Hạ tầng

Yên Bái nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông

27/06/2016, 09:35

Trong 5 năm qua, bằng cả nội, ngoại lực, ngành GTVT Yên Bái đã xây dựng, cải tạo được nhiều tuyến đường huyết mạch.

8

Cầu treo Hàng Giống, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu -  một trong những cây cầu dân sinh được tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN xây dựng

Với sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành T.Ư, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành của địa phương, trong nhiệm kỳ 5 năm (2010 - 2015), mạng lưới hạ tầng giao thông Yên Bái có bước chuyển rõ rệt.

Tăng cường vai trò kết nối

Trong 5 năm qua, bằng cả nội, ngoại lực, ngành GTVT Yên Bái đã xây dựng, nâng cấp, cải tạo được nhiều tuyến đường huyết mạch. Trong đó có 114km đường QL32 và QL32C; Mở mới, nâng cấp, cải tạo được 143km đường tỉnh; Các công trình hoàn thành như: Đường tránh ngập TP Yên Bái, đường Yên Bái - Khe Sang, đường Mường La - Mù Cang Chải, đường Khánh Hòa - Minh Xuân, đường Yên Thế - Vĩnh Kiên đoạn Vĩnh Kiên - Cảm Nhân, đường Hoàng Thi; dự án đang thi công như cầu Tuần Quán vượt sông Hồng, cầu Bách Lẫm.

Kết thúc đề án phát triển GTNT giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã mở mới, mở rộng trên 1.000 km đường đất (2,5 - 3,5m), kiên cố hóa được gần 600 km đường bê tông xi măng với kinh phí tỉnh hỗ trợ gần 500 tỷ đồng.

Với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua Yên Bái gần 81km đã phát huy hiệu quả to lớn trong việc kết nối giao thông, mở đường phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, nút giao IC12 nối trung tâm TP Yên Bái lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, cùng với nút giao IC14 được đưa vào khai thác, góp phần kết nối các địa phương của tỉnh với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Hiện, bình quân mỗi ngày có hơn 1.200 lượt phương tiện ô tô ra vào TP Yên Bái cua nút IC12. Việc tuyến đường kết nối từ nút giao IC12 xuống đường tránh ngập quy mô bốn làn xe nối vào trung tâm TP Yên Bái đã phát huy lợi thế rất lớn khi rút ngắn hành trình đến nhiều dự án công nghiệp, thương mại và du lịch trong tương lai gần của Yên Bái.

Trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài 245km, trong đó 2/3 quãng đường qua địa phận Yên Bái, ngành GTVT Yên Bái đã chủ động nâng cao chất lượng tuyến đường kết nối cho các phương tiện từ Tuyên Quang, Hà Giang có thể qua trung tâm tỉnh Yên Bái rồi đến các nút giao IC12 và IC14 để lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai và ngược lại, nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ưu tiên phát triển giao thông nông thôn

Hiện nay, tại Yên Bái, tỉ lệ các tuyến từ huyện đến xã, liên xã, xã đến thôn bản được rải mặt đường kiên cố hóa còn thấp (toàn tỉnh mới đạt khoảng 27%), do các tuyến đường chủ yếu là đường đất. Vì vậy, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, nhất là việc vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, nguyên liệu nông lâm sản, vật liệu xây dựng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa bị ảnh hưởng.

Theo ông Đỗ Văn Dự, Giám đốc Sở GTVT Yên Bái: Nguyên nhân chính là do điều kiện nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, kinh phí hàng năm bố trí cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa còn hạn chế. Ngoài ra, phương tiện vận tải ô tô ở nông thôn hiện nay tăng nhanh, trong đó tập trung cho vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, nguyên liệu khoáng sản... nên nhiều tuyến đường mới đầu tư xây dựng đã bị hư hỏng, càng làm ảnh hưởng đến việc đi lại, lưu thông hàng hóa của ngươi dân. “Với vai trò là người đứng đầu ngành GTVT của tỉnh, tôi cùng các CBCNV đều ý thức việc phải tiếp tục thực hiện đạt mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII để phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh nhanh, mạnh và bền vững”, ông Dự nói.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu ngành GTVT Yên Bái cho biết, đến năm 2020, Yên Bái tiếp tục cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông hiện có; Đầu tư có chiều sâu và xây dựng mới một số công trình có yêu cầu cấp thiết để từng bước hoàn thiện mạng lưới GTVT, đáp ứng điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố, thị xã, thị trấn, trung tâm cụm xã và các khu công nghiệp của tỉnh.

Cùng đó, đề xuất với tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Phấn đấu hết năm 2020 kiên cố hóa được ít nhất 435km đường BTXM; Mở mới, mở rộng ít nhất được 600km đường đất với bề rộng tối thiểu 3,5m; Khuyến khích phát triển vận tải công cộng ở khu vực đô thị, vận tải ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đảm bảo an toàn và tiện lợi…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.