diệu kể: Lúc vợ chồng bà đến với xóm chạy thận đã có hàng chục người khác ở đây. Một bên xóm chạy thận là nhà tang lễ của bệnh viện, một bên là bãi để xe. Những người trong xóm chạy thận tự mua bạt về chắp vá vào những khung sắt có sẵn của bãi đỗ xe làm nhà tạm. Ngày đó xóm rất tạm bợ, khó khăn. “Hàng chục người kê giường ở sát với nhau như một khu ổ chuột. Mang tiếng là giường nhưng chúng tôi đi nhặt nhạnh những vạt giường bệnh viện bỏ đi mang về kê thêm mấy viên gạch cho cao ráo nằm tạm. Ngày nắng còn đỡ, chứ mưa thì nước tạt cả vào trong lều. Chăn chiếu ướt hết. Mấy chục người chạy thận đã mệt mỏi, đau nhức khắp người cũng phải thức trắng đêm vì lạnh”, bà Diệu nhớ lại.

Xem thêm video:

“Kinh khủng lắm chú ơi”, bà Nguyễn Thị Nho (63 tuổi, bệnh nhân chạy thận, trú huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) tiếp lời khi trực tiếp gắn bó với xóm này ba năm qua. 6 năm phát hiện bệnh, bà Nho có nửa thời gian đến lưu trú tại xóm chạy thận. Chồng bà, ông Phan Văn Ngọc (63 tuổi) phải bán hết nhà cửa, ruộng vườn khăn gói gia nhập xóm chạy thận chăm sóc vợ. Theo ông Ngọc, hồi đó cả xóm dựng lều, dựng bếp dưới mấy tấm bạt làm chỗ nấu ăn và nghỉ ngơi. Ban ngày thì ra ngoài nhặt nhạnh những cành củi khô trong khuôn viên bệnh viện về để nấu ăn. Những hôm trời mưa, củi ướt hết thì đành gặm bánh mỳ hoặc… nhịn đói. Căn lều ẩm thấp hễ có mưa là nước chảy như lũ dưới chân. “Gián, chuột dưới cống chạy lên lục lọi xoong nồi nhiều không xuể. Cứ như sống chung với gián, chuột vậy”, ông Ngọc nhớ lại.

Vơi cơ cực, yên tâm điều trị

ảnh 2 (3) mau

Công trình nhà lưu trú cho bệnh nhân chạy thận được đưa vào sử dụng đã chấm dứt cảnh sống tạm bợ của bệnh nhân chạy thận và người nhà.

Theo bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, hiện nay tại xóm chạy thận có 50 bệnh nhân chạy thận thường xuyên ở tại nhà lưu trú. Khoa Nội thận - Lọc máu của bệnh viện thành lập năm 2008 với 10 máy chạy thận nhân tạo. Ðến nay đã có 34 máy chạy thận nhân tạo thực hiện từ 4 - 5 ca chạy thận/ngày.

“Trước đây, những người về Bệnh viện Đa khoa Bình Định chạy thận thường ở luôn tại bệnh viện để tiện việc chạy chữa. Gần khu bệnh viện cũng có nhà trọ giá thấp dành cho bệnh nhân và người nhà nhưng phần lớn những người này có hoàn cảnh khó khăn, không kham nổi chi phí. Họ thường sống tạm bợ dọc hành lang hoặc những gốc cây gần Khoa Nội thận - Lọc máu”, bác sĩ Mỹ nói. Từ giữa năm 2012, bệnh viện cho tận dụng hành lang nhà tang lễ để làm nơi tạm trú cho những bệnh nhân chạy thận và người thân, nhưng việc lưu trú không ổn định. Đặc biệt, điều kiện thời tiết bất lợi khiến các hộ này sinh hoạt rất khó khăn.

Phải đến khi có công trình lưu trú thuộc loại nhà ở cấp 3 với hai tầng, tổng diện tích sử dụng hơn 200m2 đưa vào sử dụng (tháng 8/2016) do bệnh viện kêu gọi xã hội hóa tài trợ, việc ăn ở lưu trú của các bệnh nhân và người nhà mới thực sự thoải mái hơn. “Bệnh nhân phải sống chung với bệnh án, kiên trì chữa trị nên rất cần sự động viên, ổn định tâm lý, hỗ trợ”, bác sĩ Mỹ nói.

Ám ảnh xóm ổ chuột giờ thay bằng khu lưu trú khang trang. Dẫn chúng tôi vào căn phòng tập thể kê 25 chiếc giường inox vững chãi, nền gạch men sáng bóng, bệnh nhân chạy thận Lý Thành Trung (SN 1962, trú huyện Hoài Ân, Bình Định) bộc bạch, mấy tháng nay chúng tôi có chỗ ra vào ổn định, hết phải lo cảnh tạm bợ, chật chội. Khu nhà mới thoáng đãng, giờ mọi người yên tâm trị bệnh.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.