Hạ tầng

Xuyên Tết làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

10/01/2023, 06:01

Ngay sau lễ khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc-Nam, các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, máy móc, bắt tay ngay vào thi công.

Tinh thần làm việc xuyên Tết được xác định ngay từ bây giờ, có mặt bằng đến đâu làm ngay đến đó, không để công trường cao tốc ngơi nghỉ một phút nào.

Duy trì thi công xuyên Tết

img

Các máy móc thiết bị tại lễ khởi công dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ tại Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị sáng 1/1) nay đã tỏa đi dọc tuyến. Ảnh: Duy Lợi

Những ngày này, tại gói thầu XL01 (Km 625+000 - Km 655+285,04) thuộc dự án Bùng - Vạn Ninh (do Liên danh Công ty CP Tập đoàn CIENCO4, Tổng công ty 36 - CTCP, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn, Công ty CP 471 thi công), các nhà thầu đang hối hả đưa vật tư, thiết bị vào công trường.

Ông Mai Anh Đồng, Tổng giám đốc Công ty CP 471 cho biết, ngay sau lễ khởi công, đơn vị đã điều động hơn 20 kỹ sư, công nhân vào công trường, huy động 7 máy đủ điều kiện 2 mũi thi công.

Hiện, trên công trường, các mũi đang tập trung rà soát mặt bằng, chặt cây và bóc hữu cơ nền đường. Đơn vị tiếp tục duy trì 2 mũi thi công xuyên Tết, đồng thời triển khai thêm các mũi làm cầu, làm đường trên toàn tuyến ngay sau Tết.

Ông Đàm Xuân Toan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 cho biết, hiện trên công trường đã có 2 mũi thi công đường và cầu. Tinh thần làm việc trên công trường là không kể thứ Bảy, Chủ nhật hay dịp Tết. Các trạm trộn bê tông nhựa 120 tấn/giờ, 2 trạm bê tông xi măng 60 tấn và 90 tấn cũng được gấp rút triển khai.

Theo báo cáo của các Ban QLDA, tính đến ngày 5/1/2023, các địa phương đã bàn giao được 537,78/721,16 km tuyến chính cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cho các chủ đầu tư. Con số này tăng hơn 21km so với thời điểm trước khi khởi công dự án (516,31km).


Kỹ sư Nguyễn Kim Cương, cán bộ theo dõi dự án, Ban QLDA 6 cho biết: Đến nay, các nhà thầu ở 2 dự án Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh đều đã huy động thiết bị, con người để triển khai thi công, làm đường tiếp cận, xây dựng lán trại, bóc hữu cơ... cơ bản đáp ứng yêu cầu. Mỗi dự án nhà thầu đã triển khai 2 mũi thi công.

“Tư vấn giám sát, các nhà thầu đều đã lên kế hoạch triển khai làm Tết để đáp ứng tiến độ. Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB, cố gắng bàn giao toàn bộ trong quý II/2023”, ông Cương nói.

Tại dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị, có chiều dài 32,53km, lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh cho biết, Trường Thịnh và các nhà thầu trong liên danh đang gấp rút triển khai.

“Riêng đoạn qua Quảng Trị, trước mắt bố trí thi công 3 điểm và làm xuyên Tết, mặt bằng có đoạn nào ưu tiên làm đoạn đó trước. Chúng tôi làm ngay chứ không chần chừ”, đại diện nhà thầu nói và cho hay, Trường Thịnh có mỏ đá nên rất thuận lợi. Còn về mỏ đất đắp, bãi đổ thải phục vụ dự án hiện đang được cắm mốc GPMB để bàn giao.

Khó thi công liên tục vì mặt bằng “xôi đỗ”

Tại dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang (nằm trọn trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, chiều dài 83,35km), ngay sau lễ khởi công, nhà thầu đã triển khai thi công phát quang dọn mặt bằng, làm đường công vụ, thiết lập phòng thí nghiệm hiện trường.

Ông Trần Minh Tân, Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu XL02 (thuộc Liên danh nhà thầu tập đoàn Sơn Hải - Vinaconex) cho biết, ngoài thiết bị máy móc huy động đến trước lễ khởi công, hiện nhà thầu đang tiếp tục huy động thêm nhiều nhân sự, xe, máy hạng nặng để vào làm xuyên Tết.

Theo ông Tân khó khăn lớn nhất hiện nay là mặt bằng đã bàn giao đợt 1, tuy nhiên một số vị trí thi công cầu Ninh Tân 1 và 2 nằm xen kẹp trên tuyến, chưa có đường tiếp cận vào để phát quang và tiến hành thi công. Vị trí cầu Khánh Bình đang vướng đất rừng chưa chuyển đổi xong mục đích sử dụng.

Ông Đặng Quốc Dũng, Giám đốc điều hành dự án Vân Phong - Nha Trang cho biết, Ban QLDA7 đã chỉ đạo các nhà thầu hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công trên thực địa, lập kế hoạch tổng thể, chi tiết từng hạng mục; khẩn trương làm việc với địa phương để được hướng dẫn các thủ tục khai thác mỏ vật liệu, bãi đổ thải. Đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng đợt 1 với chiều dài khoảng 59,03km, đạt 70,8%.

Tại dự án Chí Thạnh - Vân Phong (qua tỉnh Phú Yên), đối với gói thầu XL02, sau 7 ngày khởi công, Ban QLDA7 đã yêu cầu 4 nhà thầu thành lập và kiện toàn Ban chỉ huy công trường, phòng thí nghiệm hiện trường.

Đến ngày 7/1 đã huy động 4 máy đào, 1 máy ủi, 4 ô tô tự đổ các loại; ngày 15/1 bắt đầu huy động thiết bị khoan cọc nhồi cho 6 mũi thi công cầu Đà Rằng và cầu Bàn Thạch, là 2 cầu lớn trên tuyến. Đến ngày 20/1, các nhà thầu sẽ cơ bản huy động đầy đủ thiết bị, máy móc chủ lực.

Theo ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, hiện hai dự án thành phần đi qua khu vực ĐBSCL đang được các nhà thầu tập trung thi công phát quang công địa và đào bóc hữu cơ.

Trong đó, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang đang được nhà thầu tổ chức 7 mũi thi công cào bóc hữu cơ. Dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau đang tổ chức 9 mũi. Tổng số thiết bị nhà thầu huy động vào mỗi dự án thành phần khoảng 20 đầu máy, thiết bị.

Về công tác GPMB, hiện, các địa phương có dự án đi qua đã bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng. Một số địa phương như Hậu Giang, Kiên Giang, tỷ lệ bàn giao đạt hơn 80%.

Tỷ lệ bàn giao đáp ứng tiến độ, song, do diện tích mặt bằng được bàn giao không liên tục, vẫn còn “xôi đỗ” nên việc thi công bị dàn trải, chưa được tập trung, liên tục.

Công tác giải phóng phần mặt bằng còn lại (20 - 30%) cũng gặp khó khăn khi phần lớn là các hộ dân nằm rải rác tại vị trí quốc lộ và dọc hai bờ kênh. Một số hộ đã đền bù nhưng do thời điểm cận Tết, người dân khó tìm nơi ở mới để di dời nên chưa thể thu hồi mặt bằng.

Liên quan dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, địa phương đã bàn giao được 82% diện tích gói thầu đầu tiên và khoảng 80% diện tích tổng thể dự án. Thế nhưng, mặt bằng được bàn giao chủ yếu là đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Với phần mặt bằng liên quan đến người dân, địa phương đã công bố số lượng hộ dân trong diện thu hồi, thu thập thông tin phân loại.

Theo thống kê, cả dự án có hơn 7.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Riêng khu tái định cư, ở Quảng Ngãi phải xây dựng 23 khu, ở Hoài Nhơn là 11 khu. Hiện, Quảng Ngãi đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây dựng khu tái định cư, đang tổ chức triển khai thi công. Ở Hoài Nhơn cũng đang thực hiện song song các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ.

Tiếp tục gỡ vướng nguồn vật liệu

img

Máy móc, thiết bị được nhà thầu huy động để triển khai thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Như

Theo khảo sát của Ban QLDA Thăng Long, nguồn vật liệu phục vụ 3 dự án thành phần đoạn qua Hà Tĩnh là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng rất khả quan.

Tại dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, nhu cầu đắt đắp khoảng hơn 7,5 triệu m3, công tác khảo sát được 8 vị trí với trữ lượng dự kiến 16,5 triệu m3; vật liệu cát các loại cần khoảng 456 nghìn m3, thực tế khảo sát được 12 vị trí với trữ lượng dự kiến hơn 1,5 triệu m3; vật liệu đá cần khoảng hơn 1 triệu m3, đã khảo sát được 8 vị trí với trữ lượng dự kiến hơn 13,5 triệu m3.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Cường (cán bộ Ban QLDA Thăng Long, chủ đầu tư dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi; Hàm Nghi Vũng Áng), hiện đang vướng các thủ tục để bàn giao các mỏ vật liệu cho các đơn vị thi công. Đơn vị đang đốc thúc các nhà thầu liên hệ với Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh làm các thủ tục để được giao mỏ. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc khi các văn bản có sự chồng chéo.

“Tại dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi có 6 mỏ, hiện mới chỉ có 1 mỏ đang khai thác, 1 mỏ đã đấu giá xong quyền sử dụng đất nhưng UBND tỉnh đang cho dừng lại để làm thủ tục giao lại cho nhà thầu để khai thác theo quy định; 4 mỏ còn lại đang làm thủ tục quy hoạch để làm thủ tục cấp phép làm vật liệu cho đường cao tốc”, ông Cường nói.

Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh, để đảm bảo thống nhất, Bộ TN&MT xem xét hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác để chủ đầu tư, nhà thầu thi công, địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Liên quan đến nguồn vật liệu cát đắp cho hai dự án tại khu vực ĐBSCL, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tính đến nay, có duy nhất tỉnh An Giang dự kiến bố trí 1,1 triệu m3 từ nguồn tăng 50% công suất của các mỏ đang khai thác. Các địa phương khác trong khu vực đều chưa có kế hoạch. Đối với việc cấp mỏ mới, Bộ TN&MT đang yêu cầu các địa phương có văn bản gửi Bộ và Bộ GTVT trước ngày 10/1 để có kế hoạch bố trí vật liệu cát cho dự án.

Theo tính toán, năm 2023, dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng gần 12 triệu m3. Phần còn lại hoàn thiện trong năm 2024. Ban QLDA Mỹ Thuận đã có văn bản gửi các tỉnh hỗ trợ giới thiệu, xác định vị trí mỏ vật liệu thuận lợi nhất để giới thiệu, cấp phép khai thác trực tiếp cho nhà thầu.

Theo đại diện Ban QLDA 2, khó khăn nhất là công tác GPMB khai thác mỏ vật liệu theo quy định hiện hành sẽ thực hiện trên sự thỏa thuận của nhà thầu với người dân. Thời gian thực hiện thủ tục để được cấp phép khai thác sẽ có thể bị kéo dài nếu người dân không chấp thuận giá đền bù nhà thầu đề xuất. “Ban và nhà thầu đang làm việc, đề nghị các cấp chính quyền địa phương đóng vai trò “trọng tài”, đảm bảo thuận lợi cho quá trình thương thảo với người dân”.

Ông Nguyễn Quyết Tiến, Q.Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT):
Có bản vẽ thiết kế phải thi công ngay

Ngay trước thềm khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các Ban QLDA (chủ đầu tư) chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công tổng thể/chi tiết từng hạng mục, kèm theo kế hoạch huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm, trình tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận và báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/1/2023.

Các Ban QLDA cũng được yêu cầu chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các bộ, ngành có liên quan trong công tác GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2/2023 theo đúng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 18 của Chính phủ.

Nhằm thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT, trên cơ sở công địa được bàn giao, những hạng mục nào có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động, được Ban QLDA chấp thuận kế hoạch phải làm ngay.

Riêng vấn đề thi công Tết, Cục đã có văn bản yêu cầu các Ban đăng ký kế hoạch thi công Tết, hưởng ứng phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông đã được Bộ GTVT phát động, bắt đầu từ ngày 6/1/2023 (15 tháng Chạp năm Nhâm Dần) đến hết ngày 6/2/2023 (16 tháng Giêng năm Quý Mão). Dự kiến, đến ngày 10/1, kế hoạch thi công Tết sẽ được hoạch định rõ.

Làm xuyên Tết được trả lương cao gấp 3 lần

Lãnh đạo Cienco 4 cho biết, các kỹ sư, công nhân ở lại làm việc trong những ngày Tết được trả lương gấp 3 lần ngày thường, ngoài ra còn có các chế độ khác như tiền mừng tuổi, chăm lo đời sống vật chất đầy đủ trong những ngày Tết…

Với tất cả cán bộ công nhân viên, trước đó mỗi người đều được nhận thưởng Tết với số tiền bằng 2 tháng lương.Tương tự, lãnh đạo Công ty TNHH Xây Dựng Dacinco (liên danh nhà thầu gói XL01, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) cho hay, ngoài tiền thưởng, đơn vị trả lương cao gấp 3 lần so với ngày thường.

Nhiều nhà thầu khác cũng trả lương với mức này để động viên công nhân làm việc xuyên Tết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.