Y tế

Xót lòng trẻ nhỏ chấn thương nghiêm trọng sau TNGT

14/09/2022, 14:40

Nhiều trẻ nhập viện do chấn thương nghiêm trọng sau TNGT, đáng nói nguyên nhân bắt nguồn từ sự bất cẩn của cha mẹ.

Nhiều trẻ đa chấn thương do TNGT

Ghi nhận tại BV Hữu nghị Việt Đức, thời gian qua, tại đây tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ được chuyển đến cấp cứu do chấn thương nặng sau TNGT.

TS.BS Lê Nguyên Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng cho biết: Trẻ bị TNGT nhập viện hầu hết đều có những vết thương nặng, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt học tập và trưởng thành của các cháu trong 1 thời gian rất dài.

Đáng nói, các tai nạn đều do ý thức của phụ huynh kém khi tham gia giao thông mà trước đó tụ tập uống rượu trong những ngày nghỉ lễ.

img

TS.BS Nguyễn Việt Hoa, BV Hữu nghị Việt Đức khám cho bệnh nhi bị TNGT

Điển hình là em T.K.L (6 tuổi, Hà Nội) được chuyển đến bệnh viện do tai nạn xe máy tự ngã. Em được bố đèo đi chơi dịp nghỉ lễ và bố của em có sử dụng rượu bia. Em L. bị xây xát ở vùng gối bẹn, vết thương tầng sinh môn phức tạp 4x5cm có dính nhiều đất, không thủng trực tràng, đứt 1 phần cơ thắt, vết thương ở gối phải, nham nhở, nhiều dị vật, lộ gân.

Sau khi thăm khám và cho bệnh nhi làm các chỉ định cần thiết, em L đã được các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu kịp thời. 2 kíp mổ đã được tiến hành trong cùng 1 ca phẫu thuật. TS.BS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, đã tiến hành cắt lọc tổ chức dập nát, khâu lại cơ thắt ngoài, khâu tạo hình lại vết thương âm đạo cho em L.

Còn kíp mổ chấn thương do TS.BS Nguyễn Văn Học, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao đã tiến hành cắt lọc khâu vết thương gối cho người bệnh. Sau phẫu thuật, bệnh nhi đang điều trị tại khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, tình trạng tỉnh táo, ăn uống tốt, các vết thương được thay băng chăm sóc hàng ngày.

Một trường hợp khác là em N.Đ.Q. (6 tuổi, Thái Nguyên) bị TNGT, được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng tỉnh, xây xát toàn thân, vết thương phức tạp ở tầng sinh môn kích thước 10x2 cm. Bên trong vết thương nhiều dịch phân, lóc rộng ra phía sau, đứt toàn bộ cơ thắt.

BS. Nguyễn Việt Hoa, đã mổ cấp cứu, cắt lọc xử lý vết thương tầng sinh môn, đưa đại tràng ra làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhi. Hiện tại hậu phẫu, người bệnh tỉnh táo, ăn uống tốt, đang được chăm sóc vết thương.

Làm gì để bảo vệ trẻ tránh TNGT?

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến TNGT đáng tiếc đối với trẻ là do ý thức của trẻ về ATGT chưa cao, nên khi tham gia giao thông các em không chấp hành luật và các quy định về ATGT như vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, không quan sát, đùa nghịch, đu bám theo xe, đá bóng dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng ngang lấn chiếm làn đường của các phương tiện khác, vượt trước mũi ô tô, xe máy, hoặc lên xuống xe không quan sát trước sau nên dễ bị va quẹt…

Trong khi đó, có nguyên nhân bắt nguồn từ người lớn bất cẩn, thiếu ý thức phòng tránh TNGT cho trẻ như để trẻ nhỏ đứng, ngồi trước người lái; không đội mũ bảo hiểm cho trẻ; chở người quá quy định; vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách hay do uống rượu bia say không kiểm soát được tốc độ…

Từ hàng trăm vụ TNGT do rượu bia gây ra mỗi năm, từ hậu quả rất nghiêm trọng và đau đớn của nó để lại, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, TS.BS Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh: “Khi đã tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm pháp luật ATGT, không được phép uống rượu bia, tránh gây ra tàn tật cho chính mình và cho người tham gia giao thông xung quanh, để lại gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội”.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc giáo dục kiến thức phòng chống tai nạn thương tích, TNGT và ý thức chấp hành pháp luật ATGT cho trẻ nhỏ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có trên 186.000 trẻ em tử vong do TNGT, cứ 4 phút lại có một trẻ em mất đi mạng sống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.