Chất lượng sống

Ý nghĩa bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo ít người biết?

23/01/2022, 10:49

Ngày 23 tháng Chạp (23/12 âm lịch), nhiều gia đình mua bộ mã ông Công ông Táo về làm lễ, nhưng ít ai biết tên gọi và ý nghĩa thật của chúng?

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, sư trụ trì một ngôi chùa tại Hà Nội cho biết, hiện nay có rất nhiều tài liệu viết về ông Công ông Táo, các tài liệu này chưa có sự đồng nhất với nhau về sự ra đời của ông Công ông Táo. Chưa phân biệt rạch ròi giữa ông Công và ông Táo, chính vì thế nên người ta gọi gộp là "cúng ông Công ông Táo".

img

Bộ mũ áo ông Công ông Táo

Tuy nhiên, theo cuốn sách chữ nho thầy đang giữ thì hiểu rằng ông Công và ông Táo là hai chủ thể khác nhau. Bản thân ông Công cũng có một hội đồng và ông Táo cũng có một hội đồng riêng gồm rất nhiều Táo chứ không phải một nhân vật.

Theo đó, ông Công có 3 nhân vật gồm: Bà ngũ phương, ngũ đế, thổ công địa chủ vạn phúc phu nhân.

Ông thứ hai là ông Bản xứ thổ địa phúc đức.

Ông thứ ba là Đông Trù tư mệnh táo phủ thần quân là thần bếp. Thần bếp chính là táo quân.

Táo quân lại có 3 ông bà gồm: Bà Thái âm tư mệnh táo phủ thần quân nguyên hoàng phu nhân, ông Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân thiên đế triều nam địa hoàng kiều nữ cấm kỵ nhất thiết tuyệt vị táo quân và cuối cùng là ông Linh trù tư mệnh táo phủ thần quân ngũ âm ngũ tính tam thập lục vụ táo quân nhất nhất thiết táo gia.

Như vậy có thể hiểu, Táo quân gồm 3 táo quản lý bếp núc và là một trong ba ông Công.

Chính vì thế, bộ mã áo cúng ngày ông Công ông táo (23/12) gồm 2 bộ: Bộ 3 mũ áo, giầy, cá là cúng ông Táo. Bộ mũ đơn, màu vàng là cúng ông Công.

img

Vàng mã cúng ông Công ông Táo được làm bắt mắt

Về nguồn gốc ra đời ông Táo, TS.Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Nguồn gốc ông Công ông Táo bắt nguồn từ vùng bách Việt với tích kể lại rằng Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ.

Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.

Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Tình cờ, Trọng Cao tìm xin ăn đúng nhà của Nhi, nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi sớm nhận ra người hành khất đúng là người chồng cũ. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.

Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.

Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.