Chuyện dọc đường

Xử xe trá hình khó thế sao?

22/03/2021, 06:12

Xử lý xe trá hình khó đến vậy sao? Không lẽ ngành chức năng lại bó tay trước vấn nạn này?

img

Taxi trá hình Sun Taxi Huế BKS 145.03 đón khách lẻ đường Tôn Đức Thắng, Đà Nẵng ra Huế trưa 19/3

Những tháng gần đây, nhiều người dân không khỏi bất ngờ, khi những chiếc taxi mang logo Sun Taxi Huế quần thảo ngang dọc khắp các tuyến phố Đà Nẵng, vô tư đón trả khách lẻ. Thay vì dán thông tin số điện thoại tổng đài hãng như nhiều taxi khác, những xe taxi này để luôn điện thoại di động, chào mời khách.

Trong vai hành khách, chúng tôi đã mục sở thị hoạt động của các xe này và nhận thấy, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, trật tự vận tải khách sẽ bị phá vỡ, gây mất trật tự ATGT, trong khi Nhà nước thì thất thu, còn các hãng taxi làm ăn chân chính bị cạnh tranh một cách thiếu công bằng.

Sáng 19/3, trong vai hành khách, PV gọi đến số 0905.050… liền được thanh niên đầu dây bên kia “chốt vé”, đưa xe “taxi” BKS 75A-145.03 đón hai khách lẻ trên đường Tôn Đức Thắng vào 10h trưa cùng ngày.

Lúc này, trên đã có hai hành khách. Suốt hành trình ra Huế, xe chạy tốc độ cao, lạng lách giữa các tuyến phố, trước khi trả khách tại số 2 Tố Hữu (TP Huế) chỉ sau chưa đầy 2 giờ. Đồng hồ bật tính tiền nhảy hơn 1,1 triệu đồng. Thay vì in phiếu tính tiền, thu theo đồng hồ, mỗi lượt khách xuống, tài xế lấy tiền mặt 120.000 đồng/người.

Tiếp tục gọi điện vào một số khác, PV nhanh chóng được “taxi” 7 chỗ BKS 75A-098.48 tấp lại, đón tại khu vực Hòa Minh (Đà Nẵng) để ra Huế. Kết thúc mỗi hành trình, những chiếc taxi này đều không tính tiền theo đồng hồ, không in hóa đơn, biên lai thu tiền theo quy định, mà lấy tiền mặt mỗi người 120.000 - 130.000 đồng/lượt.

Theo cánh tài xế taxi Huế, taxi truyền thống vốn gặp khó khăn, nhiều xe, hãng không có lợi nhuận. Nhưng gần đây, Sun Taxi Huế liên tục dùng chiêu “bán xe thương quyền, gửi xe cá nhân” để “quy nạp” xe 4 - 7 chỗ, khiến không ít xe trá hình phù hiệu hợp đồng tìm được “đất sống mới”.

Trong vai người có hai xe cần “gửi xe” vào Sun Taxi Huế, PV liên lạc qua điện thoại, liền được một nữ nhân viên hướng dẫn: Người có xe ô tô cá nhân chỉ cần bỏ ra chừng 3,5 triệu đồng mỗi tháng (bao gồm chi phí quản lý, nhượng quyền, thuê thiết bị) là vô tư chạy, mang thương hiệu Sun Taxi Huế, với hai cách thức: Chạy như taxi bình thường hoặc tự hoạt động, đón khách quen (thực chất là gom khách lẻ, chạy trá hình - NV). Mọi hoạt động do chủ xe tự quản lý, hãng không kiểm soát (?!).

Trong khi đó, theo Ban ATGT Thừa Thiên - Huế, thực tế khi triển khai tổ liên ngành xử lý xe trá hình, đã phát hiện nhiều trường hợp xe ô tô loại dưới 9 chỗ hoạt động chở khách trá hình nhưng mang phù hiệu taxi, khiến công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Vào cuối tháng 12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã phê bình công tác quản lý của Sở GTVT, TTKS của ngành công an về vấn nạn xe trá hình. Sau đó, ông Thọ chủ trì họp các sở, ngành, chỉ đạo các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để xử lý.

Tuy nhiên, sau ba tháng, thực tế xe trá hình đang biến tướng, bùng phát. Chỉ có hơn 100 trường hợp, chủ yếu các lỗi liên quan hợp đồng vận chuyển không đúng quy định, không có phù hiệu… được phát hiện, xử lý so với số lượng đầu xe và tần suất xe trá hình hoạt động rầm rộ trên tuyến Huế - Đà Nẵng, số liệu xử lý trên chiếm tỷ lệ quá nhỏ.

Nhiều tài xế xe trá hình còn quả quyết, với mỗi biên bản vi phạm hành chính về điều kiện kinh doanh xe hợp đồng, chỉ mất chừng 1,5 triệu đồng, chưa bằng một ngày thu nhập. Bởi vậy nên các xe nhờn luật, vô tư đối phó.

Với những gì đang diễn ra, dư luận chỉ còn biết ngán ngẩm mà thốt lên: Xử lý xe trá hình khó đến vậy sao? Không lẽ ngành chức năng lại bó tay trước vấn nạn này?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.