Xã hội

Xuân sớm trên Đảo Trần

10/02/2021, 10:53

Năm nay, người dân Đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) dường như đón Tết sớm hơn và vui hơn.

img

Gia đình anh Nguyễn Văn Linh quây quần xem ti vi

Thoả “cơn khát” điện

Trở lại Đảo Trần lần này, đón chúng tôi ở cổng đơn vị, Thiếu tá Phạm Đức Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đảo Trần phấn khởi, chỉ có vài tháng điện lưới quốc gia được đưa ra đảo, cuộc sống đã đổi khác rất nhiều. Toàn đảo có 12 hộ với 52 nhân khẩu, nhà nào cũng có cuộc sống đủ đầy nhờ đánh bắt, buôn bán hải sản. Hai lớp học trên đảo với 7 học sinh cũng được trang bị đầy đủ phương tiện dạy và học…

Trung tá Đào Hồng Nguyên, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đảo Trần cho biết thêm, thời gian trước, do không có điện lưới, đơn vị chỉ tranh thủ dùng máy phát điện lúc ăn cơm, mọi tin tức dựa chủ yếu vào radio. Hôm nào có sự kiện trọng đại, đồn cũng chỉ “dám” nổ máy phát đến 21h.

Xong bữa cơm tối, Đồn Biên phòng Đảo Trần tập trung sinh hoạt chính trị. Binh nhất Ngô Tiến Nguyện tâm sự: “Em ra đảo từ năm trước. Tối đầu tiên trong doanh trại không điện, không quạt không thể ngủ được vì nóng hầm hập. Rồi cũng quen dần với cuộc sống thiếu thốn nơi đảo xa. Nhưng từ ngày có điện, cả đơn vị ai cũng mừng. Em và mấy chiến sĩ trẻ còn tranh thủ buổi tối ôn thi đại học”.

Binh nhất Nguyễn Mạnh Toàn bộc bạch: “Nhà em ở TP Hạ Long. Học xong lớp 12, em làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Đóng quân ở nơi quanh năm chỉ có nắng và gió, điện lưới không có nhưng bù lại cho chúng em nghị lực phấn đấu. Em quyết tâm ôn thi vào trường quân đội để được phục vụ lâu dài. Nhờ có điện lưới, việc học tập của chúng em cũng thuận lợi hơn”.

Sẽ thành làng du lịch Đảo Trần

img

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Đảo Trần tuần tra trên đảo

Gần 20h, từ trên sườn núi cao chỉ về phía khu dân cư, Trung tá Đào Hồng Nguyên hồ hởi: “Cách đây vài tháng, khi có việc xuống với bà con, cả khu dân cư le lói ánh đèn cảm thấy u tịch lắm. Giờ thì cả khu dân cư bừng sáng ánh điện, tiếng nhạc vẳng đưa khắp nơi”.

Đón chúng tôi ở đầu thôn, chị Nguyễn Thị Cảnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đảo Trần kể, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2000, anh Hiển (chồng chị Cảnh, quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) ra huyện Hải Hà (Quảng Ninh) làm thuê.

Lúc bấy giờ, gia đình chị Cảnh có thuyền làm dịch vụ mua bán thủy sản nên anh Hiển xin vào làm phụ thuyền. Cảm mến chàng trai chịu thương, chịu khó lại thật thà, chị Cảnh đem lòng yêu thương. Cuối năm 2001, họ cưới nhau. Tài sản duy nhất của anh chị là con thuyền nhỏ bố vợ cho làm của hồi môn.

“Thực ra, lúc ấy buôn bán quanh bến ở Hải Hà cũng đủ để nuôi nhau, nhưng không chịu an phận nghèo khó, trong một lần theo hàng xóm ra khu vực Đảo Trần mua gom thủy sản, anh Hiển nhận thấy nếu làm căn nhà tạm ở đây vừa đánh bắt, vừa mua gom thì kinh tế sẽ khá hơn. Nghĩ là làm, anh về bàn với tôi chuyển cả nhà ra đảo sinh sống”, chị Cảnh kể.

Ban đầu, nghe tin vợ chồng chị Cảnh ra Đảo Trần, nhiều người cho rằng họ bị khùng vì ở nơi heo hút ấy, điện không có, nước không có, dân không có. Nhưng rất may, bố vợ lại động viên: “Cứ thử xem thế nào, không được thì lại quay về”.

Thấy có người dân tự nguyện ra đảo sinh sống, các đơn vị quân đội đã cử cán bộ, chiến sĩ đến giúp đôi vợ chồng trẻ dựng tạm một căn lều. Kể từ đó, hàng xóm của anh chị là những chú bộ đội trên đảo. Đến nay, cậu con trai thứ 2 của anh chị tên Hoàng Nguyễn Việt Anh sinh ra ở trên đảo đã học đến lớp 6.

Chỉ vào căn nhà vững chắc với nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị, chị Cảnh xúc động: “Gần 20 năm sinh sống tại đây, được sự đùm bọc, giúp đỡ của bộ đội, giờ vợ chồng tôi đã có cuộc sống khá sung túc. Con lớn vừa học xong lớp 12 liền làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Cháu nó bảo, nếu trúng tuyển, sẽ xin ra Đảo Trần làm nhiệm vụ”.

Không giống như gia đình chị Nguyễn Thị Cảnh, vợ chồng anh Nguyễn Văn Linh lại ra Đảo Trần theo chương trình di dân của tỉnh từ năm 2015. Căn hộ của gia đình anh Linh cũng khá tươm tất.

“Ban đầu khi huyện Hải Hà vận động ra Đảo Trần, vợ chồng mình cũng đắn đo lắm. Nhưng khi được cho ra thăm quan, thấy khí hậu cũng khá thuận, biển lại nhiều cá tôm, thế là mình viết đơn tình nguyện đi ngay. Đến bây giờ mình thấy đó là quyết định đúng đắn. Ngoài căn nhà được bộ đội xây cho, mình còn dành dụm được tiền xây lại căn nhà ở quê cho các cháu vào đi học. Có điện lưới thì sẽ xây dựng được nhà xưởng để bảo quản, chế biến hải sản nên mấy hộ đang bàn góp tiền đóng tàu to hơn, công suất lớn hơn để phục vụ vận chuyển khách du lịch kết hợp đánh bắt hải sản”, anh Linh cho biết.

“Cái khó nhất là điện lưới đã được giải quyết, chắc chắn trong thời gian không xa, Đảo Trần sẽ trở thành làng du lịch hấp dẫn…”, chị Nguyễn Thị Cảnh, Trưởng thôn Đảo Trần nói, ánh mắt lấp lánh niềm tin.

Với gần 400 tỷ đồng, Quảng Ninh đầu tư tuyến điện lưới từ đất liền kéo ra Đảo Trần dài hơn 13km được thi công “thần tốc” trong 150 ngày và được chính thức đóng điện ngày 2/9/2020.

Trước đó, ngay từ năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng công trình Cột cờ Tổ quốc Đảo Trần, kinh phí gần 2 tỷ đồng. Thời gian gần đây, thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên khám phá miền biên giới thiêng liêng hùng vĩ, tham gia xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh”, Đảo Trần đã thu hút hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên đến theo hành trình khám phá vùng biên giới, hải đảo và thăm cột cờ nên đã mở ra hướng đi mới cho đảo về phát triển du lịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.