Thời sự

Xử lý hình sự, truy thu thuế tài sản bất minh của cán bộ

06/03/2018, 09:23

Đó là một hướng đi mới được Chính phủ đề xuất tại Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi...

5

Cơ ngơi đồ sộ của ông Phạm Sỹ Quý (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Yên Bái), người bị Thanh tra Chính phủ cho rằng “kê khai tài sản chưa đầy đủ”

Không loại trừ việc tịch thu tài sản

Ngày 5/3, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 8, cho ý kiến về dự thảo này. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đề xuất phương án xử lý thông qua việc truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý và coi đây như là khoản thu nhập vãng lai phát sinh mà người kê khai hoặc vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai phải nộp theo quy định.

Theo đó, áp dụng tương tự pháp luật về thuế thu nhập cá nhân hiện hành, mức thuế suất áp dụng để truy thu thuế có thể ở mức 45% giá trị tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý tại thời điểm xác minh. "Việc truy thu thuế này không loại trừ xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội", ông Khái nói.

Đại diện nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, hiện nay, tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có) có thể bị tịch thu, tiêu hủy... theo quy định của pháp luật. Riêng đối với tài sản mà người sở hữu có được một cách bất thường, không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp thì đến nay vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi đây là những tài sản tiềm ẩn nguy cơ có nguồn gốc từ tham nhũng, vi phạm pháp luật. Do đó, việc bổ sung quy định xử lý đối với các loại tài sản này là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, việc dự thảo Luật quy định chung một hình thức xử lý cho tất cả các trường hợp kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa phù hợp. Bởi thực tế, tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có thể phân thành các loại khác nhau như: Tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp; tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc; tài sản, thu nhập có kê khai nhưng không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc…

6
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp

Thu hồi tài sản phải qua con đường tư pháp

Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp đánh giá: "Luật PCTN khó đến nỗi tôi tham gia làm luật này khi tóc còn xanh, giờ sắp về hưu rồi chúng ta vẫn loay hoay!". Vì thế, theo ông Quyền, chúng ta không cầu toàn được.

Đánh giá về kê khai tài sản những năm qua, ông Quyền cho rằng, việc này “như đùa”, chẳng để làm gì, chẳng kiểm soát được gì và hiệu quả rất thấp. Vì thế, ông lưu ý lần này cần tính đến mở rộng đối tượng kê khai không nên làm một cách tràn lan.

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, ông Quyền so sánh, trong khi ở các nước, thẩm quyền này thuộc về cơ quan thuế và kiểm toán, họ làm rất bài bản, minh bạch thì ở nước ta, kê khai sau đó lại "giao cho mấy ông tổ chức cán bộ đi xác minh". “Có vụ án tôi đưa ra Quốc hội đề nghị giám sát, 14 năm với 4 vòng tố tụng về xác minh tài sản, bản án cuối cùng quay về bản án sơ thẩm ban đầu. 14 năm mới xác định được tài sản của ai, vậy mà chúng ta lại giao cho ông tổ chức cán bộ của cơ quan đó (không biết gì về tài sản, không biết gì về tố tụng...) đi xác minh thì sao làm được?”, ông Quyền dẫn chứng và cho rằng, cần có cơ quan chuyên trách làm việc này, vì quan trọng nhất của kiểm soát tài sản là xác minh.

Liên quan tới việc xử lý tài sản bất minh, ông Quyền cho rằng, không thể xử lý bằng thuế được, vì sẽ vi phạm các quy định của luật khác, trong đó có Luật Phòng, chống rửa tiền. “Vấn đề thu hồi tài sản của một cá nhân, tổ chức nào đó phải qua con đường tư pháp. Đó là con đường duy nhất hợp hiến và hợp pháp. Cần quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp không chứng minh được nguồn gốc của tài sản là hành vi tội phạm và do tòa án phán xử”, ông Quyền góp ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần phân biệt làm giàu bất hợp pháp và tài sản không giải trình được là hai việc khác nhau. Bà đồng tình cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng phải bằng con đường tư pháp. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không khẳng định đó là tài sản tham nhũng mà Chính phủ chỉ nói đây là khoản thu nhập bất thường, không giải trình được nguồn gốc thì Nhà nước coi đây là khoản thu nhập bất thường cần phải đánh thuế thu nhập.

Ai kiểm soát tài sản cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý?

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật PCTN sửa đổi lần này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đối tượng có nghĩa vụ kê khai gồm: Các ĐBQH và HĐND các cấp; người ứng cử ĐBQH, HĐND; cán bộ, công chức; một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, DNNN hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các DN có vốn Nhà nước.

Liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, nhiều ý kiến đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan Đảng, mọi trường hợp phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến tán thành với quy định Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của một số đối tượng nhất định như dự luật.

Lần này, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan Đảng mà áp dụng các quy định của Luật PCTN như đối với cán bộ, công chức nói chung.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.