Xã hội

Điện mặt trời vỏ bọc trang trại: Xử lý nghiêm, giảm giá mua sẽ hết gian dối

26/03/2021, 10:00

Tới nay việc “trám” lỗ hổng trục lợi từ sản xuất điện mặt trời thế nào và xử lý sai phạm ra sao thì các cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay…

img

Một dự án sản xuất điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại chăn nuôi tại thôn Nam Tiến (xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Ngọc Hùng

Dù các “lỗ” hổng và hệ lụy cũng như sai phạm của dự án điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại đã được chỉ ra, tuy nhiên, tới nay việc “trám” lỗ hổng thế nào và xử lý sai phạm ra sao thì các cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay…

Chưa làm nên... chưa biết để rút kinh nghiệm?

Trao đổi với PV Báo Giao thông về việc truy trách nhệm xử lý những sai phạm trong thực hiện đấu nối, mua bán điện khi đơn vị chưa có giấy chứng nhận kinh tế trang trại, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí chưa thi công xong đã được công ty điện lực cho đấu nối vào hệ thống điện, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lương tái tạo (Bộ Công thương) nhận định: “Trong trường hợp này thì người thực hiện đang sai. Đây là hành vi gian dối - “không có bảo thành có”. Có nghĩa rằng, đang trục lợi giá điện để được ưu đãi giá cao. Dựa vào hành vi, nếu cần thì xử lý hình sự”.

Tuy nhiên, nói về công tác hậu kiểm, ông Dũng cho rằng: “Đoàn thanh tra hay địa phương đi kiểm tra cũng không thể trăm tay trăm mắt là phát hiện ra hết, mà ở đâu đó, ai đó phát hiện ra thì hoàn toàn có thể mời cơ quan quản lý Nhà nước xử lý sự việc”.

Theo vị Cục trưởng, mọi chính sách đều không bao trùm được hết tất cả hiện tượng, chưa kể các chính sách dành cho điện mặt trời cũng liên tục thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. “Nhiều nước trên thế giới không vấp phải việc này, mình cũng chưa làm bao giờ làm nên cũng chưa biết để rút kinh nghiệm”, ông Dũng nói.

Trước vấn đề xử lý trách nhiệm khi phát hiện sai phạm, ông Dũng cho rằng có rất nhiều bên liên quan.

Cụ thể, sau khi đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện, các nội dung liên quan đến lĩnh vực điện như: Công suất, chất lượng điện năng, thời gian phát... sẽ do công ty điện lực tỉnh tiếp tục giám sát. Nội dung liên quan đến hoạt động của các dự án nông nghiệp lại do địa phương từ cấp xã, huyện, tỉnh giám sát...

“Việc xử lý có vi phạm hay không sẽ thuộc quyết định của địa phương, còn Bộ chỉ quản lý theo lĩnh vực điện. Nhưng nếu địa phương nói “cái này vi phạm về quản lý đất đai, nông nghiệp” mà bị thu hồi thì dự án đó không có cơ sở tồn tại. Như vậy, còn gì mua bán điện mà xử lý. Số tiền điện vi phạm suốt thời gian đó sẽ được truy thu đến cùng so với mức chênh lệch của hệ thống điện mặt trời Farm đơn thuần”, ông Dũng cho biết.

Tương tự, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, trách nhiệm giám sát hoạt động và xử lý sai phạm dự án trang trại nông nghiệp làm điện mặt trời thuộc cấp địa phương quản lý.

“Địa phương có thể dựa vào các mức độ vi phạm để đưa ra mức phạt như hành chính, nhắc nhở và sau đó là thu hồi nếu không hoạt động đúng cam kết”, vị này nói và cho biết thêm: “Thông tư 02 quy định tiêu chí kinh tế trang trại cũng phân loại rõ các loại hình trang trại, ứng với các giá trị sản xuất bình quân hàng năm phải đạt được. Theo dõi, thống kê và có báo cáo hàng năm từ xã, huyện và tỉnh. Từ báo cáo đó, các cấp sẽ có trách nhiệm quản lý”.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện Tập đoàn cho hay: “Nếu đơn vị trực tiếp mua điện nhưng sai quy định, không đầy đủ thủ tục thì EVN sẽ đứng ra xử lý. Ngoài ra, sở công thương các tỉnh hoàn toàn có thể xử lý được bởi đây là đơn vị quản lý Nhà nước về mặt điện lực tại địa phương”.

Khi PV đặt câu hỏi về trách nhiệm của EVN địa phương nói riêng và cả EVN khi để xảy ra vi phạm trong nghiệm thu ký kết hợp đồng mua điện, vị này từ chối và cho biết: “Chưa dám phát ngôn vì quá trình kiểm tra chưa xong. Còn theo báo cáo thì các đơn vị làm theo đúng quy định”.

Giá mua điện sẽ thay đổi theo công suất

Lý giải vì sao các dự án điện mặt trời núp vỏ bọc trang trại nông nghiệp được thiết kế phân nhỏ công suất, chia sẻ với PV Báo Giao thông, lãnh đạo một nhà đầu tư điện mặt trời cho hay: Để đầu tư 1MW điện mặt trời mái nhà theo mô hình trang trại kinh tế, chi phí đầu tư khoảng 11 - 12 tỷ đồng. Nếu tính thời gian nắng tốt trung bình khoảng 6 giờ/ngày thì chỉ khoảng 3 - 4 năm có thể hoàn vốn với mức giá FIT theo Quyết định 13, mức hơn 1.900 đồng/kwh.

Trong khi đó, nếu là điện mặt trời nối lưới đơn thuần, giá bán chỉ hơn 1.600 đồng/kWh, cũng có nghĩa nhà đầu tư phải mất 4,8 - 5 năm mới hoàn vốn. “Chưa kể, chi phí giải tỏa mặt bằng, đất đai… cộng thêm thời gian chờ đợi bổ sung quy hoạch, xin cấp phép dự án từ Bộ Công thương, cũng mất nhiều năm”, vị này cho hay.

Trước tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời áp mái trong thời gian qua, Bộ Công thương đang xin ý kiến góp ý về dự thảo chính sách giá mới theo hướng quy định một tỷ lệ nhất định của các hộ sản xuất điện để tập trung vào đối tượng tự dùng là chính. Theo đó, bổ sung thêm quy định tự dùng tối thiểu 20% sản lượng điện mặt trời, chỉ thanh toán tiền mua điện tối đa là 80%.

“Giá điện mặt trời mái nhà cũng sẽ thay đổi theo công suất. Tức, công suất nhỏ sẽ được ưu tiên mua giá cao hơn, tương ứng cỡ dự án gia đình khoảng vài chục kW đến 100 kW. Lúc đó, những dự án 1MW không được khuyến khích bằng những dự án quy mô nhỏ hơn khác”, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết.

Thừa nhận rằng thời gian qua đã có chuyện lách luật, có lợi dụng kẻ hở chính sách để trục lợi giá cao, tuy nhiên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, dự thảo mới về giá điện mặt trời mái nhà cũng đã tính toán hạ xuống khoảng 30%, mức 5,3 - 5,8 cent/kWh (khoảng 1.300 đồng/kWh).

“Đây là mức giá có thể hạn chế được tình trạng đầu tư ồ ạt như thời gian qua khi bắt buộc nhà đầu tư phải có tính toán nên đầu tư hay không. Giá cao không còn, việc đầu tư chỉ để bán điện chắc chắn bị hạn chế”, ông Ngãi nói.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi trục lợi chính sách

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, xử lý thông tin báo chí phản ánh ý kiến chuyên gia về phát triển điện mặt trời tăng trưởng đột ngột và quá nóng trong năm 2020.

Trước đó, ngày 17/2, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương, các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời; nghiên cứu, xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết trong phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, nhất là các hành vi trục lợi chính sách; kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua; xử lý nghiêm trong phạm vi thẩm quyền các sai phạm nếu có.

GS.TS. Hoàng Văn Cường (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội):
Đừng để thành việc đã rồi

Với việc đầu tư tràn lan điện mặt trời như thời gian qua thì nguy cơ “khủng hoảng” thừa là điều rất có thể xảy ra. Ở đây trách nhiệm của địa phương phải quản lý đất đai xem các chủ trang trại có sử dụng đúng mục đích hay không, bởi luật đã quy định rất rõ.

Ở đây cũng có vấn đề là khi chúng ta thu mua điện mặt trời giá cao nhưng lại không lường trước được những phát sinh như hiện nay. Với tình hình như hiện nay thì cần có cơ chế nào đó để dừng ngay việc trục lợi chính sách. Thứ hai là cần có quan điểm dứt khoát với dự án đã và đang, hoặc chuẩn bị triển khai, để sau này không thành việc đã rồi.

Phùng Đô (Ghi)

Bắt buộc phải có quy định hậu kiểm rõ ràng

Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, để ngăn chặn trục lợi chính sách điện mặt trời, bắt buộc phải có quy định về hậu kiểm rõ ràng mới quy được trách nhiệm quản lý và xử lý giữa các bên. Tức là, phải có thanh tra đột xuất, thanh tra thường kỳ do địa phương, sở công thương các tỉnh, điện lực địa phương phối hợp với nhau.

Theo đó, cần đặt ra các quy định bổ sung. Đơn cử cần đưa ra một chế tài hậu kiểm chuẩn, theo lộ trình thời gian như sau 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm. Nếu hết thời hạn, chưa đạt được các tiêu chí trang trại nông nghiệp thì hợp đồng mua bán điện theo giá FIT của điện mặt trời mái nhà vô hiệu hóa, buộc phải trả lại tiền thừa hoặc bị cắt hợp đống bán điện.

Ngược lại, không đưa ra quy định hậu kiểm thì chẳng ai làm được gì cả dù biết sai, hoạt động này trong tương lai đương nhiên sẽ “bung”. Chúng ta chẳng xử lý được gì mà chỉ biết ngồi kêu với nhau”.

Địa phương đồng loạt kiểm tra sau phản ánh của Báo Giao thông

Ngày 25/3, ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk cho biết, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện rà soát tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh. Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở NN-PTNT, Sở TN&MT, Công ty Điện lực Đắk Lắk thực hiện, thời gian từ ngày 25/3/2021 đến 25/4/2021, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 5.

Tại Gia Lai, chiều ngày 25/3, Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, Ban tuyên Giáo Tỉnh ủy đã nắm thông tin Báo Giao thông phản ánh liên quan đến việc phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn. Ban Tuyên giáo đã có văn bản đề nghị Sở Công thương sớm kiểm tra, tham mưu cho UBND tỉnh có giải xử lý.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra tình hình triển khai đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh, thời gian kiểm tra đến ngày 16/4.

Trước đó, ngày 22/3, sau khi nắm thông tin Báo Giao thông phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan vào cuộc làm rõ.

Ngọc Hùng - Vĩnh Yên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.