Thế giới

Xu hướng kỳ thị người châu Á tại Australia, Mỹ thêm khốc liệt

15/06/2020, 05:52

Trong xã hội Mỹ hiện nay, một bộ phận người châu Á (đặc biệt là người Trung Quốc) cũng đã và đang phải hứng chịu sự phân biệt chủng tộc nặng nề.

img
Bên cạnh người gốc Phi, người châu Á cũng muốn nói lên những hành vi kỳ thị chủng tộc trong xã hội Mỹ và Australia

Vấn đề kỳ thị không phải đến khi xảy ra vụ một người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát chẹn cổ đến chết mới “dậy sóng” mà thực tế trong xã hội Mỹ hiện nay, một bộ phận người châu Á (đặc biệt là người Trung Quốc) cũng đã và đang phải hứng chịu sự phân biệt chủng tộc nặng nề. Xu hướng này càng lên cao sau khi đại dịch Covid-19 được cho là lan từ Vũ Hán, Trung Quốc ra thế giới.

Số vụ kỳ thị người châu Á hậu Covid-19 tăng cao

Theo báo Sputnik phiên bản tiếng Anh, tình hình phân biệt đối xử với người châu Á nói chung và người Trung Quốc nói riêng tại các nước phương Tây như Mỹ và Australia được nhận định là ở mức sâu sắc hơn cả các cuộc biểu tình chống người da đen tại Mỹ và trên toàn thế giới. Chẳng hạn như câu chuyện của cô Yuanyuan Zhu, một phụ nữ gốc Hoa, 26 tuổi, đã định cư tại Mỹ 5 năm.

Khoảng đầu tháng 3 vừa rồi, Yuanyuan Zhu bị một người đàn ông lạ mặt người Mỹ chửi bới, lăng mạ sau khi hai người vô tình chạm mặt nhau trên đường đến phòng gym ở San Francisco. Cô gái trẻ không kiềm chế được nước mắt vì quá sốc trước thái độ của người lạ mặt kia.

“Tại Australia, những sự việc tấn công phân biệt chủng tộc với người gốc Á đang xảy ra, lên tới ngưỡng không thể chấp nhận”, TS. Ching Chang, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Đài Loan tại Đài Bắc cho biết.

Thậm chí đến mức Bắc Kinh phải gióng hồi chuông cảnh báo về nạn phân biệt đối xử ngày càng khốc liệt, chống lại người Trung Quốc ở Australia và Mỹ. Phản ứng trước những cáo buộc của Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Australia Mathias Cormann tái khẳng định, Australia luôn có thái độ “hoan nghênh” và “thân thiện”. Nước này rất quan tâm tới du học sinh từ Trung Quốc bởi tổng chi phí thường niên của nhóm này cho ngành giáo dục lên tới 12 tỉ đô-la Australia (tương đương 8 tỉ USD), theo tính toán từ Reuters.

Theo ghi nhận của luật sư, nhà văn và nhà ngoại giao Mỹ Michael Springmann, thực chất, không phải đến Covid-19 mà những báo cáo về tình trạng phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á đã có từ thế kỷ thứ XIX, khi người châu Á tới Mỹ để làm việc trên các tuyến đường sắt xuyên lục địa.

Sau làn sóng di cư đầu tiên, Mỹ ra Luật Loại trừ đối với Trung Quốc vào năm 1882, trong đó cấm người lao động nhập cư Trung Quốc vào Mỹ trong 10 năm, đặt ra một số hạn chế đối với người Trung Quốc đã đến Mỹ.

Sau khi luật này hết hạn vào năm 1892, Quốc hội Mỹ tiếp tục mở rộng thời hạn hiệu lực và bãi bỏ vào năm 1943. Tuy nhiên, vẫn có một luật khác là Luật Nhập tịch năm 1870, cấm người Trung Quốc nhập tịch vào Mỹ trong khi lại mở rộng quyền công dân đối với người Mỹ gốc Phi. Cuối cùng, vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lập trường chống Trung Quốc được thổi lên, phần lớn do sự đối đầu về địa chính trị giữa khối Tư bản và Chủ nghĩa Xã hội.

Nguyên nhân khiến thái độ bài Trung càng sâu sắc

Nhận định về nguyên nhân khiến tình trạng bài Trung nói riêng, phân biệt đối xử với người châu Á nói chung gia tăng, TS. Chang cho rằng, mâu thuẫn giữa Chính phủ Australia với Trung Quốc “về cơ bản chỉ là mở rộng sự thù địch giữa Bắc Kinh và Washington sang Australia”.

Người Trung Quốc tại Mỹ, bao gồm cả những người có nét giống người Trung Quốc, chiếm khoảng 1,5% trong dân số Mỹ; trong khi người Mỹ gốc Phi chiếm khoảng 13%.


Đồng tình với học giả tại Đài Loan, ông James O’Neill, nhà phân tích về địa chính trị, luật sư làm việc tại Australia nói thêm: “Những cáo buộc mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra thực chất là phản ánh cách chính quyền Bắc Kinh phản ứng với việc Australia ủng hộ Mỹ trong chiến dịch chống Trung Quốc của họ”.

Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia rơi vào bế tắc khi Canberra kêu gọi điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc virus Corona mới tại Vũ Hán, phần lớn là ủng hộ lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó, ông Trump nhiều lần gọi virus gây ra đại dịch Covid-19 là “virus Trung Quốc” và không loại trừ khả năng loại virus gây chết người này đã “lọt” ra từ phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán.

Bên cạnh đó, ông O’Neill thừa nhận, chính cách xử lý thiếu thỏa đáng của chính quyền các nước sở tại đã khiến tình trạng phân biệt đối xử với du học sinh châu Á ngày càng tồi tệ. Theo ông O’Neil, bản thân Chính phủ Tổng thống Trump có lẽ là tác nhân không nhỏ khiến thái độ phân biệt đối xử với chính phủ cũng như người dân Trung Quốc tại Mỹ thêm sâu sắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.