Bạn cần biết

Xót xa thân phận những bệnh nhân ung thư nhí

27/11/2017, 07:20

Ngồi trên chiếc xe lăn, bé Nguyễn Duy thi thoảng lại nở một nụ cười, dù đôi mắt rất buồn...

16

Nụ cười của em Nguyễn Duy bị ung thư xương trong ngày hội

“Mong con sớm lành bệnh để được đến trường”; “Con ước mẹ còn sống mãi với con”; “Con mong sao không có bạn nhỏ nào mắc ung thư nữa”… các “chiến binh nhí” đang ngày đêm chiến đấu với căn bệnh ung thư đã gửi hàng ngàn điều mơ ước đến với ngày hội hoa Hướng dương tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội.

Không buông tay, không đầu hàng

Ngồi trên chiếc xe lăn, bé Nguyễn Duy (15 tuổi, trú tại Tiền Hải, Thái Bình) một “chiến binh” 5 năm sống chung với căn bệnh ung thư xương, thi thoảng lại nở một nụ cười, dù đôi mắt rất buồn. Lên 10 tuổi, thi thoảng Duy cảm nhận được những cơn đau nhức trong xương ở cánh tay trái. Đến khi cơn đau không cưỡng lại được, cha mẹ đưa Duy đi khám ở tuyến huyện và được bác sĩ chỉ định chuyển lên thẳng BV Nhi T.Ư. Từ đó, nỗi bất an trong lòng bố mẹ Duy nhân lên gấp bội sau khi em được kết luận ung thư xương và được chuyển về điều trị tại Khoa Ung bướu, BV Nhi T.Ư. “Cả hai vợ chồng cùng đổ gục khi nhận hung tin này. Duy là con trai lớn trong nhà, bao hy vọng đặt vào con bỗng phút chốc tan như khói”, chị Đào Thị Tuyên (mẹ Duy) kể.

Nhắc lại câu chuyện của con, về khoảng khuyết trên cơ thể con bây giờ, đôi mắt chị Tuyên lại nhòe lệ. Ngay lần đầu tiên thực hiện xạ trị, truyền hóa chất, Duy sốc nằm cấp cứu 2 ngày đêm. Đến bác sĩ còn lắc đầu, nhưng bố Duy vẫn quyết tâm đến cùng cho Duy được tiếp tục “chiến đấu”. Năm đầu tiên nhập viện, Duy liên tục được thực hiện xạ trị 6 lần, nhưng cánh tay trái vẫn phải chấp nhận tháo bỏ để tránh nguy cơ tế bào K “chạy” sang bộ phận khác trên cơ thể. Tiếp sau đó, thêm 12 lần xạ trị tiêu diệt hết tế bào K còn lại, Duy được các bác sĩ cho về nhà với niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ và gia đình. Tuy nhiên, được 3 năm yên ổn, Duy lại tái nhập viện vì dấu hiệu K xương ở chân trái. Chỉ vào một phần đùi còn lại của con, chị Tuyên cho hay, chân trái của Duy phải cắt dần để tránh tế bào ung thư lan truyền. Cách đây chừng 15 ngày, thêm 10cm đùi nữa của Duy lại phải cắt đi...

Ngày hội hoa Hướng dương vì bệnh nhân ung thư lần thứ 10 được tổ chức ở 2 thành phố lớn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong đó, chương trình “Ước mơ của Thúy” năm 2017 trao 150 suất học bổng cho bệnh nhi ung thư khỏi bệnh trở lại trường (5 triệu đồng/suất), tặng khoảng 1.000 phần quà cho bệnh nhi ung thư đang điều trị ở 8 bệnh viện, chung tay thực hiện 800 ước nguyện của bệnh nhi. Theo ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư người lớn chữa khỏi (5 năm không tái bệnh) chiếm khoảng 40%; nhưng với bệnh nhi ung thư, tỷ lệ này khoảng 50%. Trong khi đó, ở nước ngoài con số này là 80%.

“Đớn đau con chịu, lòng mẹ cũng đau như cắt mà không biết làm thế nào. Có lúc Duy bảo tôi: “Mẹ ơi còn nước còn tát nhé”, nhưng cũng có khi con có tâm lý buông xuôi: “Thôi đằng nào cũng thế, mẹ đừng cho Duy đến viện nữa”. Nhưng nhìn con mạnh mẽ vượt qua hàng chục lần xạ trị, phẫu thuật, mình không cho phép buông tay”, chị Tuyên chia sẻ.

Mẹ Duy làm nông nghiệp, thế nhưng mấy khoảnh ruộng 2 năm nay cũng bỏ hoang vì suốt tháng ngày theo con vào viện. Bố Duy làm thợ phụ hồ, đồng lương ít ỏi, nhưng cũng đã ứng trước đến vài tháng để góp đủ tiền cho em lên viện mỗi tháng. Có chiếc xe máy cà tàng làm phương tiện đi làm, bố Duy cũng bán nốt. Chị Tuyên nói: “Không được phép ốm cô ạ, giờ làm để trả nợ ứng trước lương. Nơi nào có thể vay đều đã đi vay đủ cả, vay hộ nghèo, vay anh em họ hàng, thậm chí, đợt trước cần nhiều tiền mua thuốc cho Duy, gia đình nhắm mắt vay 24 triệu đồng trả lãi ngày… mà chưa biết phải làm sao”.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Duy cho hay em ước cho chiếc xe đạp cho em gái đến trường. Đằng sau đó là cả niềm mơ ước được tới trường của Duy.

Tương tự là gia cảnh của chị Nguyễn Thị Thao (Yên Dũng, Bắc Giang), mẹ bé Phương Thảo. Ôm bụng bầu to vượt mặt, chị Thao vẫn đều đặn 20 ngày/tháng “nằm viện” cùng con. Bé Phương Thảo có đôi mắt rất sáng, nụ cười hiền. Đợt này tóc Thảo còn chớm dài, mượt nhưng em đang chuẩn bị bước vào truyền hóa chất phác đồ 3. Tóc Thảo sẽ rụng, đôi mắt lại héo hắt theo từng dòng hóa chất ngấm vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư gây lên ung thư phần mềm, phần đùi phải của Thảo.

Chị Thao cho hay, giờ Thảo 8 tuổi, 2 mẹ con cùng nhau “chinh chiến” suốt 3 năm qua. Cũng như gia đình Duy, bố Thảo cũng là phụ hồ, tiền lương kiếm được phụ thuộc ngày nắng, ngày mưa. “3 năm chạy chữa cho Thảo, khoản nợ đã gần 100 triệu đồng mà chưa biết đến ngày nào trả được. Khó khăn về kinh tế có chồng chất, gia đình cũng không ngừng chữa trị cho con”, chị Thao tâm sự.

Cùng con mọi nẻo đường

“Con ước mong sao mẹ con mãi khỏe mạnh, để dạy học, để hàng ngày chăm sóc chị em con”, bệnh nhân nhí Nguyễn Bảo Ngọc (Thanh Chương, Nghệ An) đã chia sẻ niềm mơ ước của mình tại ngày hội hoa Hướng dương như vậy. Cũng như Ngọc, chị Phạm Thu Hà (mẹ em) cùng mắc ung thư máu, cùng điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ. Ba năm trước, chỉ sau 7 ngày đưa con nhập viện điều trị ung thư máu cấp tính, chị Hà cũng bất ngờ nhận hung tin mình mắc ung thư máu thể hạch. Chị Hà nhớ lại: “Mọi thứ như sụp đổ. Giai đoạn đầu chỉ tóm lại ở hai chữ tuyệt vọng. Nhưng nhìn con thơ không cho phép mình yếu đuối. Phải cùng nhau chiến đấu thôi”.

Trong hành trình đau đớn, mỏi mệt 3 năm qua, hai mẹ con chị Hà may mắn có người đồng hành là người chồng, người cha tuyệt vời. Những lúc điều trị hóa chất, cả hai mẹ con cùng mệt mỏi, đau nhức khắp người, sốt, ho, viêm phổi... một tay anh tỉ mỉ, chu đáo chăm sóc. Đến thời điểm này, tiến triển bệnh của hai mẹ con cùng khả quan hơn, mỗi tháng chị Hà đưa con ra viện truyền hóa chất 1 lần khoảng 3-4 ngày, còn chị vẫn dùng thuốc uống duy trì. Tạm thời, cả hai vợ chồng chị đều trở về với công việc dạy học ở Thanh Chương, Nghệ An.

Bé Bảo Ngọc tuy ốm nhưng chịu khó học, tranh thủ thời gian rảnh khi điều trị là Ngọc được mẹ kèm thêm. Ngọc khoe: “Năm vừa rồi con còn đạt học sinh xuất sắc. Cô ơi, con còn ước mơ sau này sẽ trở thành ca sĩ, để con được mang tiếng hát, niềm vui đến cho nhiều bạn nhỏ khác”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.