Hạ tầng

Xuân về trên Trường Sơn Đông

03/03/2015, 16:12

Đường Trường Sơn Đông ngang qua khu vực Tây Nguyên được xây dựng thì cuộc sống của người dân ngày càng phát triển hơn.

_MG_0296 (1)
Đường Đông Trường Sơn mờ ảo trong sương mù và rừng xanh thăm thẳm

Sắc xuân trên cung đường huyền thoại

Sau thời gian triển khai thực hiện, tuyến đường Trường Sơn Đông đang dần hình thành, nối liền các khu vực còn khó khăn, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giúp nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống... hiệu quả đầu tư rõ rệt của tuyến đường đã giúp đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, dần theo kịp với sự phát triển chung của đất nước.

Riêng 350km khu vực Tây Nguyên (đoạn giữa tuyến) hiện đã hoàn thành nối thông các quốc lộ, có ý nghĩa lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ đầu tư cho hệ thống y tế, giáo dục... Đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng trên cung đường Trường Sơn Đông đang dần đổi thay, chất lượng cuộc sống cũng dần được nâng cao.

Vượt hàng trăm cây số dọc đường Trường Sơn Đông mới thấy rõ những đổi thay từ khi con đường mới được xây dựng. Chiếc xe máy dường như lướt đi giữa bạt ngàn vườn tược cà phê, hồ tiêu xanh lá. Mặc dù con đường vẫn chưa hoàn thành, nhưng theo dọc tuyến đường đã làm mới thấy rõ diện mạo mà con đường đã hình thành nên. Những mái ngói đỏ dọc tuyến đường, những người dân thồ những bao cà phê nhoẻn cười khi được hỏi về sự thuận tiện của con đường mang lại.

Băng qua những ngút ngàn cánh đồng mía, san sát là những rẫy cà phê xanh mướt ở huyện Đắk Pơ (Gia Lai) với huyện K’ Bang (Gia Lai), đâu đâu cũng thấy người dân chất những bao cà phê để ven đường chờ thương lái tới mua, trên gương mặt ai cũng thấy niềm vui rạng rỡ. Già Ksoi Ban huyện Kbang (Gia Lai) chia sẻ: “Có con đường mới này chúng tôi vui lắm. Đến mùa hái cà phê, hồ tiêu chỉ cần chất hàng lên xe công nông chở ra đường cái là có người mua. Đỡ tốn công rất nhiều, giá cả cũng không bị ép…. dân chúng tôi nhờ con đường này mà cuộc sống khá hẳn”.

Già Ban còn kể cho chúng tôi về con đường, về làng Bahnar dưới đỉnh Trường Sơn Đông này, “Cả làng chúng tôi trước kia ít biết tiếng Kinh lắm, trong làng chỉ có mấy người biết vài tiếng thôi. Nhưng mấy năm lại đây người dân di cư vào làm ăn rồi cũng tiếp xúc việc mua bán, trẻ con được đi học, người lớn được họp hành nên người dân giỏi hẳn. Người đau ốm dễ dàng được đi chữa bệnh…

Hay như cô giáo trẻ, Hồ Thị Thúy Hằng, trường tiểu học Lê Văn Tám huyện K’ Bang chia sẻ… “Em về đây dạy học được 3 năm rồi. Trước đây, các em học sinh đến lớp không đều lắm nên việc các thầy cô vào làng để kêu gọi các em đi học cũng thường xuyên. Nhưng nay có con đường thông suốt các em tới lớp cũng đầy đủ hơn, việc học cũng tiến bộ hơn rất nhiều… Hơn nữa, chúng em đi dạy cũng dễ dàng và thuận tiện”.

Anh Hà Văn Đức, cán bộ xã Sơn Lang (K Bang) cho biết: Năm 2011, đường Trường Sơn Đông xây dựng và hoàn thành đi ngang qua xã chúng tôi khoảng 40km. Mọi quy hoạch khu dân đều dọc theo con đường, rất thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân. Đời sống người dân chuyển biến rõ rệt. Hiện nay toàn xã có tới trên 2.000 ha cà phê. Đời sống của người đồng bào Bahnar ở đây đang dần phát triển. Đồng thời các cơ sở điện, đường liên thôn, trường học, y tế… cũng dần phát triển theo. Cũng nhờ con đường khang trang mà bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Huyền thoại mở đường

Đến nay, dự án đã triển khai thi công và thông tuyến hơn 460km đường thảm nhựa, hoàn thành gần 350km mặt đường cấp cao, 15 cầu các loại và 2 đường đôi, đã và đang nghiệm thu đưa vào sử dụng nối thông 5/7 tỉnh. Trao đổi với Đại tá Hà Huy Hùng, Trưởng phòng hiện trường 2, BQL DA 46 đường Trường Sơn Đông (Bộ Tổng tham mưu) cho biết: Được sự quan tâm của Thủ tướng chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT con đường được triển khai thi công vào năm 2007. Dự án triển khai thi công được 55/75 gói thầu, đã bàn giao đưa vào sử dụng 33 gói thầu, khoảng 400km đa số các gói thầu đều nằm ở các khu vực bản làng người dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông về những ngày “ăn dầm ở dề” ở Trường Sơn Đông, Đại tá Hùng nói: “Những ngày nhận nhiệm vụ đến với mảnh đất này, con đường chỉ là một vệt bánh xe nhỏ, núi rừng âm u, bụi đất đỏ ngàu màu áo khi đi công trình. Rồi nhìn con đường trên bản đồ ngoằn ngoèo… lúc ấy tôi nghĩ không biết bao giờ mới hoàn thành. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 10 năm con đường đã gần tới đích, nhìn cuộc sống đổi thay trên những con đường chúng tôi xây dựng, tôi thật hạnh phúc vì đã góp công sức nhỏ bé của mình vào tiến độ của dự án…”.

Những cơn mưa rừng dai dẳng, những cái lạnh của sương đêm Trường Sơn và những đèo dốc như thử sức bền ý chí của người làm công trình: “Ở đoạn Măng Đen (Kon Tum) có những đoạn đèo kinh khủng, có những tài xế vào công trường rồi lặng lẽ không dám ở lại vì... nỗi sợ. Thế nhưng, Ban chỉ huy đã đề nghị phải đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, nên mọi việc tuyển chọn các tài xế công trường chuyên chở vật liệu phải là những tay lái cừ… Tôi còn nhớ có lúc một người bị bệnh nặng mà có tới 20 người đi theo để cáng võng hơn cả chục cây số mới tới đường lớn… Đại tá Hùng nhớ lại.

Có lẽ điểm nhấn để tạo động lực cho “Tây Nguyên cất cánh”, đem lại cuộc sống ấm no cho hàng chục triệu đồng bào cũng chính là đường Trường Sơn Đông đi qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.