Showbiz

Xúc cảm dâng trào khi thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam

19/06/2020, 13:22

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức mở cửa đón công chúng từ ngày 19/6.

img
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm quan bảo tàng (Ảnh: Lao Động)

Sau 3 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, sáng 19/6, bảo tàng chính thức mở cửa để đón công chúng.

Tham dự buổi khai trương trưng bày bảo tàng có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các bộ, ban ngành Trung ương.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đến Hội Nhà báo và những người làm báo. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao sự đóng góp, phối hợp của các nhà báo, cơ quan báo chí, thân nhân của các nhà báo… đã sưu tầm những tư liệu, hiện vật quý báu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam để trưng bày tại bảo tàng.

img
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng bảo tàng được khai trương (Ảnh: Lao Động)

“Tôi cho rằng, các không gian trưng bày của bảo tàng không chỉ nhằm tái hiện lịch sử báo chí, tôn vinh những đóng góp to lớn của người làm báo Việt Nam, lưu giữ và phát di sản báo chí mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử văn hóa, những giá trị tốt đẹp của dân tộc cho các nhà báo trẻ, những thế hệ nhà báo tương lai”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bảo tàng được xây dựng theo đề án do Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện, bao gồm 3 dự án thành phần là: Dự án Trưng bày Bảo tàng, Dự án Sưu tầm hiện vật và tài liệu, Dự án Tuyển dụng và đào tạo Nhân sự bảo tàng. Hiện tại, bảo tàng trưng bày trên 700 hiện vật, tài liệu, trong đó có những hiện vật quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam gắn liền với lịch sử của đất nước.

Chưa dừng ở đó, dự án sưu tầm tài liệu hiện vật đã và đang tiếp tục triển khai và thực tế đã sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật, tài liệu và đang được tập hợp, bảo quản tại kho cơ sở của bảo tàng.

img
Chiếc máy ảnh do nhà báo Trần Duy - Xường phim QĐND Việt Nam sử dụng trong những năm kháng chiến chống Mỹ

Các hiện vật báo chí được sắp xếp và phân chia trưng bày theo các giai đoạn 1865-1925, 1925-1945, 1945-1954, 1954-1975 và giai đoạn 1975 tới nay. Những kỷ vật, hiện vật không chỉ mang nhiều giá trị thông tin, lịch sử mà còn là biết bao cảm xúc khó nói thành lời.

Là người hiến tặng bảo tàng nhiều hiện vật có giá trị, nhiều tư liệu báo chí cách mạng, nhà báo Hà Đăng như được sống lại quá khứ của mình khi đứng giữa bảo tàng báo chí. Ông có nhiều kỷ niệm thời làm báo nên rất xúc động khi nhìn những kỷ vật của những năm tháng làm tại báo Nhân Dân thời cách mạng. “Những tờ như Tạp chí cộng sản đã cách đây rất lâu rồi và giờ tôi đã về hưu vẫn làm tư vấn cho tạp chí”, ông chia sẻ.

img
Nhà báo Hà Đăng nhớ lại nhiều cảm xúc của những năm tháng làm báo gian khổ

Trong khi đó, đứng trước những kỷ vật được trưng bày trang trọng trong bảo tàng ở gian Báo chí Trường Sơn, những kỷ vật mà bố của mình là cố nhà báo Lục Văn Thao để lại, bà Lục Thanh Hải cũng nghẹn ngào. Bà Hải kể, các tập báo Trường Sơn, những chiếc võng dù, ba lô, mũ tai bèo… - những đồ tác nghiệp cần thiết ở chiến trường Trường Sơn đều là các kỷ vật mà bố của bà rất trân trọng.

Ông đã lưu giữ kỹ, bảo quản và để trang trọng trên nóc tủ. Suốt cả cuộc đời, ông đã cống hiến cho công việc làm báo, không quản ngại khó khăn, gian khổ ở chiến trường để làm nên những tác phẩm báo chí để đời.

img
Bà Lục Thanh Hải - con gái cố nhà báo Lục Văn Thao bên những kỷ vật báo chí của bố mình

Trước khi qua đời, tâm nguyện của ông là các kỷ vật ấy sau này sẽ hiến tặng cho một bảo tàng báo chí. “Dù lúc đó, ông chưa biết sẽ có Bảo tàng báo chí Việt Nam được thành lập nhưng vẫn nguyện vọng như vậy. Bởi thế, tôi đã hiến tặng các kỷ vật của bố mà không suy nghĩ tới bất cứ lợi ích, vật chất nào. Sáng nay, tôi đã bỏ mọi việc để đến đây, để nhìn lại những kỷ vật của bố và thấy bố như vẫn hiện hữu ở đây”, bà Hải tâm sự.

Một số hình ảnh về Bảo tàng báo chí Việt Nam:

img
An Hà Báo là tờ báo địa phương đầu tiên của Việt Nam
img
Bảo tàng dành một góc tái hiện buồng tối để làm báo ảnh với những dụng cụ làm ảnh thô sơ
img
Sổ cảm tưởng của những nhà báo làm công tác giảng dạy tại trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
img
Chiếc máy ảnh mà nhà báo - nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu sử dụng tại Việt Bắc từ năm 1946-1954
img
Một góc không gian của Bảo tàng Báo chí Việt Nam
img
Bảo tàng có gian làm nổi bật hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác báo chí
img
Bảo tàng có những không gian dành cho báo chí quốc tế

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.