Kinh tế

Xưởng gỗ của chàng trai khuyết tật xứ Quảng

09/11/2014, 15:28

Chàng trai xứ Quảng đã vượt qua những nỗi đau, mặc cảm để trở thành "ông chủ" xưởng điêu khắc gỗ.

Xưởng gỗ tình nghĩa của do Vỹ làm chủ - Ảnh: Triều Dương
Xưởng gỗ tình nghĩa của do Vỹ làm chủ - Ảnh: Triều Dương

Lê Tiến Vỹ (35 tuổi, trú thôn Thi Phương, xã Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam) sinh ra là con út trong một gia đình nghèo thuần nông có đến 7 người con. Lúc chào đời, anh cũng bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Nhưng bất hạnh đến với cuộc đời anh từ lúc anh lên 4 tuổi.

Ngày đó, Vỹ bị sốt nặng. Vì nhà nghèo không có tiền chữa nên ba mẹ để anh nằm ở nhà chăm sóc với hi vọng anh sẽ vượt qua. Thế nhưng, thật không may khi chứng sốt nặng đó đã khiến cho anh bị bại liệt mất một chân phải.

“Từ đó, tôi bị bại liệt. Nhưng vẫn cố gắng chống gậy đi học được hết cấp 2. Tôi quyết định nghỉ học vì trường xa, nhưng lý do chính là mặc cảm vì sợ bạn bè chê cười. Nghỉ học rồi tôi ở nhà sống như một con ốc, nhút nhát, ít quan hệ với người khác. Tôi chỉ giúp đỡ được ba mẹ nấu cơm, làm việc vặt trong nhà. Thật sự lúc đó tôi rất buồn và luôn suy nghĩ, cuộc đời mình như thế là vô dụng, là bỏ đi rồi…” Vỹ chia sẻ.

Vỹ chống nạng hướng dẫn học viên chạm khắc gỗ - Ảnh: Triều Dương
Vỹ chống nạng hướng dẫn học viên chạm khắc gỗ - Ảnh: Triều Dương

Năm 1998, thời điểm Vỹ vừa tròn 19 tuổi, trong một lần đi ngang qua xưởng điêu khắc gỗ Âu Lạc ở xã. Nhìn những người thợ tỉ mỉ đục đẽo và biến từng khúc gỗ thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. “Tại sao những khúc gỗ mà lại biến thành hoa lá, tượng người, rồng rắn thế này được?” Suy nghĩ đó liền sáng vụt lên trong đầu anh.

Anh cầm những sản phẩm đó say mê ngắm nghía. Và quyết định xin ông chủ xưởng gỗ Âu Lạc vào học nghề.

Những ngày đầu học nghề, anh gặp muôn vàn khó khăn. Vì nỗi đau trên cơ thể khiến cho anh gặp nhiều khó khăn trong việc cầm đục, cầm búa. Xưởng gỗ thì xa nhà, anh phải tự chống nạng lê lết tới xưởng học việc.

“Có những hôm trời mưa to khiến đường thôn nhầy nhụa nhưng tôi vẫn không muốn bỏ học. Thế là tôi nhờ đứa em hàng xóm đưa xe đạp chở tới xưởng. Bởi lúc đó tôi xác định, nghề này sẽ theo mình suốt cuộc đời nên phải học bằng được”, Vỹ nhớ lại.

Hiện mỗi năm xưởng điêu khắc gỗ Lạc Việt của Vỹ thu vào được khoảng 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí thì lời được 500 triệu. Đem lại lương thu nhập ổn định cho các em làm trong xưởng.

Với niềm đam mê và sự kiên trì đó nên chỉ gần hai năm sau, anh đã trở thành một người thợ điêu khắc gỗ cứng nghề. Những sản phẩm anh làm ra luôn được đánh giá cao về chất lượng và độ tinh xảo.

Ba năm làm thợ ở xưởng gỗ Âu Lạc đã tích lũy cho Vỹ nhiều kinh nghiệm. Nhưng có một điều vẫn làm anh không thể an tâm: “Nếu làm ở xưởng thì cứ làm y theo khuôn mẫu. Khách hàng họ đặt sao thì mình làm thế. Điều đó khiến tôi rất bức bí, khó chịu. Tôi muốn đột phá và sáng tạo các sản phẩm theo sở thích của mình”.

Nghĩ là làm, anh lấy số tiền mình dành dụm được mua gỗ về nhà tỉ mẩn, mày mò chế tác. Năm 2009, anh đưa một bộ sản phẩm do mình tự sáng tạo, gồm: tranh gỗ, tượng chân dung, người nguyện cầu, tranh phong cảnh,… đi dự triển lãm ở Hội An. Và bộ sản phẩm với những đường nét lạ này của anh đã được một vị khách ngoài Hà Nội đặt mua với giá 80 triệu đồng.

Học viên say mê lao động - Ảnh: Triều Dương
Học viên say mê lao động - Ảnh: Triều Dương

Anh đã dùng số tiền này để thực hiện ước mơ của mình là mở một xưởng điêu khắc gỗ tại nhà. Từ đó xưởng gỗ với cái tên Lạc Việt do anh làm chủ ra đời. Khi công việc đã ổn định rồi, anh không nghĩ cho riêng mình mà còn nghĩ đến các em thanh, thiếu niên trong xóm.

“Do gia đình khó khăn nên các em phải nghỉ học sớm. Mà nghỉ học thì lại không có việc làm ổn định. Nhiều em còn sinh ra hư hỏng, bỏ đi khỏi nhà, rồi sa đà vào game. Nghĩ tới mình, tôi lại tiếc và thương cho các em. Thế là tôi tìm gặp và khuyên các em về làm chung”, Vỹ cho hay.

Những học viên mà anh truyền nghề có độ tuổi từ 16 đến 19, tất cả đều không phải mất tiền học phí. Thậm chí, ai làm tốt, anh đều thưởng tiền động viên.

Em Nguyễn Bảo Tài (16 tuổi, trú cùng thôn), học viên nhỏ tuổi nhất xưởng cho biết: “Vì nhà nghèo nên em chỉ học được hết lớp 9. Bỏ học nhưng em cũng không có việc làm. Rảnh rỗi nên em còn bị bạn bè rủ rê chơi game. May mà có anh Vỹ rất tốt, anh xem em như em ruột. Và đưa em về đây cho học nghề. Anh luôn nhắc nhở em, phải chăm chỉ nâng cao tay nghề để sau ra làm ổn định còn giúp đỡ gia đình!”.

Triều Dương

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.