Xã hội

Xót xa cảnh nghèo khó của những cựu thanh niên xung phong ga Gôi

27/07/2023, 09:49

Hiện còn 7 cựu thanh niên xung phong tham gia cứu tàu ở ga Gôi bị nhiễm độc, bệnh tật đeo bám nhưng không được hưởng chế độ gì.

Di chứng, bệnh tật, nghèo khó bủa vây

Những ngày cuối tháng 7/2023, PV Báo Giao thông theo con đường bê tông nhỏ ngoằn ngoèo tìm về nhà bà Nguyễn Thị Cấp (76 tuổi), ở thôn Khả Tân, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - nữ cựu thanh niên xung phong (TNXP) từng tham gia bảo vệ các chuyến tàu hàng, ga Núi Gôi (còn gọi là ga Gôi) thời kháng chiến chống Mỹ.

Căn nhà của bà Cấp chỉ rộng chừng 10m2, gồm cả nhà vệ sinh. Tài sản duy nhất là một chiếc giường sắt đã hoen gỉ và một chiếc bếp ga cũ nát.

Căn nhà bốc mùi hôi, ẩm mốc do ít được dọn dẹp. Bởi bà Cấp mang trong mình nhiều thương tích chiến tranh, trong đó có ảnh hưởng của vụ cứu tàu hàng ga Gôi oanh liệt ngày 20/8/1966, nên sức khỏe vốn ốm yếu. Gần đây, bà lại bị tai biến, nên đi lại rất khó khăn.

img

Bà Nguyễn Thị Cấp, một trong 7 cựu thanh niên xung phong ga Gôi có cuộc sống khó khăn, bệnh tật, nhưng chưa được hưởng bất cứ một chế độ nào.

Nhìn thấy có khách tới, bà Cấp mấp máy môi muốn nói chuyện nhưng không thốt được ra lời. Ông Nguyễn Văn Mão, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Duyên Hải cho biết, sau khi bị tai biến, bà Cấp gần như không nói được, không đi lại được.

Hiện, bà Cấp chỉ cố gắng xoay xở việc đi vệ sinh trong căn nhà chật hẹp, còn việc cơm cháo trong ngày phải nhờ cháu bé học sinh nhà hàng xóm đến nấu giúp.

Theo ông Mão, bà Cấp không được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, không có bảo hiểm y tế, hàng tháng bà được quỹ Thiện Tâm hỗ trợ 700 ngàn đồng/tháng. Vì không thuộc diện hộ nghèo nên những ngày Tết, lễ, bà Cấp không có chế độ gì.

Chồng bà Cấp mất đã lâu, con cái của bà thì một cô con gái lấy chồng xa, gia cảnh cũng nghèo khó; còn cậu con trai thì mải mê chơi bời không chút mảy may tới mẹ.

"Bà Cấp sống khổ lắm, cháu bé hàng xóm thì khi đi học về mới sang giúp bà, trẻ con không tránh khỏi có hôm mải chơi, bà Cấp phải nhịn đói", ông Mão thở dài.

Cùng là TNXP tham gia sự kiện cứu tàu hàng ga Gôi ngày ấy, có ông Trần Hùng Khái (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà). Ông Khái bị nhiễm độc vụ ga Gôi, nên có hai con trai bị bệnh chết sớm, con gái phát triển không bình thường.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Khái phải nuôi cả người con gái mang dị tật bẩm sinh. Hai cha con đều ốm yếu, nên cơm cháo thì chỉ biết trông cậy vào hàng xóm thương tình nấu cho, bữa no bữa đói.

img

Khi nhắc về hoàn cảnh éo le của đồng đội, sư thầy Đoán không khỏi nghẹn ngào xúc động.

Tại chùa Hưng Phúc hay còn có tên gọi là Chùa Văn, sư thầy Bùi Thị Đoán - một cựu TNXP tham gia vụ cứu tàu ga Gôi đã kể lại ký ức ngày oanh liệt đó.

Theo sư thầy, thời kháng chiến chống Mỹ, ga Gôi là đầu mối tập trung hàng hóa dân sự, quân sự để chi viện cho các chiến trường.

Để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa vào Nam, cuối năm 1965, Đội TNXP Thái Bình được thành lập với trên 1.200 đội viên gồm 6 đại đội, trong đó Đại đội TNXP 895 (C895) được giao làm nhiệm vụ trên tuyến đường sắt và khu vực lân cận từ ga Gôi đến ga Cát Đằng (Nam Định).

Các TNXP ở C895 lấy hầm trực chiến ven đường làm nơi ăn, kịp thời có mặt trên các điểm nóng cứu chữa, bảo vệ hàng hóa, san lấp hố bom, cùng công nhân sửa chữa, nâng cấp bảo dưỡng đường sắt, khắc phục hậu quả sau mỗi trận đánh phá của địch.

Khoảng 17h30 ngày 20/8/1966, khi một tàu quân sự vừa tập kết xong mấy trăm tấn hàng chủ yếu là vũ khí, đạn dược, lương thực, hóa chất… chuẩn bị rời ga vào chi viện cho chiến trường thì bất ngờ máy bay Mỹ ập tới, thả bom, khiến tàu bị bốc cháy, hàng hóa vỡ tung tóe.

Các TNXP của C895 lao lên cùng bốc dỡ hết hàng ra khỏi các toa tàu, dập lửa. Khi phần lớn hàng hóa đã được chuyển ra an toàn, thì toa cuối gần đầu máy chứa những thùng hóa chất phát nổ. 23 người gồm TNXP, công nhân đường sắt và dân quân địa phương đã bị nhiễm độc và hy sinh, 256 người khác bị nhiễm độc nặng, mang theo di chứng đến tận bây giờ.

"Tôi cũng gục xuống, ngất đi, khi tỉnh dậy mới biết đang nằm ở Bệnh viện Đường sắt tại Hà Nội. Tôi nằm liệt ba tháng trời rồi mới nhúc nhắc đi lại được, nhưng tai luôn ù, mắt mờ", sư Đoán kể.

img

Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ TNXP, công nhân và dân quân tại ga Núi Gôi - Nam Định.

Năm 1969, không đủ sức khỏe phục vụ trong đội TNXP, bà Đoán được chuyển ngành về Bệnh viện Thái Bình. Nhưng sức khỏe giảm sút, tai gần như điếc, lại thêm chứng lở ngứa khắp người, bà Đoán được gợi ý giải quyết chế độ. Mỗi tháng, bà được hưởng 26 đồng và 13kg gạo, không đủ chi dùng, vậy mà chỗ chế độ ít ỏi ấy bỗng bị cắt từ năm 1981.

Ốm yếu, không chồng con, không hưởng chế độ gì, nên khi bố mẹ quy tiên, bà Đoán về nương nhờ ở ngôi chùa này. Thấy cô con gái của một cựu TNXP bị di chứng chất độc hóa học, sư thầy Đoán đón cháu lên chùa chăm sóc.

"Giờ tôi và cháu nương tựa vào nhau. Rồi nhờ các cấp chính quyền, cấp hội giúp đỡ, tôi vừa được hưởng chính sách thương binh 4/4 từ tháng 11/2022", sư thầy Đoán cho hay.

Vướng mắc từ hồ sơ, giấy tờ

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đinh Nhật Lệ, nguyên Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Hưng Hà, nguyên Đại đội phó C895 cho biết, sau vụ ga Gôi, anh chị em C895 bị nhiễm độc, sức khỏe yếu, bệnh tật triền miên, nhiều người con cái tật nguyền, có người mất sớm, hoặc con cái bị di chứng.

Trong danh sách cựu TNXP vụ cứu tàu hàng ga Núi Gôi hiện còn bà Bùi Thị Sâm (SN 1947, xã Điệp Nông); bà Nguyễn Thị Cấp (SN 1948, xã Duyên Hải); bà Nguyễn Thị Lữ (SN 1947, xã Điệp Nông); ông Nguyễn Ngọc Duẩn (SN 1944, xã Hồng Lĩnh); bà Đào Thị Nga (SN 1948, xã Kim Chung); bà Kiều Thị Tím (SN 1940, xã Chí Hòa); bà Bùi Thị Kim (SN 1942, xã Hồng Minh vẫn chưa có chế độ chính sách gì.

Hiện, 7 cựu TNXP này đều mang trên mình những thương tích, những di chứng do nhiễm độc vụ ga Gôi, cuộc sống rất khó khăn.

"Anh Phạm Văn Cam về quê bị thần kinh lao xuống sông chết; chị Nguyễn Thị Được xã Điệp Nông thường bị co giật sùi bọt mép mất sớm; anh Hà Đức Lan xã Kim Chung nguyên là y tá C895 có con trai bị thần kinh thường xuyên đập phá đánh đuổi mọi người, 30 tuổi rồi nhưng vẫn phải xích tại nhà; chị Nguyễn Thị Túc xã Điệp Nông hai đời chồng nhưng không có con; chị Bùi Thị Đoán sức khỏe yếu, đi tu…", ông Lệ kể.

Theo ông Lệ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước cũng đã có những chính sách, chế độ dành cho các anh chị em TNXP làm nhiệm vụ ở ga Gôi. Nhưng vẫn còn một số cựu TNXP bị nhiễm độc, nhiều người có hoàn cảnh rất éo le, cơ cực, đến nay chưa được hưởng chế độ, chính sách nào.

Bà Đỗ Thị Hương, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hưng Hà cho biết, lực lượng cựu TNXP huyện hiện có 2.950 người, trong đó có 61 cựu TNXP tham gia chiến đấu tại ga Gôi. Đến nay, đã có 54 người đang được hưởng chế độ như thương binh, còn lại 7 người vẫn chưa được hưởng bất cứ chế độ gì, cuộc sống rất khó khăn.

Về 7 cựu TNXP tham gia sự kiện cứu tàu hàng ga Gôi hiện chưa có chế độ, bà Hương cho biết, đây đều là những người cao tuổi, neo đơn, ốm yếu, hoàn cảnh rất khó khăn, lại không có đủ giấy tờ, hồ sơ theo quy định. Do đó, những năm qua, dù các ban, ngành, chính quyền, hội… dần hoàn thiện thủ tục hưởng chế độ cho 54 cựu TNXP trong số 61 cựu TNXP từng chiến đấu ở ga Gôi, thì 7 người này vẫn "vướng" lại.

"Đã rất nhiều năm trôi qua, những cán bộ các cấp làm công tác này cũng đã nghỉ, chuyển việc. Giờ rất mong Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có chỉ đạo rà soát, đề xuất đặc cách để có chế độ giúp 7 cựu TNXP ga Gôi ngày ấy được hưởng chế độ, cho những năm tháng tuổi già bớt khốn khó", bà Hương đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.