Y tế

Xúc động F0 khỏi bệnh ở lại hỗ trợ nhân viên y tế

11/08/2021, 06:22

Theo các chuyên gia, các F0 đã được điều trị khỏi bệnh thì nguy cơ tái nhiễm không cao, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh.

Với “tấm khiên miễn dịch” này, họ đều có thể tham gia phòng, chống dịch, hỗ trợ nhân viên y tế trong bối cảnh thiếu nhân lực như hiện nay.

img

Anh Tr. xin ở lại hỗ trợ nhân viên y tế, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi

“Ở lại vì muốn san sẻ với nhân viên y tế”

Khi nhận quyết định xuất viện, bệnh nhân Covid-19 Hà Ngọc Tr. (SN 1993, trú quận 1, TP.HCM) đã xin ở lại Bệnh viện (BV) Điều trị Covid-19 Củ Chi phụ giúp các y bác sĩ chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân khác.

Tại đây, anh Tr. được cấp một phòng nghỉ nhỏ tại bệnh viện, trang bị đầy đủ đồ phòng hộ, khẩu trang, kính che giọt bắn, găng tay mỗi khi hỗ trợ các bệnh nhân khác đang được điều trị.

Công việc hàng ngày của anh Tr. là mang thức ăn, nước uống đến cho bệnh nhân; dìu họ đi vệ sinh, cắt móng tay, gội đầu, lau người, thay tã... Đến nay, anh Tr. đã ở lại bệnh viện hơn 20 ngày, dự định khi nào hết dịch mới về.

Trải qua giai đoạn nguy kịch và phục hồi ngoạn mục sau nhiều ngày nằm điều trị Covid-19 tại đây, anh Tr. thấu hiểu và mong muốn san sẻ được phần nào vất vả với các y bác sĩ, giúp những bệnh nhân đang đối diện hiểm nguy như mình từng trải qua.

Cùng anh Tr., còn có bệnh nhân Nguyễn Văn D. (SN 1996, quê Khánh Hòa). Cuối tháng 6/2021, anh D. có biểu hiện ho, sốt, khó thở… được chuyển đến điều trị tại BV Điều trị Covid-19 Củ Chi.

Nỗ lực của các bác sĩ đã giúp anh D. không bị diễn tiến nặng thêm và anh D. chính thức nhận kết quả âm tính lần 2 và được ra viện vào ngày 25/7.

Tuy nhiên, thay vì trở về với gia đình, anh D. cũng xin bệnh viện cho ở lại để phụ giúp các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân F0 đang điều trị.

Anh D. nói: “Khi em nằm viện được các bác sĩ chăm sóc tận tình, từ miếng ăn đến giấc ngủ nhưng người bệnh đông quá nên nhiều lúc họ xoay xở không kịp. Có những trường hợp bệnh nặng không thể tự ăn uống được, chính các bác sĩ phải bón cho từng muỗng sữa. Giờ em khỏe nên cũng muốn góp sức hỗ trợ bác sĩ”.

Tương tự, tại BV Điều trị Covid-19 TP Thủ Đức cũng có nhiều bệnh nhân F0 sau khi khỏi bệnh tình nguyện ở lại. Theo BS. Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Điều trị Covid-19 TP Thủ Đức, những trường hợp F0 đã khỏi bệnh rất thông thạo các công đoạn chăm sóc người bệnh nên không cần phải chỉ dẫn quá nhiều.

Tại đây, đã triển khai mô hình “tổ tự quản” ở các phòng bệnh với mục tiêu lấy những người là F0 đã được điều trị khỏi phụ giúp y bác sỹ theo dõi các ca F0 khác hoặc chọn những người có đủ sức khỏe để huấn luyện cơ bản những kiến thức về theo dõi tình trạng người bệnh.

Với việc huy động F0 đã khỏi bệnh ở lại sát cánh cùng đội ngũ y bác sĩ, BS. Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm BV Nhi đồng 1 TP HCM cho rằng: “Những người đã từng nhiễm Covid-19 có khả năng tái nhiễm rất thấp, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh. Do đó, các F0 với “tấm khiên miễn dịch” đều có thể ít nhiều tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, hỗ trợ nhân viên y tế trong bối cảnh thiếu nhân lực như hiện nay”.

Tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc phòng chống lây nhiễm

Nhận định về việc huy động F0 đã khỏi bệnh tham gia vào tuyến đầu chống dịch, BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng: “Ngoài nhân viên y tế, công tác phòng chống dịch cần rất nhiều lực lượng hỗ trợ như đảm bảo hậu cần, vận chuyển, hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân…

Những người từng nhiễm Covid-19 đã hồi phục, những người đã được tiêm đủ vaccine là những người có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn rất nhiều so với những người chưa nhiễm và chưa tiêm vaccine Covid-19. Do vậy, nếu động viên họ tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch, chúng ta sẽ có lực lượng đông đảo và an toàn hơn để giảm gánh nặng cho các nhân viên y tế”.

Tuy nhiên, BS. Cấp cũng khuyến cáo: “Dù tỷ lệ mắc lại của những người từng nhiễm Covid-19 ít nhưng vẫn có thể xảy ra và vẫn có nguy cơ diễn biến nặng như người mắc lần đầu, nên trong quá trình làm việc, họ vẫn phải đảm bảo các trang bị phòng hộ đầy đủ, tuân thủ các nguyên tắc phòng chống lây nhiễm và tiêm vaccine bổ sung khi có chỉ định”.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng: “Mặc dù ý tưởng thiện nguyện như vậy rất là tốt, nhưng Bộ Y tế không khuyến khích việc đưa người bệnh Covid-19 đã khỏi bệnh tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân.

Bởi những người bệnh vừa khỏi Covid-19 cần nhiều thời gian để hồi phục. Đặc biệt, với nhưng bệnh nhân có tổn thương nặng ở phổi, người bệnh khỏi Covid-19 nhưng di chứng để lại còn nặng nề”.

“Nếu không có đánh giá kỹ lưỡng mà cho phép họ vào khu điều trị với thể trạng chưa thực sự khỏe mạnh thì chưa ổn. Hiện, để hỗ trợ công tác điều trị tại các cơ sở y tế, Bộ huy động các sinh viên năm cuối trường điều dưỡng, bác sĩ nội trú… hi vọng có thể đảm đương trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm.

Một báo cáo khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố mới đây cũng nêu rõ: 90 - 99% người nhiễm SARS-CoV-2 sẽ phát triển các kháng thể trung hòa trong vòng 2 - 4 tuần sau khi nhiễm virus.

Theo đó, hầu hết các cá nhân phát triển phản ứng miễn dịch mạnh mẽ sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên tương tự như hiện tượng có được do tiêm chủng.

Tuy nhiên, WHO vẫn lưu ý, các biến thể phức tạp của SARS-CoV-2 vẫn có khả năng “trốn thoát” miễn dịch sau khi nhiễm bệnh tự nhiên hoặc sau tiêm chủng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.