Xã hội

Xử lý nghiêm những phóng viên, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp

16/05/2022, 15:19

Theo thống kê của Hội Nhà Báo Việt Nam, trong năm 2021, qua công tác kiểm tra đã xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Ngày 16/5, tại Thanh Hoá, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Hội năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Trong khuôn khổ diễn ra Hội nghị, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, Chi hội các cơ quan báo chí đã tham gia thảo luận về công tác nghiệp vụ, đạo đức người làm báo trong thời đại 4.0.

img

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Hội năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

Theo số liệu thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong năm 2021, Hội đã kết nạp 1.767 hội viên, thành lập mới 11 chi hội, tiến hành xoá tên 505 hội viên. Tính đến tháng 4/2022, sau khi đổi thẻ hội viên giai đoạn 2021-2022, Hội Nhà báo Việt Nam có 21.201 hội viên và 288 tổ chức Hội.

Liên quan đến công tác kiểm tra, phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm 2021 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

img

Ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng xử lý vi phạm, với tư cách cơ quan thường trực của Hội đồng, Ban kiểm tra đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo, khiếu nại phản ánh, đồng thời đôn đốc xử lý 100% đơn thư, đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp nhà báo, hội viên vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, trong đó có một số vụ việc, hội viên, nhà báo và phóng viên bị bắt vì chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, trong những năm qua lần đầu tiên có vụ việc hội viên, nhà báo liên quan đến đánh bạc.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cũng chỉ ra một số hạn chế của các cấp hội cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập khi một số hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng xấu đến uy tín của báo chí và tổ chức hội.

img

Các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc được trao tặng Bằng khen tại Hội nghị

“Không ít trường hợp hội viên, hội nhà báo vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, thậm chí có hội viên bị thu hồi thẻ và xử lý hình sự. Quản lý hội viên ở các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện ở một số địa phương còn bị buông lỏng, qua đó đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp nhà báo, hội viên vi phạm pháp luật”, ông Dũng nêu.

Liên quan đến vấn đề trên, tham luận tại Hội nghị, ông Đinh Anh Đức - Phó Chủ tịch Hội thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sơn La kiến nghị Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cần có chế tài cụ thể, quản lý hội viên báo chí, nhất là các phóng viên nhà báo ở các Tạp chí ở Trung ương khi về cơ sở viết tin bài hay sách nhiễu, gạ gẫm quảng cáo, viết rồi ép trả tiền theo kiểu thanh lý hợp đồng, hoặc là bắt mua hàng chục đầu sách, tạp chí dày cộp…ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, uy tín người làm báo chân chính.

Còn nhà báo Nguyễn Xuân Hồng - Trưởng phòng Thư ký tòa sạn Báo Điện tử Chính phủ - Cổng thông tin điện tử Chính phủ nêu vấn đề rèn luyên đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong thời đại 4.0. Trong đó, cần kịp thời phát hiện và có chế tài xử lý những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của cộng tác viên, phóng viên, nhà báo.

Các cơ quan nhà nước quản lý báo chí và cơ quan pháp luật cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện và xử lý nghiêm những nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp bằng nhiều hình thức là đình bản, rút giấy phép, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên. Những hành vi vi phạm pháp luật đến mức truy tố thì xét xử nghiêm minh để tăng tính răn đe, cảnh báo với những người có ý định làm sai.

Cũng tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Hội năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Hội đồng thi đua, khen thưởng Hội Nhà báo Việt Nam đã xem xét, quyết định tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 8 tập thể, tặng bằng khen cho 15 tập thể và 17 cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.