Xã hội

Xúc động cựu chiến binh Lào tình nguyện theo bộ đội Việt Nam

30/04/2019, 17:32

Mở chiếc thùng đạn để trong góc nhà, ông Xey Hăng lấy từng kỷ vật, nào là bằng khen, huân huy chương, cả những dụng cụ y tế thời chiến tranh...

img
Ông Xey Hăng tự hào về những tấm giấy khen của con gái tại Đại học Y khoa Huế

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Xey Hăng, bản Fangdeng, huyện Xaytthadistic, Attapeu (Lào) nói chuyện lúc nhớ, lúc quên. Tuy nhiên, khi nói về bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Nam Lào những năm chống Mỹ, mắt ông lại nhòe lệ, tay run run mở từng kỷ vật…

Tình nguyện đi theo bộ đội Việt Nam

Ông Xey Hăng sinh ra và lớn lên giữa bạt ngàn rừng núi Attapeu (Nam Lào). Năm 13 tuổi (năm 1956), trong một lần đi rừng ông bị rắn cắn vào bắp chân.Với kinh nghiệm gia truyền, ông lấy dây sắn rừng buộc chặt bắp đùi lại, lê đi từng bước tìm lá thuốc đắp vào. Bỗng có 3 người lạ cầm súng chĩa thẳng mặt ông. Họ nhìn ông từ đầu đến chân, rồi họ tới dìu ông đi. Một người nói bập bẹ tiếng Lào hỏi thăm và dìu ông đi kiếm thuốc. Sau đó, họ đưa ông về đến đầu bản rồi đi. Về bản, ông nói chuyện với những người lớn, mới biết đó là bộ đội Việt Nam.

Mở chiếc thùng đạn để trong góc nhà, ông Xey Hăng lấy từng kỷ vật, nào là bằng khen, huân huy chương, cả những dụng cụ y tế thời chiến tranh ông còn giữ lại ra khoe rồi bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy thanh niên bản ông lấy vợ sớm lắm, chỉ khoảng 15 - 17 tuổi. Nhưng sau khi ông gặp bộ đội tình nguyện Việt Nam thêm 3 lần nữa, ông quyết định không lấy vợ. Đúng 18 tuổi (năm 1961), ông tình nguyện tham gia bộ đội Lào. Sau huấn luyện, ông được cử đi học y tá 4 tháng. Trong lớp học có đến 4 người thày giáo là bộ đội Việt Nam giảng dạy. Những bạn học được đưa về lại đơn vị, còn ông viết đơn xin theo phục vụ bộ đội tình nguyện Việt Nam. Vì ông canh cánh trong lòng kỷ niệm bộ đội Việt Nam cứu ông khi bị rắn cắn, nên ông muốn đi giúp cứu thương cho bộ đội Việt Nam. Từ đó, đến năm 1968, ông theo bộ đội Việt Nam đi khắp mọi nơi trên mảnh đất Nam Lào, ông được bộ đội dạy tiếng Việt.

Học y sĩ để cứu được nhiều thương binh trên chiến trường

Khi được hỏi, kỷ niệm nào với bộ đội Việt Nam làm ông nhớ nhất. Ông trầm ngâm suy nghĩ rồi gạt lệ kể: Năm 1968, gặp đoàn quân tình nguyện Việt Nam trên đường hành quân, họ giao lại cho ông một thương binh bị đạn bắn vào đùi để ông sơ cứu, rồi đoàn quân vẫn đi tiếp. Sau đó, ông cõng người bệnh binh ấy về lại căn cứ. Trên đường, bệnh binh ấy yếu ớt nói tên Quảng, quê Nam Định. “Anh Quảng nói, nếu anh ấy có chết, anh ấy cho tôi cái đài bán dẫn để trong ba lô. Rồi khi cõng về đến căn cứ, tôi mới biết anh ấy đã tắt thở trên lưng tôi lúc nào không biết”. Ông đã khóc cả đêm. Khóc thương cho anh Quảng một phần, một phần ông khóc về sự bất lực của ông. Bị thương như anh Quảng, ông gặp nhiều lắm nhưng đều cứu được. Nhưng vì phải cõng anh ấy đi xa, mất nhiều máu, thuốc cầm máu lại thiếu, nên ông đành bất lực.

Ông suy nghĩ mấy đêm liền, rồi viết đơn xin đi học y sĩ bởi muốn có trình độ chuyên môn tốt hơn để cứu được nhiều thương binh trên chiến trường. Tổ chức đồng ý, nhưng ông phải hành quân bộ 16 ngày đến Quảng Bình rồi mới có xe đưa ra Sơn Tây (Hà Nội, Việt Nam) để học. Ở đây, được thày cô, bạn bè Việt Nam giúp đỡ, ông mới thấy cuộc đời vô cùng đẹp đẽ, mặc dù chiến tranh đang diễn ra khốc liệt sau mùa xuân 1968. Có người bạn học nói thích ông, muốn tổ chức đám cưới rồi theo ông về Lào. Nhưng ông nói chiến tranh còn dài, ông về đi chiến trường cứu bộ đội bị thương, không thể lấy vợ được.

Năm 1972, khi đó ông đã 29 tuổi. Một lần đóng quân gần quê hương (huyện Xaytthadistic, Attapeu), 2 cán bộ cùng ông về thăm bản. Gặp già bản, không biết cán bộ nói gì với già bản, mà đêm đó khi còn say giấc ngủ họ đã bỏ đi. Hôm sau già bản đón một gia đình gồm cha mẹ và một cô gái rất xinh. Sau một lúc lâu, già bản gọi ông vào nhà và nói: “Ta đã chọn vợ cho anh, nếu anh ưng, ta cưới cô gái này cho”.

Ở với người vợ trẻ kém 10 tuổi được gần một tháng, ông lại trốn vợ khăn gói vào rừng theo bộ đội Việt Nam cho đến ngày kết thúc chiến tranh. Ngày trở về, ông vô cùng bất ngờ khi vợ dẫn đứa con 4 tuổi ra đón. Khi ông còn bỡ ngỡ chưa hiểu gì thì già bản nói: “Con anh đó, nó có bầu với anh, nhưng khi anh đi nó cũng không biết. Rồi anh đi biền biệt, không biết anh ở đâu mà báo tin”. Sau giải phóng, ông về quê hương làm thày thuốc chữa bệnh cho bà con.

Trong căn phòng nhỏ bé, tất cả những kỷ vật được ông cất kỹ trong thùng đạn. Trên tường, ông chỉ treo mấy tờ giấy khen học giỏi của con gái. Cô KounLavong Noyanong học giỏi nhất bản, được ông gửi sang Đại học Y Huế, cũng đạt được thành tích giỏi, giờ về phục vụ chữa bệnh cho bà con. “Tôi được ăn học là do bộ đội Việt Nam giúp. Tôi tự hào đến lượt con mình cũng được Chính phủ Việt Nam cho ăn học để về giúp đỡ người dân quê tôi”.

Việt kiều Nguyễn Văn Sơn, quê gốc Ninh Bình cho biết: Ngay từ những năm 1980, ông và những người Việt Nam bắt đầu sang đây định cư, được ông Xey Hăng giúp đỡ khám chữa tận tình, không kể ngày đêm, đi xa hay gần.

Dẫn tôi ra trước đường phố, ông Xey Hăng nói ở trong chợ Fangdeng có đến 50% gian hàng người Việt Nam, có đến gần 30% dân số là Việt kiều, nhưng họ sống chan hòa lắm.

Gặp ông được gần một tiếng, chúng tôi lại phải lên đường. Đi giữa bạt ngàn rừng núi, xen lẫn với cánh rừng già là rừng cao su do người Việt Nam canh tác, tôi càng hiểu sâu hơn tình nghĩa người Việt - Lào gắn bó keo sơn từ trong chiến tranh để đem lại hòa bình. Khi hòa bình, người dân hai nước lại cùng nhau đoàn kết xây dựng kinh tế, giúp đất nước ngày càng giàu mạnh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.