Pháp đình

Xử án trực tuyến cần gì để khả thi?

28/09/2021, 06:22

TAND Tối cao đang hoàn thiện dự thảo quy chế xét xử trực tuyến các vụ án trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nhiều nhà nghiên cứu luật pháp cho rằng, đây là một xu thế tiên tiến, có nhiều ưu điểm, song đối với những vụ án hình sự, phức tạp thì cần phải nghiên cứu thật kỹ trước khi áp dụng.

Xét xử trực tuyến những vụ án chứng cứ rõ ràng

Theo Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến mà TAND Tối cao đang hoàn thiện, xét xử trực tuyến sẽ có sự hỗ trợ từ các thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng truyền hình được thiết lập, kết nối với nhau.

Phiên tòa trực tuyến sẽ được mở tại tòa án với thành phần tham gia là hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư. Riêng bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác không bắt buộc phải có mặt tập trung tại một phòng xử án nhưng vẫn đảm bảo nhìn thấy mọi hình ảnh, diễn biến phiên tòa xét xử và có thể trao đổi với nhau.

img

Quang cảnh một phiên tòa công khai

Dự thảo cũng quy định cụ thể về các vụ án được đưa ra xét xử trực tuyến. Trong đó, sẽ xét xử các vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng (phạt tù đến 3 năm), nghiêm trọng (phạt tù đến 7 năm) hoặc rất nghiêm trọng (phạt tù đến 15 năm) nhưng chứng cứ đã rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam hoặc chấp hành án tại cơ sở giam giữ.

Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng; các vụ việc có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài; vụ việc phải có sự tham gia của người phiên dịch; vụ việc thuộc trường hợp xử kín; vụ án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; xâm hại về chức vụ, hoạt động tư pháp… sẽ không xét xử trực tuyến.

Ngoài ra, chỉ xét xử trực tuyến khi bị cáo, đương sự có văn bản đồng ý xét xử trực tuyến, văn bản đề nghị của nơi giam giữ; văn bản đồng ý xét xử trực tuyến của kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong vụ án.

Trong trường hợp đang xét xử bị rớt mạng, mất điện hoặc do sự cố khách quan không thể tiếp tục thì sẽ có quyết định tạm ngừng phiên tòa.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đào Đình Trợi, nguyên Phó chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, đây là cách làm đã được một số nước trên thế giới áp dụng.

Với sự phát triển công nghệ thông tin hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được xét xử trực tuyến, không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh.

“Dễ nhận thấy, lợi ích của việc xét xử trực tuyến là tiết kiệm được thời gian đi lại của những người tham gia tố tụng, giảm thiểu tối đa những yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ xét xử các vụ án”, ông Trợi nói.

Với kinh nghiệm đã từng xét xử nhiều vụ án, ông Trợi cho biết, việc xét xử trực tuyến nếu được áp dụng thì sau này những vụ án muốn xét xử lưu động sẽ không cần tổ chức lưu động (tốn công sức chuẩn bị) mà chỉ kết nối đến phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân có thể biết đến phiên tòa.

Cần xem xét kỹ lưỡng

Đồng tình với việc xét xử trực tuyến, song luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, để thực hiện ở nước ta thì cần phải làm rõ một số vướng mắc, cũng như cơ chế pháp lý cho hình thức này.

“Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, HĐXX phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của Viện Kiểm sát và những người tham gia tố tụng khác, xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; Công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ... Vậy sẽ thẩm định chứng cứ thế nào nếu xét xử trực tuyến? Việc thẩm định qua màn hình trực tuyến có đảm bảo chính xác hay không? Trong một vụ án, thẩm phán và kiểm sát viên có thời gian tiếp cận chứng cứ, còn hội thẩm nhân dân sẽ tiếp cận chứng cứ thế nào?”, luật sư Hậu đặt câu hỏi.

Theo luật sư Hậu, để xét xử trực tuyến những hồ sơ tài liệu trong vụ án cũng cần phải được số hóa, cần đảm bảo yếu tố bảo mật.

Thẩm phán, kiểm sát viên cũng phải được đào tạo kỹ năng để có thể làm chủ phiên tòa như trong phiên xét xử trực tiếp. Vì vậy, nếu áp dụng xét xử trực tuyến thì nên thử nghiệm trước ở các vụ án hành chính, dân sự, còn những vụ hình sự, phức tạp cần phải được nghiên cứu kỹ hơn.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, dự kiến phạm vi xét xử trực tuyến rất rộng, nếu xử đúng, “không có vấn đề gì” thì quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đảm bảo.

Nhưng nếu không may xảy ra bất cứ chuyện gì làm mất hoặc hạn chế các quyền của cá nhân, tổ chức sẽ rất dễ bị đặt vấn đề “xử trực tuyến có đảm bảo không”?

“Tôi nghĩ cần thận trọng. Có thể chúng ta áp dụng xử sơ thẩm trước và riêng án hình sự áp dụng chậm hơn. Quyền con người không được phép sai số. Chúng ta làm thế nào để xử xong thì bị cáo phải tâm phục, khẩu phục, những người tham gia tố tụng được bảo đảm tất cả mọi quyền”, ông Thịnh nói.

Chiều 21/9, Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao TAND Tối cao chuẩn bị Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về xét xử trực tuyến, do đó để áp dụng hoặc là Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật cho phép thực hiện hoặc là Quốc hội ban hành nghị quyết.

Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc đưa hình thức xét xử trực tuyến vào các phiên toà là chủ trương đúng, cần thiết, tuy nhiên cần hết sức thận trọng vì liên quan hiến pháp và quyền công dân.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đảng đoàn, Ban Cán sự TAND Tối cao hoàn thiện văn bản báo cáo lại Bộ Chính trị cho chủ trương, sau đó trình ra kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.