Quân sự

Xung đột Gaza tạo “cơ hội vàng” cho Thủ tướng Israel củng cố thế lực

18/05/2021, 14:56

Xét về chính trị, nhất là với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, xung đột tại Dải Gaza có thể lại là cơ hội lớn để củng cố quyền lực.

img

Thủ tướng Benjamin Netanyahu gần như có thêm thời gian để cứu vãn tình thế ngay khi ông ngấp nghé phải rời khỏi ghế lãnh đạo

Sự chuyển biến bất ngờ

Ngay trước xung đột trên Dải Gaza, vị lãnh đạo Israel lâu đời nhất Israel Benjamin Netanyahu đang đối mặt với rất nhiều cáo buộc tham nhũng, sai phạm, lạm dụng tín nhiệm.

Đảng Likud của ông thất thế, chính trị Israel rối ren bất đồng, khiến nước này phải tổ chức 4 lần bầu cử chỉ trong 2 năm mà vẫn không thể thành lập được đảng cầm quyền bền vững.

Chưa kể, một năm qua, ông Netanyahu cũng phải trải qua nhiều khó khăn trong điều hành đất nước. Israel từng là một trong những quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 tồi tệ nhất dù đến nay đã tạm thời thoát dịch thành công với chương trình tiêm chủng quốc gia.

Nền kinh tế Tel Aiv lao đao vì các lệnh phong tỏa liên quan tới dịch bệnh và đối đầu một số mâu thuẫn với Iran và Syria...

Trong lần bầu cử không thành thứ 4, ông Netanyahu không thể thành lập chính phủ liên minh nên theo luật, nhiệm vụ thành lập liên minh cầm quyền đưa đất nước Israel ra khỏi bế tắc chính trị được giao cho Chủ tịch đảng đối lập Yesh Atid, ông Yair Lapid.

Ngày 6/5, ngay trước thời điểm xung đột nổ ra, ông Lapid gần như đã hoàn thành nhiệm vụ. Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), các đối thủ chính trị đối lập của ông Netanyahu đã sẵn sàng kết hợp, đạt đủ 61/120 ghế cần thiết, lật đổ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và thành lập một chính quyền mới, chấm dứt một đời lãnh đạo dài nhất của Israel.

img

Bạo lực bùng nổ tại Đông Jerusalem ngày 8/5

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, ông Netanyahu ngấp nghé phải rời ghế lãnh đạo, bạo loạn xung đột giữa người Israel và Ả-rập tại một số thành phố của Israel bùng lên vượt ngoài tầm kiểm soát, buộc ông Netanyahu phải áp lệnh khẩn cấp.

Sau đó, giao tranh Gaza giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas nổ ra, nhanh chóng bị đẩy lên mức tồi tệ nhất từ năm 2014. Vô hình chung, những cuộc khủng hoảng này lại trở thành “phao cứu sinh” chính trị cho Thủ tướng Netanyahu.

Các đảng Ả-rập và Chủ tịch đảng cánh hữu Yamina - ông Naftali Bennett vốn đã đồng ý liên minh theo kêu gọi của ông Lapid bất ngờ tuyên bố rút lui.

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận cho biết, ông Bennett thay đổi quyết định vì cho rằng, trong tình hình khẩn cấp bạo loạn mâu thuẫn giữa người Israel-Ả-rập hiện nay, chính phủ chuyển đổi sẽ khó có thể giải quyết được tình hình.

img

Xung đột bùng nổ trên Dải Gaza giữa Israel-Hamas từ ngày 10/5

Chớp thời cơ, đảng Likud của ông Netanyahu đã khởi động lại các cuộc đàm phán với đảng Yamina.

Trong lúc này, ông Lapid lại phải tìm kiếm đảng khác để thành lập chính phủ. Nếu ông Lapid thất bại, quyền thành lập chính phủ liên minh mới sẽ được trao cho Quốc hội Israel (Knesset).

Lúc đó Knesset sẽ có thêm 3 tuần nữa để đưa ra một ứng viên Thủ tướng. Trong trường hợp nỗ lực này tiếp tục không thành, Israel tiếp tục phải tổ chức cuộc bầu cử lần thứ 5 chỉ trong vòng 2 năm. Như vậy, ông Netanyahu sẽ nắm quyền thêm ít nhất vài tháng nữa.

“Netanyahu luôn phát triển mạnh trong những môi trường bất ổn, xung đột, khủng hoảng. Về cơ bản, trong suốt sự nghiệp chính trị, ông ấy đã đi hết từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác”, ông Mitchell Barak, một nhà khảo sát, Giám đốc tổ chức nghiên cứu toàn cầu Keevoon, từng làm việc ở vị trí trợ lý cho ông Netanyahu từ năm 90 của thế kỷ trước nhận định, theo Wall Street Journal.

Thêm cơ hội nhưng không thoát thách thức

Song, kể cả đảng Yamina chấp nhận liên minh với đảng Likud, ông Netanyahu vẫn đối mặt với thách thức đã xảy ra trong cuộc bỏ phiếu lần thứ 4 hồi tháng 3/2021, đó là không đạt đủ số ghế để thành lập liên minh trong Quốc hội.

Đặc biệt, ông Netanyahu tiếp tục phải chiến đấu với một đối thủ khốc liệt nhất là lãnh đạo đảng đối lập Xanh-Trắng Benny Gantz. Trong lần bầu cử thứ 3 (tháng 3/2020) vừa rồi, để duy trì quyền lực, ông Netanyahu từng chấp nhận bắt tay với ông Gantz để cùng thành lập một chính thủ liên minh.

img

Các thành viên Quốc hội khóa 24 của Israel tuyên thệ nhậm chức ngày 6/4

Thời điểm đó, đảng Likud giành chiến thắng với 36 ghế, còn Đảng Xanh-Trắng của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz giành 33 ghế.

Dù vậy, đảng Likud không đủ số ghế tối thiếu là 61 để độc lập điều hành đất nước nên ông Netanyahu đã đi nước cờ táo bạo, đó là đề nghị ông Gantz tham gia liên minh chính phủ và hai người chia nhau làm thủ tướng trong nhiệm kỳ 3 năm. Ông Netanyahu sẽ làm thủ tướng trước rồi chuyển giao quyền lực cho ông Gantz vào tháng 11/2021.

Biện pháp mà ai trên chính trường Israel cũng đoán là rất khó thành công này đã nhanh chóng “chết yểu” vì hai vị lãnh đạo liên tục bất đồng, đặc biệt là về việc phân bổ ngân sách.

Tất cả đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/2020, buộc Quốc hội phải giải tán dẫn đến tổ chức cuộc tổng tuyển cử lần thứ 4 vào tháng 3 vừa rồi.

Và ông Gantz đã hứa sẽ không bao giờ kết hợp với ông Netanyahu một lần nữa. Như vậy, đối thủ mạnh nhất là Gantz tiếp tục ở phe đối diện với ông Netanyahu.

Do đó, nhà phân tích chính trị Dahlia Scheindlin cho rằng, ông Netanyahu đã không thể thành lập chính phủ sau 4 cuộc bầu cử chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, nay cũng chưa thể tìm ra một “công thức mới” cho phép ông củng cố quyền lực một cách đột phá.

Cho nên, dù tình hình xung đột hiện nay đã tạo cơ hội cho ông Netanyahu làm lại nhưng cánh cửa chính trị của nhà lãnh đạo này cũng rất hẹp.

Cuộc xung đột này chỉ đơn thuần giúp Netanyahu tạm thời đánh lạc hướng sự chú ý dư luận, cho ông cùng đảng Lukid thêm thời gian để chứng minh năng lực cũng như thành lập liên minh mới.

Điều quan trọng nhất quyết định ông Netanyahu có tiếp tục nối dài nhiệm kỳ hay không nằm ở việc bế tắc chính trị Israel được khơi thông như thế nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.