Bạn cần biết

Xương sông, “kẻ thù” của cảm cúm

08/06/2015, 13:55

Trong đông y, xương sông có vị cay, tính bình, ấm, có tác dụng bổ phế, chống co thắt phế quản, tiêu đờm...

article-55304-1422524451247
Cây xương sông.

Xương sông là một loại rau gia vị rất phổ biến, nhưng đồng thời nó cũng là một vị thuốc được nhiều người sử dụng trong việc điều trị bệnh đường hô hấp hoặc cảm cúm.

Trong đông y, xương sông có vị cay, tính bình, ấm, có tác dụng bổ phế, chống co thắt phế quản, tiêu đờm, đặc biệt là những trường hợp do phế nhiệt.

Khi bị ho khan, ho kéo dài, ho không ngừng được, có thể lấy lá xương sông, lá dâu, lá mã đề, mỗi thứ một nắm nấu nước uống, cách 30 phút uống một lần, uống trong nhiều ngày.

Khi bị cảm cúm, nhức đầu sổ mũi, đau rát họng, ho có đờm, lấy lá xương sông 24 g, cát cánh 12 g, tía tô 16 g, trần bì 12 g, mạch môn 16 g, cam thảo 12 g, sinh khương 6 g sắc uống; mỗi ngày một thang thuốc như trên, uống tới khi thấy khỏi dứt bệnh.

Với trẻ nhỏ bị ho, sốt nhẹ, lấy lá xương sông 6 g, lá hẹ 6 g, hai thứ rửa sạch thái nhỏ bỏ vào chén con, đường trắng một thìa, mật ong bốn thìa. Đưa bát thuốc hấp vào nồi cơm, khi chín mang ra để nguội, lấy nước thuốc trong bát cho trẻ uống 4-5 lần trong ngày. Hoặc lấy lá xương sông, lá hẹ, hồng bạch, hoa đu đủ đực sắc lấy nước uống.

Khi trẻ em sốt cao, co giật, thở gấp, lấy xương sông, chua me đất giã nhỏ chế nước nóng, vắt lấy nước cốt uống.

Với người cao tuổi bị đau nhức răng, tụt lợi, lấy rễ xương sông rửa sạch phơi khô 20 g, hoàng liên 10 g, hai thứ cho vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu, ngâm khoảng 10 ngày là có thể dùng dược, dùng bông chấm thuốc bôi vào răng lợi.

Lương y Đoàn Văn Hanh (Cơ sở đông y Lang Việt)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.