Xã hội

Xót xa những gia cảnh mất chồng trong vụ tai nạn ở Formosa

24/04/2016, 09:02

Nỗi đau mất mát đối với các gia đình nạn nhân vụ sập giàn giáo kinh hoàng chưa thể nguôi ngoai.

chị Minh

Chị Nguyễn Thị Minh, vợ anh Phạm Công Sơn - một trong 13 nạn nhân tử vong vụ sập giàn giáo khóc nấc khi kể về chồng mình

Vụ sập giàn giáo xảy ra lúc 20h ngày 23/5/2015 do một hệ ván khuôn trượt có chiều cao khoảng gần 20m với trọng lượng hàng nghìn tấn bất ngờ đổ sập khiến 13 công nhân thiệt mạng và 29 người khác bị thương, khi đang thi công trong công trường dự án Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Đây là vụ tai nạn lao động thảm khốc nhất từ trước tới nay tại Hà Tĩnh.

Nhớ chồng, thương con không may gặp nạn

Bên bàn thờ con trai, bà Cao Thị Ba (trú tại xã Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An), mẹ anh Lâm Hữu Chính - nạn nhận tử vong vụ sập giàn giáo rưng rưng nước mắt khi nhớ lại: “Chính thương mẹ, thương vợ con lắm. Cứ vài tuần hay một tháng nó lại từ chỗ làm về thăm nhà. Mỗi lần về, Chính đều mua quà cho con và mua vài hộp sữa cho mẹ. Tôi thấy rất ấm lòng vì con cái hiếu thảo với bố mẹ. Nó ngoan hiền, bạn bè, xóm làng ai cũng quý mến. Từ ngày Chính gặp nạn, tôi khóc đã cạn nước mắt. Mỗi lúc nhớ con, lòng tôi lại héo hắt”.

gia đình bà ba- chị kiều

Mẹ anh Lâm Hữu Chính và con anh chưa nguôi nỗi buồn từ khi anh mất vì tai nạn sập giàn giáo

Từ ngày anh Chính mất, gia đình bà Ba, chị Kiều (vợ anh Chính) trống vắng hẳn. Đứa con mới 3 tuổi còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau mất bố, vẫn thường nô đùa rồi hỏi mẹ: “Bố đâu?”. Những khi ấy, bà Ba, chị Kiều chỉ biết quay đi chỗ khác, nuốt những giọt nước mắt vào trong.Anh Chính khi còn sống là lao động chính trong nhà, nay anh mất đi, nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào lương công nhân may của chị Kiều tròm trèm 3 triệu đồng/tháng. “Không chỉ chịu đựng nỗi đau mất người thân, từ ngày anh ấy mất đi, gia cảnh nhà tôi quá khó khăn. Với đồng lương công nhân, cả nhà tằn tiện lắm cũng không đủ chi tiêu, lúc ốm đau thì chẳng biết thế nào”, chị Kiều ngậm ngùi.

Cuộc sống “đảo chiều” sau khi mất người thân

Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Minh (xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), là vợ anh Phạm Công Sơn, một trong 13 nạn nhân tử vong, luôn nghẹn ngào khi nhắc đến người chồng đã khuất: “Anh Sơn ít nói, hiền lành, chịu thương chịu khó, suốt ngày chỉ làm việc kiếm tiền lo cho vợ con. Ngày anh gặp nạn, nhà mới xây chưa xong, đứa con thứ 4 mới được 5 tháng tuổi. Sau nhiều tháng kể từ khi anh Sơn mất, đứa con lớn học lớp 8 suốt ngày thắp hương gọi tên cha rồi khóc. Nhìn cảnh các cháu còn nhỏ mà đã mồ côi cha mà tôi quặn lòng”.

Cách đây hơn 2 năm, anh Sơn vào Vũng Áng làm thợ đổ bê tông, mỗi tháng thu nhập cả tăng ca gần 10 triệu đồng. Khi nhận lương, anh luôn dành dụm gửi về nhà để nuôi các con ăn học. Cuộc sống gia đình ở thôn quê tuy không khá giả nhưng nhờ vậy cũng ổn định, con cái cũng có điều kiện được ăn no mặc ấm hơn. Sau hơn 1 năm, anh Sơn quyết định xây ngôi nhà mới thay thế ngôi nhà tranh để mẹ già và vợ con có chỗ trú ngụ an toàn mỗi khi mưa bão. Thế rồi, nhà đang xây dang dở thì ác mộng bỗng từ đâu ập tới.

Từ ngày chồng mất, cuộc sống gia đình chị Minh gần như lâm vào bế tắc. Một mình chị phải chăm sóc bốn con nhỏ, điều kiện kinh tế khó khăn do thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào hai sào ruộng. Đứa con trai cả mới học lớp 8 nhưng hằng đêm vẫn phải ra đồng mò cua, bắt ốc để kiếm bữa ăn cho gia đình. Hàng ngày, chị Minh dậy từ 4h sáng để nấu cháo cho các con ăn sáng đi học. Cháu thứ 2 học lớp 2, cháu thứ 3 học mẫu giáo và cháu thứ 4 mới được 17 tháng tuổi. Do các con còn nhỏ nên chỉ khi nào bà nội trông nom giúp thì chị mới có thời gian để đi làm thuê làm mướn.

Tàn tật suốt đời, chỉ biết nhìn vợ con đói khổ

Cùng lâm vào hoàn cảnh bế tắc như chị Minh là gia đình anh Phạm Anh Dũng (32 tuổi, trú tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu) - nạn nhân bị thương trong vụ sập giàn giáo. Anh Dũng bị thương nặng ở vùng đầu, phải khâu 62 mũi, gãy nát cánh tay phải, gãy xương sườn, đứt gót chân trái. Sau gần 7 tháng điều trị, tập đi, tập ăn thì đến nay anh đã thoát được “lưỡi hái tử thần”, nhưng cuộc sống gia đình lại trở nên cùng cực. Anh là lao động chính trong gia đình, trước đây làm ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, mỗi tháng tích góp gửi về cho gia đình được 2 - 3 triệu đồng. Đầu năm 2015, anh Dũng chuyển về làm trong dự án Formosa, sau đó ít lâu thì bất ngờ gặp nạn.

Hiện tại, anh không thể lao động, ngay việc chăm sóc cho bản thân cũng đã gặp khó khăn. Vợ chồng anh có hai người con, cháu lớn 4 tuổi, cháu út 17 tháng tuổi, hiện cả gia đình đang sống chung với cha mẹ trong ngôi nhà nhỏ có 9 nhân khẩu. Thu nhập của đại gia đình cũng chỉ dựa vào 6 sào ruộng nên cuộc sống gia đình bấp bênh.

Bà Hoàng Thị Đào, mẹ của anh Dũng đau xót khẩn cầu: “Tôi mong sao phía công ty và các cơ quan liên quan tạo điều kiện làm cho cháu sổ bảo hiểm để hỗ trợ hàng tháng, chứ bây giờ em Dũng không làm gì được nữa, con tôi bị tật suốt đời rồi”.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, các đơn vị tham gia xây dựng dự án và các tổ chức, đơn vị, cá nhân đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân số tiền là 8,9 tỷ đồng, trong đó thân nhân mỗi người chết nhận hơn 500 triệu đồng, mỗi người bị thương nặng gần 90 triệu đồng, bị thương hơn 70 triệu đồng.

Ngày 16/12/2015, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt các bị cáo Kim Jong Wook (SN 1972, là chỉ huy trưởng công trường) 3 năm 6 tháng tù; Lee Jea Myeong (SN 1953, phụ trách tổ công nhân vận hành hệ thống thủy lực của giàn giáo Lane 2) 3 năm tù, cả 2 đều mang quốc tịch Hàn Quốc; Nguyễn Anh Tuấn (SN 1988, trú TX Ba Đồn, Quảng Bình) 3 năm tù, là tổ trưởng tổ công nhân vận hành hệ thống thủy lực Lane 2 và Nguyễn Thái Đức (SN 1985, trú huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) 30 tháng tù, là phụ trách bảng điều khiển giàn giáo Lane 2.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.