Thị trường

Xuất khẩu tháng 8 lao dốc, khó khăn tiếp tục bủa vây ngành nông nghiệp

07/09/2021, 06:30

Trong tháng 8, xuất khẩu chỉ ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với tháng 7 và giảm 21,6% so với tháng 8/2020.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, tác động của dịch Covid-19 đã khiến xuất khẩu của ngành sụt giảm mạnh trong tháng 8 vừa qua.

Trong đó, giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ (-50,2%), cá tra và tôm (-29,7%), rau củ (-25,8%), phân bón (-23,6%), hồ tiêu (-21,5%),… Chỉ có 3 nhóm sản phẩm tăng là sắn và sản phẩm từ sắn (+26,6%), sản phầm từ ngũ cốc (+1,1%), sữa và sản phẩm sữa (+0,8%).

img

Trung Quốc tạm dừng nhập thanh long Việt Nam khiến cho giá mặt hàng này rớt thảm.

Bộ NN&PTNT đánh giá, nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều DN, nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu. Trong đó, nhiều DN, nhà máy chỉ hoạt động ở 30-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có F0...

Song tính chung 8 tháng, xuất khẩu của ngành ước đạt 32,1 tỷ USD (tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD (tăng 13,6%); lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD (tăng 42,7%); thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD (tăng 7,1%); chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD (tăng 15,9%); nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD (tăng 31,1%).

Nhiều mặt hàng có giá xuất khẩu bình quân tăng. Chẳng hạn, hồ tiêu đạt 3.327,4 USD/tấn (+51,4%), cao su đạt 1.670,7 USD/tấn (+30,9%), gạo đạt 535,3 USD/tấn (+9,4%), cà phê đạt 1.858,5 USD/tấn (+8,6%), sắn đạt 256 USD/tấn (+13,2%), chè đạt 1.669,4 USD/tấn (+4,7%).

Về thị trường, Mỹ tiếp tục thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt trên 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần); đứng thứ 2 là Trung Quốc gần 6,1 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần); Và Nhật Bản đạt trên 2,2 tỷ USD (chiếm 6,8%); Hàn Quốc khoảng 1,4 tỷ USD (chiếm 4,3%).

8 tháng đầu năm, Việt Nam cũng nhập khẩu 28,8 tỷ USD (tăng 44,1% so với cùng kỳ năm 2020) các mặt hàng nông lâm thủy sản. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu nông sản xuất sang Việt Nam lớn nhất đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 10% thị phần; tiếp theo là Mỹ đạt trên 2,7 tỷ USD, chiếm 9,3%.

Tính chung 8 tháng, Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 3,3 tỷ USD, tuy nhiên lại giảm 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 45 tỷ USD như đề ra, Bộ NN&PTNT đánh giá, những tháng cuối năm, dự kiến thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch Covid-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế trong nước cũng như quốc tế.

Cách nào đạt mục tiêu xuất khẩu 45 tỷ USD?

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 45 tỷ USD như đề ra, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục phối với với các bộ, ngành địa phương tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lưu thông thu mua, sản xuất.

Đối với hoạt động xuất khẩu, Bộ sẽ thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các thị trường Peru, Úc, Braxin, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Séc… trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp.

Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản (nhãn, thạch đen, vải, nhãn, xoài, khoai lang, ớt… nông sản đang vào vụ thu hoạch) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc,…

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và cơ quan thương vụ tại nước ngoài nắm bắt thông tin thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu; Các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định EVFTA và UKVFTA.

Ngoài ra, tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO; Dự thảo văn bản hướng dẫn thực thi Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thay đổi biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và thủ tục đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khi xuất sang Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.