Trung Quốc giữ ngôi đầu
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, tháng 8/2023 xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,36 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5%.
Nguyên nhân bộ này chỉ ra, là do giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhóm thủy sản đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản đạt 8,95 tỷ USD, giảm 25,1%; đầu vào sản xuất đạt 1,32 tỷ USD, giảm 21,9%.
Tuy nhiên, cũng có một số nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như nông sản đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5%.
Kết quả có được là nhờ sự đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%; gạo đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều đạt 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê đạt 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%; sản phẩm chăn nuôi đạt 325 triệu USD, tăng 26,1%.
Về thị trường, 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Song, điều đáng nói, duy chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 21,9%) đạt tăng trưởng dương, mức 9,8%; Còn 2 thị trường còn lại đều có mức tăng trưởng âm lần lượt là 27,4% và 10,6%.
Giá gạo, trái cây tăng
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8, tại thị trường trong nước, giá cả các mặt hàng nông lâm thủy sản không có biến động bất thường.
Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm. Riêng giá lúa, gạo tiếp tục xu hướng tăng do tác động của thị trường thế giới khiến nhu cầu tăng cao (giá trung bình tăng từ 200-800 đồng/kg).
Giá trái cây tại một số tỉnh phía Nam cũng có xu hướng tăng do nguồn cung giảm khi qua giai đoạn chính vụ (thanh long, xoài).
Ngược lại, giá lợn hơi có xu hướng giảm nhẹ trong tháng (trung bình từ 1.000-2.000 đồng/kg); giá thu mua tôm nguyên liệu tiếp tục ở mức thấp và có xu hướng giảm (10.000 đồng/kg),
Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, sẽ phối hợp với Bộ Công thương theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời Ban chỉ đạo điều hành giá và Tổ điều hành thị trường trong nước tình hình sản xuất, nguồn cung, biến động giá cả.
Đặc biệt, với mặt hàng gạo, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ thị đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững
Bộ sẽ hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Ngoài ra, để xuất khẩu bền vững, Bộ sẽ đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch.
Đồng thời, chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu an toàn thực phẩm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận