Thời sự

Yêu cầu Trung Quốc cung cấp tọa độ, lý do bắt giữ tàu cá

06/07/2014, 14:07

Những lời kể đầy nước mắt của ngư dân sau gần 2 ngày chạy tàu hết tốc lực vào bờ. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã chính thức yêu cầu TQ cung cấp toạ độ, lý do bắt giữ tàu cá và ngư dân VN.

7h30 phút sáng 5/7, tàu QNg 94913 về cảng cá Sa Huỳnh sau gần 2 ngày chạy hết tốc lực về bờ. Tàu QNg 94913 là tàu cùng xuất bến với tàu QNg 94912 ngày 28/6 ở cảng Đà Nẵng ra vùng biển vịnh Bắc Bộ hành nghề giã cào đôi. Trước đó, sáng 3/7, tàu Trung Quốc bắt giữ tàu Qng 94912 và đưa 6 ngư dân về Trung Quốc.

Anh Trần Xi và Nguyễn Nguyễn Ngọc Quý kể lại chuyến ra khơi hãi hung
Anh Trần Xi và Nguyễn Nguyễn Ngọc Quý kể lại chuyến ra khơi hãi hung

Ngư dân Võ Đạt không cầm được nước mắt: "Khi đi đến 8 anh em mà giờ về chỉ được 2 người". Hai ngư dân Trần Xi và Nguyễn Ngọc Quý về bờ trong trạng thái mệt mỏi, phờ phạc, vẫn chưa hết bàng hoàng sau buổi sáng đứng nhìn người thân bị Trung Quốc tấn công.

Thuyền trưởng Xi kể lại: "Lúc đó mới 7 giờ sáng, bọn tui vừa ăn sáng xong rồi bắt đầu đánh bắt, trên biển lúc này có khoảng 20 đôi tàu hành nghề giã cào đôi của anh em Việt Nam, thế rồi bất ngờ tàu Trung Quốc mang số hiệu 3103 xuất hiện.

Tôi cứ nghĩ thuyền bọn tui bé, Trung Quốc sẽ không bắt. Ai ngờ đâu nó lấy tàu tui làm mục tiêu. Nó chạy vòng quanh chụp hình tàu QNg 94912. Thấy tình hình này là bị bắt rồi, tui kêu cháu Tèo (Võ Tấn Tèo) kéo lưới nhanh lên rồi chạy".

Lặng người khi không thấy chồng về
Lặng người khi không thấy chồng về

Anh Xi kể tiếp: "Tui nói với nó là để tàu cậu (QNg 94913) đi trước để lỡ bị bắt thì còn 1 tàu về bờ. Tàu tôi chạy cách chừng 300m thì thấy 2 ca nô từ tàu Trung Quốc chạy tới áp sát tàu của Tèo, nó vừa kéo lưới lên là bị khống chế luôn".

Lúc ấy, thuyền trưởng Xi nghe tiếng khóc của Tèo qua bộ đàm, Tèo kêu cậu bằng giọng run run: "Cậu ơi, Trung Quốc giơ súng lên rồi". Anh Xi lạc giọng: "Cháu đừng chạy, coi chừng nó bắn trúng đó". Thế rồi tín hiệu từ bộ đàm tắt lịm, giọng Tèo mất hút. "Tôi như người mất hồn lạc giữa biển, cứ nấn ná đứng lại chờ xem Trung Quốc có thả tàu ra không".

Những tưởng Trung Quốc sẽ buông tha cho tàu QNg 94913, nhưng chỉ chạy thêm được vài hải lý, thuyền trưởng Xi đã thấy 3 tàu Trung Quốc chạy theo để xua đuổi. "Thấy tình hình nguy hiểm, các anh em cùng ngư trường khuyên bọn tui đưa tàu về, nếu không nó bắt luôn cả hai", thuyền trưởng Xi kể lại.

Rời tàu QNg 94913, ngư dân Trần Xi và Nguyễn Ngọc Quý về nhà của ngư dân Võ Đạt, tại đây họ gặp lại những người mẹ, người vợ, người chị đang quây quần bên nhau và khóc. Hai người đàn ông giữ cho mình không rơi nước mắt để giữ tinh thần những người phụ nữ bên mình vững vàng hơn. Nhưng nước mắt vẫn cứ rơi...

Cha ở đâu?
Cha ở đâu?

Sáng nay, xuất hiện ở nhà anh Võ Đạt có thêm một cụ bà 74 tuổi, đó là cụ Bà Nguyễn Thị Ngõ, mẹ của ngư dân Trần Xi, bà của Lê Văn Thun và Võ Tấn Tèo. Chị Mầy - vợ anh Đạt kể: "Mẹ bị cao huyết áp mấy năm rồi, bây giờ nói thêm gì chắc bà xỉu mất". Bà đã khóc hết nước mắt 2 hôm nay, và sáng nay bà lại khóc khi thấy con mà không thấy cháu về.

Ai cũng biết Sa Huỳnh của một địa danh văn hóa, Sa Huỳnh của một vùng muối trứ danh, những ngày này người ta lại thấy một Sa Huỳnh của nước mắt. Những giọt nước mắt mặn như muối, giọt nước mắt của yêu thương và đớn đau, nước mắt ấy có cả nỗi oán hận cho những kẻ đã cướp đi bình yên của nơi này.

Ông Lương Thanh Quảng, Trợ lý Cục trưởng - Trưởng phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam) cho biết, ngày 6/7, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị phía Trung Quốc thông báo chính thức cho phía Việt Nam về vị trí tọa độ, lý do Trung Quốc bắt giữ tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS cùng 6 ngư dân hôm 3/7 vừa qua.

Trước đó, ngày 5/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc xác minh thông tin và có các biện pháp bảo hộ đối với những ngư dân này.

Cao Sơn (tổng hợp từ Lao Động, Thanh niên)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.