Xã hội

"Công chúa, mẹ cho con bú sữa nha", họ đã chăm trẻ có mẹ F0 như thế

02/10/2021, 10:46

Hàng ngày ở Bệnh viện Hùng Vương, những "người mẹ tình nguyện' làm luôn tay không nghỉ. Họ chăm sóc những em bé có mẹ là sản phụ mắc Covid-19.

“Công chúa của mẹ dậy, mẹ cho con bú sữa nha!”. Giọng nói nhẹ nhàng cất lên từ nữ tình nguyện viên trẻ đang chăm sóc con của những sản phụ mắc Covid-19 tại Trung tâm H.O.P.E (quận 5, TP.HCM).

img

Trung tâm H.O.P.E chăm sóc những trẻ mới chào đời có mẹ đang điều trị Covid-19 và không có người thân đón về nhà

Tình yêu thương từ những người mẹ không cùng huyết thống

Trong gian phòng của H.O.P.E, nhẹ nhàng bế bé trai hơn 20 ngày tuổi, chị Đặng Thị Loan (25 tuổi, giáo viên trường mầm non) thuần thục thay tã rồi cho bé bú, ru ngủ.

Nữ tình nguyện viên cho biết, dù chưa lập gia đình nhưng khi đọc thông báo tìm bảo mẫu cho trẻ có mẹ là F0 tại Bệnh viện Hùng Vương, nước mắt cô đã tuôn rơi. Không chần chừ, cô quyết định đăng ký tham gia.

Tên gọi H.O.P.E (Have Only Positive Expectation) của trung tâm thể hiện sự hy vọng những đứa trẻ sinh ra trong cơn đại dịch và có mẹ mắc Covid-19 được mạnh khỏe và có tương lai tươi sáng.
BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương


“Các bé ở đây mới sinh ra đã không có mẹ bên cạnh. Thậm chí, nhiều em đã mất mẹ do Covid-19. Tôi hy vọng một chút đóng góp nhỏ bé của mình sẽ giúp những người mẹ là F0 yên tâm chữa trị và giúp các bé bình an trong dịch bệnh”, chị Loan bộc bạch.

Cạnh đó, bảo mẫu Hồ Thị Thiên An vỗ cho một bé trai ợ hơi rồi đặt lại vào nôi. Tính ngồi dựa tường nghỉ một lúc thì tiếng bé gái nôi bên cạnh lại oe oe khóc. Thiên An quay qua vỗ về, âu yếm, nhẹ nhàng và tràn đầy yêu thương.

An 30 tuổi, làm việc tại một công ty du lịch ở TP.HCM. Do dịch bệnh nên công việc phải tạm dừng. Biết thông tin có hàng trăm em nhỏ phải xa mẹ từ giây phút lọt lòng, An xin ý kiến ba mẹ để được làm tình nguyện viên tại đây.

Mấy ngày đầu mới đảm nhận công việc của một bảo mẫu, An thấy rất khó khăn, bởi chưa khi nào cô thức trắng đêm nhiều như vậy. An kể, để chống chọi với cơn buồn ngủ, hầu hết các bảo mẫu tại đây phải “nhờ” đến cà phê hoặc khi cơn buồn ngủ ập đến thì lấy khăn mát lau hoặc vỗ nước vào mặt để tỉnh táo.

Bảo mẫu Bạch Ngọc Hải Yến (giáo viên tiếng Anh, nhà ở tận quận 12, cách H.O.P.E khoảng 15km) còn quyết định ở lại trung tâm, tới nay đã tròn 5 tuần.

“Tôi phải cố thuyết phục chồng rằng “mình đang làm công việc rất ý nghĩa” thì anh ấy mới đồng ý. Vào đây loay hoay với công việc bận quá, không có thời gian để gọi về gia đình. Nhớ các con ở nhà lắm, nhất là khi nhìn các bé bú. Mình có 2 đứa rồi, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ mới 4 tuổi rưỡi, cứ gọi điện nói “mẹ đi nhanh nhanh về” nên mình càng thấy tội nghiệp các bé ở đây, nhỏ quá mà không có mẹ chăm sóc”, chị Yến chia sẻ.

Trung tâm H.O.P.E đặt tại trường Mầm non Hoạ Mi 2, quận 5 TP.HCM, là nơi chăm sóc những trẻ mới chào đời có mẹ đang điều trị Covid-19 và không có người thân đón về nhà. Do dịch bệnh phức tạp, từ ngày 3/5, trường đã tạm ngừng hoạt động.

Vừa đi vào hoạt động được 1 tháng, cô Nguyễn Thị Hồng Quế, Hiệu trưởng trường Họa Mi 2, kiêm phụ trách Trung tâm cho hay, hiện nơi đây đang chăm sóc khoảng 30 bé, các cháu đều khoẻ mạnh. “Trước đó, có ngày trung tâm tiếp nhận tới 50 -70 bé sơ sinh”, cô Hồng Quế cho biết.

Trung tâm có 25 bảo mẫu là những tình nguyện viên tuổi đời từ 20 - 40. Họ đến từ nhiều ngành nghề như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên văn phòng, giáo viên mầm non, tiếp viên hàng không… Ngoài ra, các cán bộ công nhân viên của trường cũng làm công tác hỗ trợ vòng ngoài, vệ sinh trung tâm.

Sự tri ân không nói thành lời

img

Nữ tình nguyện viên chăm sóc con của sản phụ nhiễm Covid-19

TS. BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, từ tháng 4 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận khoảng 1.000 thai phụ, trong đó có khoảng 500 trẻ có mẹ nhiễm Covid-19 được sinh tại bệnh viện. May mắn, tỉ lệ trẻ nhiễm Covid-19 nhóm này rất thấp, chỉ dưới 1%.

“Tại H.O.P.E, Bệnh viện Hùng Vương với vai trò là chủ quản đã tập huấn cho các cô bảo mẫu là những tình nguyện viên về kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh, tổ chức thăm khám hàng ngày, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu khi cần. Công tác giao nhận trẻ cho người thân cũng đã được xây dựng quy trình chặt chẽ để đảm bảo tránh nhầm lẫn và an toàn cho trẻ”, bà Tuyết cho hay.

Thay phiên 2 ca trực mỗi ngày, mỗi bảo mẫu chăm khoảng 6 bé, cho các bé uống sữa, thay bỉm, ru ngủ…

Hàng ngày, các bảo mẫu luôn tay, hết tắm cho bé lại đến cho bé bú sữa, vệ sinh, vỗ về khi các bé quấy khóc, theo dõi các biểu hiện khác thường của bé. Cứ thế, mọi việc diễn ra liên tục 12 tiếng mỗi ca, không một chút nghỉ ngơi.

“Nhiều sản phụ mắc Covid-19 phải cách ly tập trung, các bé sơ sinh chào đời không có người thân chăm sóc, chưa nhìn thấy mặt con. Bệnh viện đã kết nối yêu thương, chụp hình bé, gắn lên thiệp chuyển đến để mẹ vui và là nguồn động lực giúp mẹ sớm khỏi bệnh. Những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ khi nhận được tấm thiệp có hình ảnh của con cũng khiến cho đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi rưng rưng. Chúng tôi cảm nhận hơn ý nghĩa sâu sắc của việc mình đang làm”, BS. Tuyết chia sẻ.

Trước khi rời H.O.P.E, chúng tôi đã chứng kiến một cuộc đoàn tụ xúc động khi bé Nguyễn Lê Quỳnh Thư, tròn 20 ngày tuổi được trở về với gia đình.

Anh Nguyễn Minh Toàn, cha của bé cho hay, cả hai vợ chồng đều bị nhiễm Covid-19 nên đành phải gửi con nhờ trung tâm chăm sóc.

Chìa tay ôm con vào lòng, người cha xúc động rưng rưng, không nói lên lời khi thấy con gái được các bảo mẫu chăm sóc và yêu thương, khỏe mạnh…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.