Xã hội

Xót cảnh người dân Chương Mỹ "sống chung với lũ" trong nửa tháng

09/08/2018, 06:05

Loạt phóng sự “Sống chung với lũ” nhắc tới hoàn cảnh khó khăn của các hộ gia đình trong lũ tại Chương Mỹ.

1. SCVL toàn cảnh vùng lũ

Loạt phóng sự gồm 3 tập “Sống chung với lũ” tập đầu tiên phát sóng tối 7/8 đề cập tới hoàn cảnh khó khăn, các thiệt hại mất mát của hàng trăm hộ gia đình trong lũ tại Nam Phương Tiến, Chương Mỹ. (Ảnh: Toàn cảnh vùng lũ)

Loạt phóng sự gồm 3 tập “Sống chung với lũ” - tập đầu tiên phát sóng tối 7/8 đề cập tới hoàn cảnh khó khăn, các thiệt hại mất mát của hàng trăm hộ gia đình trong lũ tại Nam Phương Tiến, Chương Mỹ.

"Sống chung với lũ" là loạt phóng sự được nhóm phóng viên chương trình An toàn sốngAn ninh tiêu dùng vừa thực hiện tại vùng lũ thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội sẽ được giới thiệu trong ba ngày liên tiếp 7, 8, 9/8/2018 vào lúc 18h30 trên kênh truyền hình ANTV.

Loạt phóng sự gồm 3 tập “Sống chung với lũ” - tập đầu tiên phát sóng tối 7/8 đề cập tới hoàn cảnh khó khăn, các thiệt hại mất mát của hàng trăm hộ gia đình trong lũ tại Nam Phương Tiến, Chương Mỹ. Tập hai với chủ đề Đuối nước - bài học xót xa từ rốn lũ Chương Mỹ phát sóng 18h30 ngày 8/8. Tập ba trở lại vấn đề ô nhiễm môi trường, khan hiếm nước sạch và hơn 700 người dân tại địa phương có biểu hiện của bệnh lở loét, nước ăn chân, bệnh về tiêu hóa và đau mắt và nguy cơ không đáp ứng đủ nhu cầu khám bệnh của cơ sở y tế xã vì ngập sâu.

2. SCVL - hình ảnh vùng lũ

Hình ảnh vùng lũ

“Ngày 29/7 khi lũ bắt đầu dâng cao, hai chị em Trịnh Thủy Tiên 11 tuổi và Trịnh Đình Anh 10 tuổi, trú tại xã Tốt Động huyện Chương Mỹ đi chơi không có người lớn bảo vệ. Các em tò mò đi qua cầu gỗ là cầu dân sinh, cách nhà 1km, khi đó nước đã tràn mặt cầu 30cm, để sang bên sông chơi cát, đống cát này dùng để đóng vào bao hộ đê, sau đó các em trượt chân bị đuối nước tại đây. Ngày 30/7 thi thể các em được tìm thấy. Đây là lý do chính để những người làm chương trình An Toàn Sống về Chương Mỹ, phản ánh thực trạng, có đến 80% trẻ em ở đây (theo lời của người dân) không biết bơi, có nguy cơ bị đuối nước mùa lũ” - BTV Xuân Đoài chia sẻ về lý do.

Để kịp thời phản ánh những thiếu thốn cũng như tình trạng mất vệ sinh của người dân vùng lũ, nhóm phóng viên đã thực hiện trong 6 ngày. Trong đó, trực tiếp bấm máy liên tục trong 3 ngày, mỗi ngày thực hiện một tập. Có những ngày nhóm phóng viên đã phải làm việc tới 22h đêm mới đóng máy.

Khó khăn nhất khi tác nghiệp tại vùng lũ, đương nhiên là giao thông. BTV Bùi Thơm chia sẻ: “Đường liên tục bị ngập sâu khiến cho xe ô tô không của nhóm phóng viên không thể đi vào được phải chuyển sang các phương tiện khác như di chuyển bằng xuồng hoặc đi nhờ các xe công nông chở hàng cứu trợ, kéo dài thời gian di chuyển rất nhiều. Việc di chuyển, tiếp cận người dân hết sức khó khăn bởi đâu đâu cũng bị nước lũ chia cắt, có nơi ngập 2, thậm chí 3-4m nước”. 

Mặc dù đang phải chật vật vật lộn với nước lũ, nhưng mỗi khi phóng viên cần đi thuyền đến vùng ngập để tác nghiệp thì ai cũng nhiệt tình chèo thuyền đưa đi. Chính vì vậy, sự nhiệt tình của người dân nơi vùng lũ đã để lại ấn tượng nhất cho nhóm thực hiện chương trình.

Cũng có một vài “tai nạn” mà nhóm phóng viên đã gặp phải. Từ việc khi di chuyển bằng thuyền nan, thuyền tôn nhỏ bé các quay phim mải mê tác nghiệp không may thuyền bị lật, vậy là hỏng thiết bị ghi hình và điện thoại. Trong khi đó, khi nhóm phóng viên bắt đầu tới vùng lũ, xe ô tô vẫn còn di chuyển được trên con đường nước ngập nửa bánh xe, không may bánh xe cán phải vật cứng và xịt lốp. “Cũng may người dân ở đó thật nhiệt tình đã mang kích đến và cùng hỗ trợ nhóm phóng viên thay xong lốp xe ô tô” - BTV Xuân Đoài chia sẻ.

3. SCVL - rác bủa vây mọi nơi

Rác bủa vây mọi nơi

Điều khiến nhóm phóng viên không thể quên trong quá trình tác nghiệp đặc biệt này là hình ảnh em Nguyễn Văn Sáng, học sinh lớp 7 tại địa phương. Em sống trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, mẹ bị tiền sử bệnh thần kinh, bố bị câm và điếc. Mùa lũ này, gia đình em bị ngập sâu phải tạm sơ tán đến trạm y tế xã tá túc. Vậy nhưng em Sáng lại là một tình nguyện viên rất nhiệt tình chuyên chở đồ trợ cấp cho các nhà dân và chèo thuyền đưa đón mọi người.

5. SCVL - Em Sáng

Em Sáng - một tình nguyện viên rất nhiệt tình chuyên chở đồ trợ cấp cho các nhà dân và chèo thuyền đưa đón mọi người

Bên cạnh những hình ảnh ấn tượng, sự sẻ chia của người dân vùng lũ, chuyến đi tác nghiệp đã để lại nhiều ám ảnh trong lòng mỗi phóng viên. Đó là hình ảnh về đời sống của người dân quá khổ. “Họ không có lương thực thực phẩm, phải nhận mì tôm cứu trợ để sống, không có nước sạch sinh hoạt, bệnh tật có nguy cơ bùng phát. Môi trường ô nhiễm do rác thải trào ngược từ bãi rác ngập gây ra. Nhiều hộ gia đình rác vào đến sân, người dân lở loét chân tay, cơ thể do nước lũ ô nhiễm” - BTV Xuân Đoài chia sẻ.    

8. SCVL - nước ngập nóc nhà

Nước ngập tận nóc nhà

“Ám ảnh nhất, lại chính là sự coi thường tính mạng những đứa trẻ, mặc dù không biết bơi, nhưng dám lội nước về nhà. Nếu chẳng may sa chân xuống chỗ sâu, hoặc vướng vào rác thải đang chìm nổi dưới làn nước, liệu các em có giữ được mạng sống của mình không?” – Xuân Đoài tiếp tục chia sẻ.

Trong khi ám ảnh nhất đối với BTV Bùi Thơm lại là: “Hình ảnh ám ảnh nhất là hàng loạt các trang trại chăn nuôi của người dân địa phương ngập chỉ nhìn thấy những mảnh ngói vụn. Những người dân tâm sự đấy là tất cả vốn liếng vay được để mong sản xuất trả nợ cho mùa lũ vừa xảy ra vào tháng 8 năm 2017. Họ chăm chỉ làm ăn kinh tế để cho con đến trường, để thoát nghèo nhưng vì lũ nguy cơ tái nghèo đang hiển hiện”.

Sau quá trình tác nghiệp, BTV Xuân Đoài cho rằng, “Chương Mỹ là vùng lòng chảo, rốn lũ của Hà Nội, nên thật khó để đưa ra giải pháp hữu hiệu để có thể giải quyết được tình hình, bởi địa hình ở đây rất trũng. Song dẫu vậy, việc khắc phục làm sao để giảm tải nhất những thiệt hại của người dân cũng như giảm tải sự tàn phá của thiên nhiên là điều cần suy nghĩ và sớm có giải pháp”.

4. SCVL - rác bủa vây mọi nơi

Rác bủa vây mọi nơi

Còn BTV Bùi Thơm lại quan tâm đến nguyên nhân dẫn đến sự thiệt hại nặng nề này. Theo chị, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là do người dân được báo lũ quá muộn, không kịp di tản. Vai trò của việc cảnh báo tuyên truyền mùa mưa lũ cho các vùng có nguy cơ. Mặt khác, ngoài lũ người dân còn phải sống trong biển rác, nguyên nhân là do không được thu gom theo quy định. Rác đang trả lại cho con người chính những gì họ thải ra môi trường.

Còn nhiều vấn đề khác được đề cập chi tiết trong ba tập “Sống chung với lũ”. Nhóm phóng viên thực hiện thông qua việc đề cập tới thực trạng cũng như đưa những vấn đề, nguyên nhân với mong muốn  sớm có giải pháp để đảm bảo an toàn cho đời sống dân sinh, xã hội của người dân vùng lũ thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.